Đôi chân đi mọi nẻo đường

14/08/2023 09:00 GMT+7

Đôi chân anh bị liệt sau một trận sốt cấp tính hồi nhỏ. Nhưng giờ đây, trong cuộc đời này, đôi chân của anh vẫn đến khắp mọi nẻo đường, để làm những việc có ích, lan tỏa những điều tốt đẹp...

Hành trình lặng lẽ

"Nga ở nhà chiều nay anh xuống lấy xe đạp nhé!". Tôi đồng ý và thả tim trong tin nhắn Zalo. Buổi chiều nhàn nhạt nắng, anh ấy đèo con gái trên chiếc xe tay ga hiệu Lead được chế thêm hai chiếc bánh đằng sau để không bị đổ. Hai bố con chằng chiếc xe đạp cũ bằng sợi dây thun vào chiếc thanh sắt ở đằng sau. 

Đôi chân đi mọi nẻo đường - Ảnh 1.

Chằng chiếc xe đạp cũ chở về làm mới - công việc quen thuộc của hai bố con anh Tuyên

TGCC

"Anh còn 6 chiếc ở trong xóm này nữa, hai bố con cứ gom và túc tắc dần dần. Xe cũ hỏng đều được nhé! Em thấy ai có xe cũ hỏng thì giới thiệu anh tới lấy!". Nói rồi, bố con anh ấy lại bon bon đi qua tia nắng buổi chiều xiên chéo những đường sáng để nghiêng mình cho một ngày sắp kết thúc.

Từ trong gian khó vươn lên

Anh ấy tên là Nguyễn Duy Tưởng, quê ở Nghiêm Xá (xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh), một người bạn học cùng với tôi từ nhỏ. Anh hơn tuổi cả lớp chúng tôi, và chúng tôi bằng tuổi em trai anh ấy. Ngày nào bạn Tin - em trai anh cũng cõng anh đến trường. Thỉnh thoảng, chúng tôi xúm xít với nhau hỏi chuyện về đôi chân của anh. Anh kể rằng, đôi chân anh bị liệt sau một trận sốt cấp tính hồi nhỏ. Nhưng giờ đây, trong cuộc đời này, đôi chân của anh vẫn đến khắp mọi nẻo đường, để làm những việc có ích, lan tỏa những điều tốt đẹp xung quanh chúng ta.

Đôi chân đi mọi nẻo đường - Ảnh 2.

Vợ chồng anh Tuyên

Ngày xưa khi đi học, 12 năm liền anh đều là học sinh giỏi, được các thầy cô giáo quý mến. Còn chúng tôi thường lân la đến hỏi anh bài vở khi không hiểu, vì với chúng tôi anh biết tuốt mọi chuyện gần xa. Sau khi kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 năm 2005, anh đỗ thủ khoa Đại học Thái Nguyên (khoa Công nghệ thông tin), với số điểm 27. Trước tấm gương luôn nỗ lực phấn đấu và nụ cười tươi dù cho hoàn cảnh khó khăn của anh, một cô sinh viên đã "cảm nắng" anh từ ngày đó, rồi dần dần thành yêu tha thiết. Sau khi học xong đại học, họ kết hôn, cô gái ấy theo anh về quê và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Cơ duyên đưa anh đến với việc làm thiện nguyện

Bẵng đi một thời gian chúng tôi không gặp nhau vì mải bận công việc. Tôi gặp lại anh khi một lần vào cửa hàng sửa chữa máy tính mà anh gây dựng. Lúc ấy tôi mới biết anh đang miệt mài làm những việc thiện nguyện mà tôi hằng khâm phục. Anh kể với tôi về việc anh tham gia một lớp học "Chuyển hóa nội tâm". Tức là bản thân mình phải có một nội tâm tốt từ trong gốc rễ, mọi chuyện trong cuộc đời cũng chuyển hóa tốt đẹp từ đó mà ra. Những bài học hay mà phí học họ không đòi hỏi, mình chuyển hóa được từng nào, mình tự đóng góp vậy thôi. Và cũng từ cơ duyên lớp học "Chuyển hóa nội tâm" đó, anh luôn làm thiện nguyện như một điều tất yếu để hoàn thiện bản thân.

Đôi chân đi mọi nẻo đường - Ảnh 3.

Món quà anh cùng các hội viên huy động và trao tặng cho họ tuy nhỏ nhưng ấm áp nghĩa tình

Chuyến gom xe đạp cũ hỏng lần này anh làm cho dự án Hồi sinh xe đạp – Rebike for Kids. Dự án này đã không còn xa lạ với các em học sinh trên mọi miền đất nước. Với những nơi còn nghèo khó ở vùng sâu, vùng xa, các em phải đi bộ quãng đường rất lâu mới có thể tới trường thì những chiếc xe đạp quả thực là món quà quý giá. Đi gom xe với một người bình thường còn khó, huống chi là một người khuyết tật như anh. Anh tranh thủ đón con gái từ trường về. Hai bố con rong ruổi khắp ngõ ngách theo danh sách địa chỉ anh ghi ra để đi thu gom xe đạp cũ. Để rồi, những chiếc xe được sửa mới và chở đến những tỉnh thành xa xôi. Tôi thấy niềm vui của anh ánh lên nơi đáy mắt…

Anh còn là thành viên tham gia Vietkids - Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội đã ngót nghét gần 20 năm (từ 2006). Đã thành truyền thống, mỗi độ tết đến xuân về cũng là lúc gia đình Vietkids về với các cụ già không nơi nương tựa ở Trung tâm bảo trợ xã hội 3 Hà Nội, nạn nhân chất độc màu da cam ở Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân nhiễm chất độc da cam/Dioxin, những em bé có hoàn cảnh đặc biệt như: các em khuyết tật ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, HIV, mồ côi và những bệnh nhi nặng có hoàn cảnh khó khăn phải ở lại Bệnh viện Nhi Trung ương trong những ngày tết để thăm hỏi, động viên, chia sẻ. Món quà anh cùng các hội viên huy động và trao tặng cho họ tuy nhỏ nhưng ấm áp nghĩa tình.

Tiếp bước con đường phía trước

Còn rất nhiều việc anh Tưởng vẫn âm thầm làm mà chẳng cần nói, như bông hoa nghiêng mình tỏa ngát hương thơm, anh luôn truyền năng lượng tích cực cho chúng tôi. 

Đôi chân đi mọi nẻo đường - Ảnh 4.

Tôi luôn mong cho anh mỗi bước đi như là một bước hoa để tô đẹp cho cuộc đời chẳng còn khô cằn sỏi đá

Hành trình của anh còn rất dài và xa, tôi luôn mong cho anh mỗi bước đi như là một bước hoa để tô đẹp cho cuộc đời chẳng còn khô cằn sỏi đá. Cũng như câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi".

Đôi chân đi mọi nẻo đường - Ảnh 5.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.