Đời cây chuyện làng: Linh thiêng gốc sưa 300 năm tuổi

02/08/2022 07:00 GMT+7

Dù thuộc sở hữu tư nhân nhưng gốc sưa đỏ luôn được người dân địa phương xem như là “linh hồn” của xóm. Hằng năm, cứ vào mỗi dịp lễ tết, người dân xóm Sưa lại tìm về dưới gốc cây để cầu nguyện, xem đó như là điểm “hành hương” tâm linh.

“Cây dù” che chở dân làng

Đến thôn Thuận An (xã Tam Anh Bắc, H.Núi Thành, Quảng Nam), hỏi xóm Sưa ở đâu, ai cũng có thể chỉ vanh vách. Bởi đơn giản, xóm Sưa có cây sưa đỏ khổng lồ, cao hàng chục mét, chu vi gốc phải đến chục người ôm. Ông Nguyễn Văn Ba (67 tuổi), chủ cây sưa, kể rằng tuy chưa có tài liệu nào nghiên cứu nhưng căn cứ theo gia phả cũng như lời kể từ ông nội, cây sưa có tuổi đời khoảng 300 năm. “Từ nhỏ, tôi đã thấy cây sưa sừng sững đứng đó rồi. Mấy mươi năm trôi qua, cây không lớn thêm nữa. Ông nội tôi cũng bảo thân cây ngừng phát triển cũng ngót 100 năm rồi”, ông Ba nói.

Đời cây chuyện làng – Kỳ 1: Kỳ bí “cụ” sưa đỏ khổng lồ 300 tuổi

Nhiều bậc cao niên trong xóm không ai nhớ rõ tên “xóm Sưa”, “cánh đồng Sưa” có từ lúc nào. Chỉ biết rằng gốc sưa là nơi gắn với bao kỷ niệm của họ suốt thời niên thiếu. Rồi đi qua chiến tranh, gốc cây may mắn không dính đạn bom càng trở nên linh thiêng hơn qua những câu chuyện tâm linh ly kỳ.

Cây sưa khoảng 300 năm tuổi làm nên tên “xóm Sưa”

HOÀNG SƠN

Nhiều người kể rằng từ xa xưa, xung quanh cây sưa có một vạt cây thâm u, không ai dám lại gần. “Mỗi lần có việc ngang gốc cây là tôi vắt chân lên cổ mà chạy. Vì cây sống lâu năm nên ai ai cũng tin ở đó có “thần cây” cư ngụ”, cụ bà Nguyễn Thị Phi (90 tuổi) nhớ lại.

Còn theo lời ông Nguyễn Văn Ba, đã có lần vì thấy thân cây có nhiều nhánh khô nên người làng trèo lên chặt về đun. “Không hiểu thế nào mà người đó luần quần trên cây đến cả nửa ngày. Ông nội tôi phải tới khấn vái, người đó mới từ từ trèo xuống được”, ông Ba kể.

Cụ bà Nguyễn Thị Phi cũng cho biết chính vì xung quanh thân cây rậm rạp nên thời chiến, nhiều tên địch đến lẩn trốn và bọn chúng đã phải bỏ mạng tại đây. “Từ đó, mọi người càng tin rằng nếu người lạ có ý đồ xấu đến gốc sưa sẽ không tránh khỏi tai ương. Cây sưa làm nên tên của cái xóm này và cũng bảo vệ cư dân xóm này”, cụ Phi nói.

Bà Nguyễn Thị Thủy (66 tuổi, vợ ông Ba) kể thêm từ khi còn nhỏ ở với gia đình tại xã Tam Tiến, mỗi lần nhìn sang bà thấy cây sưa không khác gì cây dù. Khi về làm dâu, nghe người dân kể nhiều câu chuyện linh thiêng, bà Thủy luôn tự hào rằng nhà mình có một “cây dù” có thể che chở cho dân xóm.

Giữ cây, giữ làng

Ông Nguyễn Văn Ba nhớ lại vì được nhiều người cao tuổi trong xóm khuyên “có thờ có thiêng” nên vào năm 1972, ông nội của ông đã lập một am thờ nhỏ ngay sát gốc cây, nhang khói, hướng lòng thành về “thần cây”. Sau này, trong xóm chưa có miếu để thờ tự chung nên đã tập trung xây dựng một ngôi miếu ngay tại gốc sưa, thờ Thánh phi, Dương cảnh. Suốt mấy chục năm qua, dù ai đi ngược về xuôi, dù ly hương bao năm khi có dịp trở về đều ghé lại viếng ngôi miếu. “Mỗi năm 2 dịp gồm ngày mùng 6 tháng giêng và ngày 26 tháng chạp, người trong xóm lại tìm đến dưới gốc sưa cúng tế cầu an. Tối 30 tết, thanh niên đều quây quần dưới gốc sưa hò hát, vui chơi. Mùng 1 tết, người người lại dâng hương ở miếu rồi sờ vào gốc sưa cầu nguyện những điều tốt lành”, bà Thủy tiếp lời.

Dù biết giá trị cây sưa đỏ rất cao nhưng ông Nguyễn Văn Ba luôn gìn giữ như báu vật của cả làng

Cứ mỗi độ từ tháng 2 đến tháng 4, cây sưa đỏ lại trổ bông rất đẹp. Nhiều người tìm đến tham quan, nhưng cũng không ít người đến... hỏi mua. Ông Ba kể nhiều người ra giá hàng tỉ đồng để mua. “Nhưng cây đó giờ không phải của gia đình tôi nữa, mà là của cả cái xóm này. Xóm này là “xóm Sưa” mà”, ông Ba quả quyết. Cuộc sống gia đình tuy khó khăn nhưng chưa bao giờ gia đình ông nghĩ tới việc phải bán cây sưa để cải thiện đời sống. Và dù ông biết gỗ sưa đỏ có giá trị rất cao, nhưng chưa khi nào ông dám cắt một nhánh đem bán. Có lần, vì lo cành mục rơi xuống gây tai nạn cho người khác, ông phải kéo xuống và cắt ra làm những đồ thờ cúng như tượng, bình hoa, khay trầu… Với ông, những gì thuộc về cây sưa đều thiêng liêng.

Cả xóm luôn luôn hướng về cây sưa như một địa chỉ tâm linh nên gia đình ông Ba tự thấy phải có trách nhiệm bảo vệ. Người trong xóm cũng “hy sinh” một phần đất trên đồng vì bóng cây quá lớn, che rợp hàng trăm mét vuông. “Từ hàng trăm năm qua, cả làng chúng tôi đều gìn giữ gốc cây. Ai cũng xem đó là cây thiêng. Điều quý nhất là cây thuộc tư nhân nhưng gia đình chú Ba chưa bao giờ nghĩ đến việc bán, vì sợ cả làng cả xóm này gặp điều không may. Tôi gần đất xa trời rồi, chỉ mong con cháu sau này tiếp tục gìn giữ để cây mãi xanh tươi, mang lại bình an cho cả làng”, cụ bà Nguyễn Thị Phi trải lòng.

Điều khiến ông Ba ấm lòng nhất là nhận được sự quan tâm không chỉ của người làng mà những người xa lạ ở tận Hà Nội, TP.HCM. Nhiều người tìm về tham quan và nghiên cứu xong, trước khi đi họ hỗ trợ gia đình ông ít tiền gọi là để chăm sóc cây. “Nếu xã hội có hướng hỗ trợ, bảo tồn cây di sản này, chúng tôi rất mừng. Nhiều đời sau nữa, chúng tôi sẽ luôn gìn giữ cây sưa đã gắn với tên làng, tên xóm…”, ông Ba chia sẻ. (còn tiếp)

Đời cây chuyện làng

Kỳ thú 'cây kiểng' khổng lồ bên quốc lộ 1

'Địa đạo' trong lòng cây thị 500 tuổi

Dưới gốc đa ngàn năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.