Đội cồng chiêng trẻ em C’Tu

25/04/2013 11:00 GMT+7

m thanh cồng chiêng đầy mê hoặc của cộng đồng người C’Tu tại tỉnh Quảng Nam đang được thế hệ trẻ tiếp nối và gìn giữ. Ngọn lửa âm nhạc truyền thống được truyền vào các em và bùng cháy bởi sự đam mê vốn có của những người con nơi núi rừng.

m thanh cồng chiêng đầy mê hoặc của cộng đồng người C’Tu tại tỉnh Quảng Nam đang được thế hệ trẻ tiếp nối và gìn giữ. Ngọn lửa âm nhạc truyền thống được truyền vào các em và bùng cháy bởi sự đam mê vốn có của những người con nơi núi rừng.

Tiếp lửa

Tiếng cồng chiêng linh thiêng của đồng bào C’Tu tại các huyện vùng cao Quảng Nam bao đời nay vẫn được các thế hệ trân quý gìn giữ bởi đó không chỉ là nét văn hóa biểu trưng mà còn có ý nghĩa tâm linh hết sức to lớn. Trước thực trạng nhiều thanh niên đang dần rời xa những thanh âm truyền thống trước cuộc sống hiện đại, những già làng, cán bộ địa phương giàu tâm huyết tại hai huyện Tây Giang và Nam Giang đã bỏ công lập nên đội cồng chiêng nhí. Để từ đó, ngày ngày, họ kiên trì tiếp lửa cồng chiêng cho các em với mong muốn duy trì và phát huy bản sắc văn hóa người C’Tu.

 Đội cồng chiêng trẻ em C’Tu
Đội cồng chiêng trẻ em C’Tu tại xã Zuôih (H.Nam Giang) trong một buổi biểu diễn - Ảnh: Hoàng Sơn

Theo ông Alăng Sơn (Trung tâm Văn hóa thông tin H.Tây Giang) - người đề xuất thành lập đội cồng chiêng nhí của huyện, với sự ra đời của đội công chiêng, người lớn muốn vun đắp cho các em sự hiểu biết và lòng tự hào về âm nhạc dân tộc ngay từ gốc rễ. Ông Sơn nhận định, sự phát triển của xã hội cùng sự hòa nhập văn hóa đã khiến không ít thanh niên dần quên đi cách chơi cồng chiêng. Cùng với đó, ngày nay, các lễ hội của dân tộc đang ít dần nên nhiều học sinh ít có cơ hội tìm hiểu chứ chưa nói đến chuyện đam mê. Do vậy, việc tập hợp các em vào đội cồng chiêng để vừa rèn luyện, phát huy năng khiếu vừa tạo một sân chơi lành mạnh là việc cần thiết.

Dạy cồng chiêng cho lứa tuổi 7 - 14 là việc không dễ bởi nhiều chiếc cồng có khi còn lớn hơn người chơi, có em mang chiếc cồng trên người đi loạng choạng vì nặng. Đó là chưa kể, ngoài giờ học, những đứa trẻ tóc cháy sém còn phải lên rẫy để phụ giúp cha mẹ khiến việc duy trì và tập luyện cho các em gặp nhiều trở lực. Thế nhưng, vì nhiệt huyết với âm nhạc dân tộc, anh Zơrâm Mớu, cán bộ xã Zuôih (H.Nam Giang) đã tìm đến từng nhà để vận động các em. “Vì địa hình trắc trở nên từ nhà các em đến nơi tập luyện có khi đi mất 2 - 3 giờ đồng hồ. Để các già làng có thể lên lớp đúng giờ, chúng tôi đã mất nhiều thời gian để giúp các em hiểu ra ý nghĩa của việc học cồng chiêng. Một khi đã đam mê thì dù ở xa mấy các em cũng tự tìm đến để học”, anh Mớu tâm sự.

Ươm mầm văn hóa cồng chiêng

Hỏi: “Học cồng chiêng khó nhất là gì?”, em A Viết Thị Hát (8 tuổi, thành viên đội cồng chiêng xã Zuôih trả lời sau một hồi suy nghĩ: “Khó nhất là vừa đánh cồng chiêng vừa nhảy theo điệu nhạc. Khó vì bắt nhịp dễ sai, mà sai nhịp thì lạc lõng với các bạn liền”. Còn đối với những em nhỏ trong đội múa thì khó nhất là việc giữ được thần thái trong từng bài: từ khuôn mặt cho đến cử chỉ. Với em gái thì vừa múa dẻo vừa vui tươi, đối với em trai thì vừa oai hùng vừa rắn rỏi như hành động của một chàng trai trên đường đi săn. Những cái khó đó, những già làng và cán bộ văn hóa địa phương đều thấu hiểu, thế nên họ tận tình chỉ bảo các em trong từng động tác.

Sau nhiều thời gian khổ luyện, hiện đội cồng chiêng xã Zuôih với 14 thành viên đã nhuần nhuyễn với từng điệu chiêng, điệu cồng. Khi âm thanh vang lên, đội múa cũng hòa nhịp với bước nhảy za zá, tâng tung truyền thống rất có hồn. Anh Nguyễn Đăng Chương, Bí thư Huyện đoàn Nam Giang cho biết: “Từ việc thành lập đội cồng chiêng học sinh tại xã Zuôih, đến nay chúng tôi đã nhân rộng phong trào văn nghệ này ra khắp các xã trong huyện. Mỗi dịp liên hoan, các em lại đóng góp nhiều tiết mục đặc sắc, thuần thục chẳng khác gì những đội cồng chiêng của người lớn. Đây là cách chúng tôi bảo tồn văn hóa cồng chiêng đang dần mai một”.

Trong khi tại H.Nam Giang hoạt động này được tổ chức về các xã, thì tại H.Tây Giang, ngành chức năng lại đưa vào trường học. Cụ thể, đội cồng chiêng huyện này được thành lập với 34 học sinh hiện đang theo học lớp 6 - 8 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện. Em Pơloong Thị Nem nói: “Vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, chúng em lại được các già làng chơi cồng chiêng giỏi trực tiếp dạy. Nhiều tháng rèn luyện, giờ em đã chơi khá rành các điệu mừng lúa mới, mừng chiến thắng…”.

Ông Bríu Lực, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin H.Tây Giang chia sẻ: “Với người C’Tu chúng tôi, mỗi dịp ma chay, cúng thần linh, lễ hội… tiếng cồng chiêng là thứ nhạc không thể thiếu. Vì cồng chiêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống là thế nên ý thức về việc giữ gìn, lưu truyền và phát huy văn hóa cồng chiêng luôn được người C’Tu đề cao. Các già làng còn khỏe họ còn nhớ cách chơi nhưng khi họ về với Yang (trời) là hết. Cho nên, những đội cồng chiêng nhí ra đời là để tiếp nối, gánh vác văn hóa cồng chiêng cha ông để lại”.

Hoàng Sơn

>> Cồng chiêng cuốn hút khách du xuân
>> Đưa cồng chiêng vào trường học
>> 49 tỉ đồng cho bảo tồn cồng chiêng
>> Màn trình tấu cồng chiêng lớn nhất Việt Nam
>> Đội cồng chiêng nhí
>> Cồng chiêng Tây Nguyên đang bị “Tây hóa”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.