Đổi 100 USD, bị phạt 90 triệu: Mua, bán ngoại tệ ở đâu để không bị phạt?

24/10/2018 13:13 GMT+7

Sau thông tin 1 người bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD ở nơi không được phép thu đổi ngoại tệ, nhiều bạn đọc thắc mắc: Vậy mua, bán ngoại tệ ở đâu để không bị phạt?

Công dân Việt Nam, người nước ngoài được mua, bán ngoại tệ ở đâu?
Theo Thông tư số 20/2011/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 29.08.2011 (có hiệu lực từ 15.10.2011), cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến mục đích: Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
Cá nhân là người nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối; cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng (TCTD) được phép và Đại lý đổi ngoại tệ của TCTD được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Hạn mức mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ quy định tại Thông tư này với mức 100 USD/người/ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày. Hạn mức ngoại tệ trên cũng được áp dụng đối với trẻ em chung hộ chiếu với cha mẹ.
Cũng theo Thông tư này, việc mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các điểm được phép bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật. Việc bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật và các Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.
Đối với các mục đích hợp pháp khác quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28.12.2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối, cá nhân có thể mua ngoại tệ tiền mặt tại TCTD được phép tùy theo khả năng cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt của TCTD.
Cá nhân là người nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại TCTD được phép phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối. Cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại TCTD được phép và Đại lý đổi ngoại tệ của TCTD được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của TCTD được phép phù hợp với quy định của pháp luật. Riêng bán ngoại tệ còn được thực hiện tại các Đại lý đổi ngoại tệ của TCTD được phép.
Về nguyên tắc, loại ngoại tệ cá nhân đuợc mua là đồng tiền của nước nơi công dân Việt Nam đến. Trường hợp không có đồng tiền của nước nơi công dân Việt Nam đến, TCTD được phép thực hiện bán ngoại tệ tự do chuyển đổi khác.
Hạn mức mua ngoại tệ của cá nhân là công dân Việt Nam cho các mục đích nêu trên là 100 USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 (mười) ngày. Hạn mức ngoại tệ trên cũng được áp dụng đối với trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ.
Mua, bán ngoại tệ cần tuân thủ quy định của pháp luật Ảnh minh họa: Ngọc Thạch
TCTD được phép có nghĩa vụ bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân là công dân Việt Nam theo hạn mức mua ngoại tệ được quy định tại Thông tư này trên cơ sở hồ sơ, chứng từ xuất trình. Ngoài ra, căn cứ khả năng tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt, TCTD được phép có thể bán vượt mức quy định hạn mức mua ngoại tệ nêu trên để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này.
TCTD được phép thực hiện nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ tiền mặt với cá nhân có trách nhiệm thông báo danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt (hoặc cập nhật danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt trong trường hợp có thay đổi) cho NHNN và trên trang tin điện tử của TCTD được phép.
NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra hoạt động mua, bán ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng với cá nhân; Trách nhiệm của TCTD được phép và cá nhân trong việc thực hiện mua, bán ngoại tệ tiền mặt.
Cá nhân có trách nhiệm xuất trình đầy đủ các chứng từ, giấy tờ cần thiết theo quy định của TCTD được phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình. Đồng thời, sử dụng ngoại tệ tiền mặt được mua đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Xử phạt lên đến 100 triệu đồng
Trong trường hợp, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu, đổi ngoại tệ thì tại khoản a, điểm 3, Điều 24, Nghị định 96/2014 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, có quy định: "Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ;.. ".
Ngoài ra, tại khoản b, điểm 5, Điều 24 của Nghị định này cũng nêu rõ: Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện giao dịch hối đoái không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với tổ chức không có giấy phép đổi ngoại tệ mà thực hiện hành vi đổi ngoại tệ thì bị xử phạt hành chính từ 500.000.000 đến 600.000.000 đồng theo khoản 7, điều 24 Nghị định 96/2014. 
Các cá nhân, tổ chức đổi ngoại tệ tại nơi không có phép còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam quy đổi theo điểm a, khoản 8, điều 24.
Điều kiện để mở đại lý đổi ngoại tệ
Nghị định 89/2016 quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế vừa được Chính phủ ban hành.
Cụ thể, về điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ; điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ bao gồm hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ và hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ.
Trong đó, tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ cũng được quy định chi tiết theo Nghị định 89/2016
(tổng hợp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.