Đọc sách: Kafka bên bờ biển (*) - Một ám ảnh văn chương

01/12/2007 23:10 GMT+7

Kafka bên bờ biển là cuốn tiểu thuyết thứ 5, bên cạnh 6 tập truyện ngắn khác của nhà văn Nhật Bản đương đại Haruki Murakami đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, chỉ trong vòng hơn 1 năm! Nhưng đây có lẽ là cuốn tiểu thuyết ẩn chứa nhiều tham vọng nhất, và cũng thành công nhất của H.Murakami cho đến lúc này.

Nhiều bạn đọc VN từng say mê H.Murakami, đã hồi hộp theo dõi thông tin về Kafka bên bờ biển bản Việt ngữ, kể từ khi nó được mua bản quyền và đặt lên bàn của dịch giả nổi tiếng Dương Tường. Và hôm nay Kafka bên bờ biển đã hiển hiện, bõ công chờ đợi của những người hâm mộ, cả ở hình thức lẫn nội dung!

Trên thế giới có không nhiều những tác giả đương đại, được mệnh danh là “viết nát bản đồ mỹ học”, H.Murakami hẳn nằm trong số ít này. Kafka bên bờ biển là một “mê cung”, một hợp lưu của trùng trùng những dòng nẻo triết học, nghệ thuật, lịch sử, khoa học... Dường như mỗi độc giả có kiến thức đến đâu, đọc Kafka bên bờ biển, sẽ có thêm những chìa khóa để mở cửa vào từng ngách nhỏ của văn bản đến đấy!

Có lẽ, cái sườn chung lớn nhất của tác phẩm choáng ngợp này là “mặc cảm Oedipe” (có người dùng phức cảm, nhưng xin vẫn chọn cách dùng xưa nay), một khái niệm phân tâm học của Sigmund Freud, thông qua cậu bé Kafka Tamura, mười lăm tuổi bỏ nhà ra đi. Và những diễn biến tiếp theo. Lớp phía dưới của cái “sườn” bao phủ ấy, là tầng tầng những siêu thực, hiện thực huyền ảo, văn học dân gian Nhật Bản, thần thoại Tây phương, âm nhạc cổ điển và hiện đại... Thậm chí có thể liên tưởng đến nhiều khái niệm mới của vật lý học hiện đại! Qua hai tuyến nhân vật đan nhau, cuối cùng hội tụ về một điểm, là vô vàn những chi tiết, những hình ảnh không thể giải mã ngay lập tức, nhưng cực kỳ thú vị! Đọc Kafka bên bờ biển như tham gia giải một trò ô chữ bí hiểm đầy hấp dẫn về mỹ học và tâm linh.

Bằng những tác phẩm, với lối viết tưởng chừng như đầy thách đố, thế nhưng lý do nào đã khiến bạn đọc khắp thế giới “mê mệt” H.Murakami, từ những cô cậu tuổi teen ở Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam... cho đến văn hào Mỹ lừng danh John Updike, cũng đưa ra lời nhận xét đăng trên The New Yorker: “Một cuốn sách để-ngấu-nghiến thật sự, cũng là một ám ảnh siêu hình dai dẳng”? Có lẽ bởi H.Murakami đã biết xay nhuyễn tất cả những thứ “khó nhằn” nhất để hòa trộn vào một văn bản, với cách hành văn, những chi tiết, những thắt-mở vô cùng hấp dẫn, hài hước mà lại mênh mông buồn. Ông không bộc lộ một chút nào cái vụng về của một nhà văn, nhai sống và phun ra lục cục lòn hòn những kiến thức thiếu hệ thống.

Mỗi người đọc H.Murakami sẽ có một lối đi vào văn bản, tìm thấy một nẻo ra, và mang theo những ấn tượng say mê của riêng mình. Đọc xong Kafka bên bờ biển, hay trước đó là Biên niên ký chim vặn dây cót, không ít người có cảm giác, phải rất lâu sau mới có thể đọc tiếp một cuốn sách văn học khác. Bởi dư âm, những ám ảnh, những câu hỏi cùng thắc mắc và cả giọng văn của H.Murakami còn đeo bám suốt nhiều ngày. Và đến khi cái ám ảnh ấy tạm nguôi đi, nhìn thấy tác phẩm đặt trên kệ sách, người ta lại cầm nó lên, chìm đắm vào đó thêm nhiều lần nữa!

Nguyễn Danh Lam

(*) Kafka bên bờ biển - Tác giả: Haruki Murakami. Dịch giả: Dương Tường. Nhà xuất bản Văn học và Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam, quý IV/2007.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.