Đổi mới giáo dục: Điểm nghẽn 'cần điều chỉnh lớn'

30/12/2023 08:23 GMT+7

Năm 2023, Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Vấn đề gây tranh luận nhiều nhất sau báo cáo giám sát này là việc Bộ GD-ĐT có nên biên soạn một bộ SGK theo Nghị quyết 88 nữa hay không sau khi đã có nhiều bộ SGK được xã hội hóa.

Đoàn giám sát và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm Bộ GD-ĐT cần biên soạn một SGK; điều này vừa đảm bảo chủ động về nguồn SGK trong mọi tình huống, vừa thể hiện trách nhiệm của nhà nước.

Dạy và học tích hợp là điểm vướng trong đổi mới  chương trình giáo dục phổ thôngẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Dạy và học tích hợp là điểm vướng trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của chính đại biểu Quốc hội, chuyên gia và nhà giáo lại cho rằng khi đã có nhiều bộ SGK xã hội hóa thì việc Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK vừa gây tốn kém ngân sách nhà nước, vừa có thể tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng khi các nhà trường và địa phương sẽ chỉ chọn bộ SGK của Bộ GD-ĐT.

Mới đây ngày 25.12, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Trong đó yêu cầu Bộ GD-ĐT tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018, trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ SGK theo quy định tại Nghị quyết số 88 trong năm 2025.

Dư luận trong và ngoài ngành GD-ĐT lại tiếp tục quan tâm, góp ý và chờ đợi xem Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất, báo cáo ra sao về nhiệm vụ từng được cho là bất khả thi này.

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ ba thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS. Tuy nhiên, bất cập về các môn học tích hợp vẫn là những thách thức đối với nhà trường. Vấn đề này một lần nữa lại "nóng" hơn bao giờ hết khi nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), nêu ý kiến trên Báo Thanh Niên đề nghị Bộ GD-ĐT cần nhìn thẳng vào những khó khăn, bất cập của việc dạy tích hợp mà các nhà trường gặp phải đang đe dọa trực tiếp đến chất lượng dạy học của môn học này; đề nghị bỏ các môn tích hợp để "lối cũ ta về" đơn môn như trước. Ý kiến này nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn.

Đổi mới giáo dục: Điểm nghẽn 'cần điều chỉnh lớn'- Ảnh 2.

Bộ GD-ĐT có nên biên soạn một bộ SGK theo Nghị quyết 88 nữa hay không sau khi đã có nhiều bộ SGK được xã hội hóa là vấn đề tiếp tục gây tranh luận

ĐÀO NGỌC THẠCH

Sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội cũng như đối thoại với GV cũng gọi tích hợp là "điểm vướng, điểm khó và điểm nghẽn lớn nhất" trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này và hứa sẽ có "điều chỉnh lớn".

Vào tháng 11, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản hướng dẫn dạy tích hợp chứ không phải là điều chỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng hướng dẫn này không mới, nhiều địa phương đã thực hiện từ năm đầu tiên. Điều quan trọng nhất là những khó khăn về giáo viên (GV) dạy tích hợp và chương trình vẫn còn nguyên; đến bao giờ có đủ GV được đào tạo bài bản để dạy tích hợp thì câu trả lời còn bỏ ngỏ. Điều này có nghĩa là câu chuyện không có GV dạy tích hợp hoặc GV đơn môn phải đi bồi dưỡng để dạy tích hợp không biết bao giờ mới có hồi kết. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, "đây là vấn đề cần quá trình triển khai chứ không phải đặt ra yêu cầu về thời gian, tháng mấy phải làm xong".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.