Đợi chờ trong bão giá

10/03/2022 04:17 GMT+7

Trong khi giá xăng dầu, hàng hóa tiêu dùng, vận tải, lương thực, nguyên vật liệu... tăng như vũ bão thì nhiều chính sách thiết thực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vẫn đang ở giai đoạn... lấy ý kiến.

Ngày mai (11.3), xăng dầu trong nước sẽ đến kỳ điều chỉnh mới. Với việc giá dầu thế giới tăng mạnh trong suốt 10 ngày qua thì chắc chắn, xăng dầu trong nước dự báo sẽ tiếp tục tăng. Tăng nhiều hay ít tùy vào điều hành của liên bộ Công thương - Tài chính nhưng dù với mức nào thì mặt hàng này cũng lập thêm một đỉnh cao mới bởi mức giá cũ cũng là một đỉnh tính đến thời điểm đó.

Đáng nói là trong khi xăng dầu tăng giá như vũ bão, thì đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính vẫn đang lấy ý kiến, chưa biết đến bao giờ mới xong. Tương tự với chính sách thuế thu nhập cá nhân. Đến cuối tháng 2 vừa rồi, Bộ Tài chính mới gửi công văn xin ý kiến bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp... về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong khi hàng hóa thiết yếu và mặt bằng giá cả tiêu dùng nói chung đã tăng hết lần này tới lần khác.

Trên thị trường tiền tệ, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như ngồi trên “đống lửa” chờ Ngân hàng Nhà nước xây dựng và lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của các đối tượng này. Vẫn biết mức lãi suất hỗ trợ 2%/năm sẽ áp dụng đối với khoản vay được giải ngân trong khoảng thời gian từ 11.1.2022 - 31.12.2023. Nhưng phải nộp hồ sơ, được duyệt thì mới chắc, mới dám lên kế hoạch vay vốn đầu tư kinh doanh chứ mấy ai dám liều “đếm cua trong lỗ” vay trước rồi chờ hỗ trợ sau?

Không chỉ sốt ruột chờ lấy ý kiến, rất nhiều cơ chế chính sách của chúng ta chậm từ khâu đề xuất. Đơn cử như thuế TNCN, ngưỡng thuế lạc hậu so với đời sống, thu nhập, mặt bằng giá cả đã được nói suốt 2 năm qua nhưng tới giờ Bộ Tài chính mới lấy ý kiến.

Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng cũng được kiến nghị khá sớm, nhưng khoảng 1 tuần trước, Bộ Tài chính mới chính thức lên tiếng, sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Cũng vì chậm đều ở các khâu nên không ít quy định vừa có hiệu lực đã lạc hậu. Lần điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân gần nhất đầu năm 2020 là minh chứng điển hình. Ngưỡng thuế suất 11 triệu đồng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc mà Bộ Tài chính đề xuất đã được các chuyên gia đánh giá “chưa áp dụng đã lỗi thời”. Thế nhưng, ngưỡng thuế này sau đó vẫn được áp dụng và kéo dài cho đến tận bây giờ, gây rất nhiều thiệt thòi, bất công cho người nộp thuế, đặc biệt là người làm công ăn lương.

Hàng loạt tàu cá đã nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao; chi phí đầu vào ăn mòn lợi nhuận của nông dân khiến không ít người treo chuồng bỏ rẫy; mâm cơm của hàng triệu gia đình bị cắt giảm khi thu nhập không đủ chi dùng mà thuế vẫn trừ không thiếu một đồng. Với đặc thù phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu đầu vào, việc giá xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, máy móc, cước tàu biển trên thế giới... tăng cao nhất trong lịch sử, các chính sách hỗ trợ không còn là “hỗ trợ” mà mang tính “cấp cứu”.

Đợi chờ trong cơn bão giá là sự chờ đợi khủng khiếp nhất vì nguy cơ bị nó quét bay mất là rất có thể nếu chính sách hỗ trợ vẫn đủng đỉnh “đúng quy trình”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.