Đời cây chuyện làng: Kỳ thú 'cây kiểng' khổng lồ bên quốc lộ 1

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
01/08/2022 06:33 GMT+7

Dọc đường thiên lý nam - bắc qua khu vực Đá Bạc (H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), khách lữ hành có dịp chiêm ngưỡng cây đa khổng lồ mọc trên 6 hòn đá lớn.

Ngoài dáng cây rất đẹp được nhiều người tán dương là “cây kiểng” độc đáo, cây đa còn là chứng nhân lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến.

“Bonsai khủng” trên đá hoa cương

Nhiều tài liệu của tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, theo sử sách, làng Đá Bạc được thành lập khoảng thế kỷ 15 theo bước chân Nam tiến của vua Lê Thánh Tông. Ban đầu, làng có tên là Bạch Thạch, nghĩa là “đá bạc”, bởi phía ngoài đầm phá Cầu Hai có hòn đảo nhỏ vẫn còn nguyên 5 hòn đá trắng. Khoảng thế kỷ 17 - 18, để cắm mốc ranh giới, người dân Đá Bạc đã chọn cách trồng 3 cây lớn ở đầu làng, giữa làng và cuối làng. Nếu đi trên quốc lộ (QL) 1 từ nam ra bắc, qua tổ dân phố Mũi Né (TT.Phú Lộc, H.Phú Lộc), người dân sẽ dễ dàng bắt gặp cây đa cổ thụ nằm phía bên phải.

Cây di sản - cây đa Đá Bạc với thế đứng tuyệt đẹp trên 6 tảng đá hoa cương

Cụ Lê Lực (82 tuổi) kể, thuở còn nhỏ cụ thường được các bậc cao niên trong làng truyền tai về chuyện dù được trồng trên 6 khối đá hoa cương khô khốc, nhưng cây đa lớn rất nhanh, xuất phát từ một mầm xanh nhỏ. Dần dà, tán cây bao phủ cả một vùng đất rộng lớn. “Hồi đó, cứ mỗi lần chăn trâu, tôi cùng chúng bạn nằm dưới gốc đa ngắm trời. Phía trước kia là bến nước, con đò. Khung cảnh rất thơ mộng nên tôi không bao giờ quên được”, cụ Lực nhớ lại. Đúng như lời cụ Lực, mặc dù đã trải qua không biết bao biến thiên lịch sử, ngày nay không gian xung quanh cây đa cổ thụ vẫn vẹn nguyên hình ảnh đặc trưng của văn hóa làng quê Việt với đầy đủ hình ảnh “cây đa - bến nước - con đò”.

Đi trên QL1, nhìn từ xa, ai cũng trầm trồ khi thấy cây đa, không khác gì một tuyệt tác bonsai được những thợ cây cảnh lành nghề uốn nên. Phía dưới gốc đa là khối đá rêu phong phủ đầy. Từ khối đá này, những chùm rễ lớn với gân, u khỏe khoắn trườn thẳng xuống đất. Tán cây được hình thành bởi những cành lớn. Từ những cành cây này lại có thêm những rễ phụ như những cây cột lớn nâng cành. Năm 2016, khi công nhận cây đa Đá Bạc là Cây di sản, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cho hay cây đa có tuổi đời từ 200 - 300 năm. Thân cây to với chu vi khoảng 18 m, cao trên 20 m, tán lá rộng khoảng 35 m. Rễ chính và rễ phụ cây đa ôm vào 6 hòn đá kết thành khối có chu vi khoảng 27 m, chiều cao tảng đá chừng 3 m. Đây là cây đa đầu tiên ở tỉnh Thừa Thiên-Huế được công nhận Cây di sản.

Miếu bà Thủy nổi tiếng linh thiêng là điểm đến tâm linh của nhiều người

HOÀNG SƠN

Những câu chuyện tâm linh

Đây không phải là “danh hiệu” đầu tiên mà cây đá Đá Bạc “nhận được” trong suốt tiến trình sinh trưởng mà trước đó, năm 1991, bến cây đa Đá Bạc cùng với ngã ba Ràng Bò (thuộc xã Lộc Điền, H.Phú Lộc), điểm nối QL1 với đường 74 qua con đường 10C (một nhánh của đường Hồ Chí Minh huyền thoại) cũng đã được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Nhiều tài liệu cho biết, trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chính khu vực ngã ba Ràng Bò, bến đò và cây đa Đá Bạc đã “chứng kiến” nhiều cuộc đấu tranh hào hùng của lực lượng cách mạng. Do khu vực Đá Bạc nằm trên 2 tuyến đường giao thông huyết mạch (đường sắt, đường bộ) nên tại đây diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và địch.

Cụ Lê Lực kể thêm, đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, gốc đa Đá Bạc là điểm chiến lược mà quân địch luôn muốn chiếm lấy nên đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ. Bởi vậy, với cư dân địa phương, cây đa Đá Bạc luôn là điểm tâm linh thường xuyên nhang khói. “Bên cạnh gốc đa còn có miếu bà Thủy có tuổi đời trên 120 năm rất linh thiêng. Ban đầu, miếu được lập để cầu an cho những người mưu sinh trên sóng nước. Về sau, người dân địa phương không ai bảo ai xem đó là điểm thờ tự hết sức đặc biệt”, cụ Lực nói.

Bà Nguyễn Thị Thạo (65 tuổi, nhà sát gốc đa) cho biết không riêng gì người dân địa phương mà nhiều người phương xa biết đến sự linh thiêng của ngôi miếu đều tìm đến chiêm bái. Nhang khói trong miếu hiếm khi nào tắt. Là người thường xuyên nhang khói, dọn dẹp cho ngôi miếu, bà Thạo được nhiều cụ già đến thăm miếu kể lại sự tích con rít thần ngậm ngọc cư ngụ trên cây đa. Bản thân bà có nhà sát gốc đa nên thường xuyên chứng kiến những câu chuyện tâm linh rất khó lý giải.

“Trước khi có QL1 như hiện nay, tuyến đường rẽ uốn lượn qua gốc đa về phía đầm Cầu Hai rồi ra bắc. Khi QL1 mở rộng qua gốc đa, tôi chứng kiến cảnh xe ủi, xe xúc chết máy hàng loạt. Biết chuyện, tôi nói các anh tài xế vào thắp nhang trong miếu, sau đó xe lại nổ máy. Nhiều xe khách hỏng không rõ nguyên nhân cũng vào khấn vái rồi mới chạy tiếp được. Thế mới có chuyện, vào mỗi dịp tết, cánh tài xế đường dài, chủ các nhà xe khách lại kéo nhau đến gốc đa để dâng lễ rất lớn”, bà Thạo kể.

Dù chẳng ai giao cho mình việc coi sóc ngôi miếu hay quét lá đa, nhưng bà Thạo luôn dành tâm sức cho công việc này. Bởi bà lý giải, con đường đi ngang nhà bà trước đây phục vụ chiến tranh, không biết bao nhiêu người đã ngã xuống. Với tâm niệm nghĩa tử là nghĩa tận, bà nhang khói thường xuyên để những vong linh bớt cô quạnh. Và bà cũng thấy ấm lòng…

(còn tiếp)

Đời cây chuyện làng

'Địa đạo' trong lòng cây thị 500 tuổi

Dưới gốc đa ngàn năm


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.