Đổi đèn compact tiết kiệm tiền tỉ

26/12/2013 08:00 GMT+7

Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đang chuẩn bị triển khai dự án đổi 500.000 đèn compact thay đèn tròn sợi đốt cho người trồng thanh long ở các tỉnh phía Nam để có thể tiết kiệm hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

 Nông dân sử dụng đèn compact tiết kiệm điện
Nông dân sử dụng đèn compact tiết kiệm điện để chiếu cho thanh long ra trái nghịch vụ - Ảnh: Đình Hoàng

Yêu cầu bức thiết

Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ giai đoạn 2012-2015 xác định: “Phổ biến rộng rãi các trang thiết bị có hiệu suất cao, thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp, tiến tới loại bỏ các trang thiết bị có công nghệ lạc hậu; giảm cường độ năng lượng trong sản xuất; tiết kiệm năng lượng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội”. Đây chính là điều kiện để EVN SPC triển khai dự án thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn compact cho các hộ trồng thanh long, từ tháng 2 - 10.2014, tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.

Thanh long hiện là cây xóa nghèo, làm giàu của hàng chục ngàn hộ dân ở các địa phương trên; đồng thời là mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu cao trong các mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam. Từ khi phát hiện thanh long ra hoa trái vụ bằng cách chiếu (chong) đèn vào ban đêm, người trồng thanh long đã “điều chỉnh” cho thanh long kết trái nghịch vụ đem lại lợi nhuận cao. Ước tính số lượng đèn sử dụng cho 1 ha thanh long là 1.000 bóng đèn sợi đốt loại 60 W.

Chỉ tính 3 tỉnh Bình Thuận (19.000 ha), Tiền Giang (2.402 ha), Long An (2.000 ha), nông dân đang sử dụng hơn 14 triệu bóng đèn tròn sợi đốt loại 60 W để chiếu sáng kích thích thanh long trái vụ. Mức hao phí điện năng tại khu vực trồng thanh long là rất lớn. Chính vì vậy, việc tìm giải pháp để tiết kiệm điện năng nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả năng suất cây trồng được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách của ngành điện miền Nam.

Tiết kiệm và hiệu quả

Qua khảo sát thực tế về mô hình chiếu sáng tiết kiệm hiệu quả bằng bóng đèn compact chống ẩm do Trung tâm nghiên cứu và phát triển thanh long Bình Thuận xây dựng cho thấy trong cùng một điều kiện về chế độ canh tác, chăm sóc, tuổi cây, thời điểm chong đèn, số đêm chong đèn, số giờ thắp đèn/đêm… kết quả thanh long ra hoa trái vụ giữa bóng đèn compact 20 W (sử dụng ngoài trời không có chóa đèn che chắn)  và bóng đèn sợi đốt 60 W đều cho kết quả tương tự nhau. Đặc biệt, sử dụng bóng đèn compact 20 W giảm 2/3 lượng điện năng tiêu thụ, giúp giảm chi phí đầu vào, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó tổng giám đốc EVN SPC, cho biết nếu áp dụng giải pháp trên cho toàn bộ diện tích thanh long ở Bình Thuận thì mỗi năm sẽ tiết kiệm 170,24 triệu kWh. Với giá điện hiện nay 1.340 đồng/kWh thì số tiền tiết kiệm khoảng 228 tỉ đồng/năm. Còn ở Long An, Tiền Giang nông dân cũng sẽ tiết kiệm hơn 50 tỉ đồng/năm.

Theo dự án của EVN SPC, đối tượng được cấp đổi đèn compact là hộ nông dân thu nhập thấp, thu nhập trung bình đang sử dụng đèn tròn sợi đốt để chiếu sáng kích thích cây thanh long với mức sử dụng trên 100 bóng và không vượt quá 1.000 bóng. Nông dân được cấp đổi đèn compact, còn đèn tròn mà hộ nông dân đang sử dụng sẽ được dự án thu hồi và tiêu hủy. Cụ thể là nông dân được hỗ trợ 20% giá mua đèn compact và 50% chi phí mua đèn tròn và được thu hồi toàn bộ đèn tròn với số lượng tương ứng số đèn compact được hỗ trợ giá mua. Số lượng đèn compact được đem đổi là 500.000 bóng, triển khai tại Bình Thuận, Tiền Giang, Long An với 3.500 hộ dân được hưởng lợi. Tổng chi phí dự án là 21,5 tỉ đồng. Theo tính toán của EVN SPC, 3.500 hộ dân được hỗ trợ mỗi năm sẽ tiết kiệm được 6,4 triệu kWh/năm, tương đương với 8,576 tỉ đồng/năm. Tính theo tuổi thọ của đèn compact là 5 năm thì nông dân sẽ bớt đi khoản chi phí lên tới 42,88 tỉ đồng.  

Đình Tuyển

>> Vì sao TP.HCM luôn dẫn đầu tiết kiệm điện?
>> Tiết kiệm điện từ mỗi gia đình ở Nam Định
>> Cần Thơ sôi nổi hội thi Gia đình tiết kiệm điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.