‘Đội đặc nhiệm’ cấp cứu đột quỵ

19/12/2017 20:30 GMT+7

Chạy đua với “thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não hay xuất huyết não được cho là sứ mệnh của “đội đặc nhiệm” ở Bệnh viện Đà Nẵng.

Cứ 1 phút thiếu máu não, có đến 1,9 triệu nơ ron thần kinh mất đi. Vì vậy, chạy đua với “thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não hay xuất huyết não được cho là sứ mệnh của “đội đặc nhiệm” ở Bệnh viện Đà Nẵng.
Chạy đua với thời gian


Với bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, sẽ không cần qua các bước thủ tục hành chính để tận dụng “thời gian vàng” cấp cứu

TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng


"Đội đặc nhiệm" gồm khoảng 10 bác sĩ chuyên khoa Hồi sức tích cực - chống độc, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm… Bạn đồng hành của họ là Stroke bag (túi cấp cứu đột quỵ). Túi này luôn phát huy tác dụng với đầy đủ thiết bị, dụng cụ thuốc men tiêu huyết khối đột quỵ truyền theo chỉ định, liều lượng, kèm theo đó là bảng thông tin bệnh nhân và kết quả CT mạch máu não. TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, cho biết đối với cấp cứu đột quỵ dưới 4-5 giờ, bệnh nhân được chỉ định điều trị Alteplase đường tĩnh mạch. “Đây là phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp hiện nay trên thế giới với tỉ lệ hồi phục ở mức cao, tuy nhiên, nhấn mạnh là thuốc chỉ có thể sử dụng ở bệnh nhân nhập viện trước 4-5 giờ tính từ lúc khởi phát triệu chứng”, TS Nhân nói.
Bác sĩ Dương Quang Hải, khoa Hồi sức tích cực - chống độc, một trong những thành viên tích cực của “đội đặc nhiệm” khẳng định đội hoạt động 24/24 với những nhóm làm việc trực tuyến qua mạng xã hội. Bất kể ở đâu, khi nào, đội cũng có thể hội chẩn cùng nhau với các hình cảnh chụp cắt lớp mạch máu não chi tiết. Hội chẩn trực tiếp cũng cho cơ hội nhận tư vấn nhanh từ các chuyên gia đột quỵ quốc tế. Sự nhanh nhạy này đã giúp cấp cứu đột quỵ và lấy huyết khối hơn 40 ca, tái thông mạch máu hơn 80% trong năm 2016 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Năm 2017, đội xử lý trung bình 10 ca/tháng. “Có tuần gần đây nhất đã tiến hành cấp cứu tiêu huyết khối cho 5 ca đột quỵ với mức độ hồi phục gần như hoàn toàn”, bác sĩ Hải chia sẻ.

tin liên quan

Đột quỵ không 'chừa' người trẻ tuổi, khỏe mạnh
Nhiều trường hợp người trẻ tuổi, đang khỏe mạnh, không bệnh tật cũng có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào mà không hề có dấu hiệu báo trước. Con số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi đang gia tăng ở các bệnh viện.
Rút ngắn 32 phút
Dấu hiệu ban đầu để nhận biết người bị đột quỵ thường là méo miệng, yếu liệt tay chân, ngôn ngữ bất thường, mất cảm giác..., đôi khi dân gian vẫn hay liệt vào dạng “trúng gió”, do nhồi máu não (do tắc động mạch não) và xuất huyết não (do vỡ động mạch não). Với bệnh nhân đột quỵ não, nếu được khai thông mạch máu não đúng quy trình trong khoảng “thời gian vàng” thì sẽ tăng khả năng cấp cứu và hồi phục cho bệnh nhân. “Thời gian vàng” ấy kéo dài 3-5 giờ (đối với liệu pháp tiêu sợi huyết) và 6 giờ (đối với lấy huyết khối bằng dụng cụ ở bệnh nhân nhồi máu não).
Túi cấp cứu đột quỵ với các đầy đủ các thiết bị
“Thời gian là não”, khái niệm dễ nhất để hiểu tại sao cần phải điều trị đột quỵ sớm. Khi não bị tổn thương do dòng máu bị nghẽn, tế bào não bị thiếu oxy và bắt đầu chết, các chức năng của vùng não chết cũng sẽ mất đi... TS-BS Lê Đức Nhân cho biết, nếu trước đây cấp cứu đột quỵ mất khoảng 72 phút chạy đua với thời gian thì nay chỉ mất chừng 40 phút với phương pháp tiêu sợi huyết. Như vậy, trong số 32 phút được rút ngắn có hơn 30 triệu nơ ron thần kinh được giữ lại, khả năng phục hồi vùng tổn thương cho bệnh nhân. “Đặc biệt, với bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, sẽ không cần qua các bước thủ tục hành chính để tận dụng “thời gian vàng” cấp cứu”, TS Nhân chia sẻ.
BS Dương Quang Hải cũng lên tiếng trước các nguy cơ rình rập đối với bệnh nhân. “Chúng tôi hy vọng nhận thức của người dân, cộng đồng về tình trạng đột quỵ não được thay đổi. Khi một người có dấu hiệu đột quỵ hãy gọi ngay Trung tâm cấp cứu 115 để được liên hệ với "đội đặc nhiệm" và được phối hợp cấp cứu kịp thời, đúng chỗ và hiệu quả”, bác sĩ Hải nói.
Từ năm 2013, nhóm bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Đánh giá hiệu quả điều trị bệnh nhân nhồi máu não cấp trong 4,5 giờ bằng thuốc tiêu sợi huyết”, với 56% bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn. Trong đó, liệu pháp điều trị tiêu sợi huyết được khuyến cáo ở mức cao nhất, nhưng theo các bác sĩ phải rất cẩn trọng với các chống chỉ định của thuốc vì đi cùng với lợi ích là nguy cơ biến chứng xuất huyết não.
Khi người thân có những dấu hiệu của đột quỵ, hãy gọi ngay vào đường dây nóng khoa Hồi sức tích cực -chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) và Stroke team (Đội đột quỵ): 02363885203 - 02363885205.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.