Đọc sách Cấm cố trong nỗi sợ (*)

11/08/2006 22:44 GMT+7

Tiểu thuyết bắt đầu từ một thế giới thật và chấm dứt trong một thế giới siêu thực. Bắt đầu bằng cuộc trốn chạy không duyên cớ và chấm dứt bằng sự tan biến vào hư vô. Bắt đầu với một nhân vật dạt trôi chẳng có tiểu sử và chấm dứt cũng với một nhân vật dạt trôi chẳng có tiểu sử. Tất cả như một đánh đố, một chuỗi phi lý triền miên, chồng chéo, vừa bổ sung lại vừa mâu thuẫn, vừa là nhân mà cũng là quả của nhau.

Nhân vật chính mang một cái tên chẳng có trong đời thực: Thữc. Anh ta lang thang trong đêm khuya, khi "Cả thế giới đã ngủ yên. Dạt lại quanh đây vài mẩu bã. Mấy kẻ thức lơ mơ ngủ. Mấy kẻ ngủ lơ mơ thức". Và trí óc của anh ta ở trạng thái "Giá có một cái vỏ lon. Cứ đá rồi bước theo nó cũng hay. Thế nếu nó rớt xuống cống? Thì thu nhỏ người. Chui xuống theo nó luôn. Biết đâu dưới ấy chả có một thế giới".

Và Thữc quả đã có một thế giới "biết đâu" ấy. Trong thế giới này, anh đã bị nỗi sợ đe dọa, giày xéo, xua đuổi, tước bỏ sự tồn tại, biến anh thành một tù nhân bị cấm cố trong chính nỗi sợ của mình. Thữc vừa chạy trốn lại cũng vừa khắc khoải tìm kiếm con người. Nhưng quanh anh chỉ có một không gian trơ lạnh, với những lời cảnh báo mập mờ... "Đường ra? Há. Anh phải tự tìm. Đường của anh, chứ có phải đường của ta đâu mà ta chỉ cho anh!". Càng muốn tìm đường ra, Thữc càng dấn sâu hơn vào mê lộ, mê cung. Ngôi làng mà anh tìm thấy sau bao nhiêu bầm dập, chết đi sống lại "là một ngôi làng kín. Ba phía nước, một phía rừng", không hề thấy bóng dáng những con người đúng nghĩa. Cô gái duy nhất chào đón anh cũng chính là người cột anh vào nỗi sợ vô bờ bến, biến sự tồn tại của anh trở thành vấn nạn không thể giải quyết. Những trò chuyện bình thường cũng ẩn chứa đằng sau bao đe dọa: "Khoảng bao lâu thì tới hả cô? Tùy sức anh. Mà nếu có người đuổi sau lưng chắc bao giờ cũng đi nhanh hơn...".

Sinh vật duy nhất mà Thữc tìm thấy sự chia sẻ lại là một con chó hoang, cũng kiệt quệ trong đói khát và cô đơn. Cho dù nó bộc lộ sự đồng cảm hoàn toàn theo cách của con vật, Thữc vẫn cảm thấy đuợc an ủi, và trong một số trường hợp, nó còn trở thành hình mẫu mơ ước của anh: "Thữc có cảm giác một vòng dây đang siết dần quanh cổ. Giá như anh có thể biến thành một con kiến, một bó củi, hay thành chính con chó ngoài kia!".

Trốn chạy ngôi làng thì gặp dòng sông, trốn chạy dòng sông thì gặp ngôi làng. Nếu không phải ông già có hành tung kỳ bí thì lại là cô gái đang oằn lưng với nỗi đày ải quái gở. Cuộc sống đã trở thành không thể kham nổi. "Lần về đến đoạn suối trước rẫy, anh ôm con chó ngồi thụp xuống, khóc nức nở. Không phải khóc nữa, mà Thữc đang tru lên... Thời gian tĩnh tại lướt qua cánh rừng. Thữc thấy hầu như mình chết. Linh hồn ảm đạm cúi xuống anh. Con chó rít từng hơi chạy vòng quanh xác chủ... Ngay chính anh cũng cảm nhận rất rõ. Anh đang phân hủy tươi. Phân hủy khi linh hồn còn bám vào thể xác".

Đúng là một kẻ đã bị đánh bả từ chính sự tồn tại của mình. Nhưng bị dồn đến chân tường thì người ta sẽ liều mạng. "Thữc đã lên cơn điên. Anh ngậm bắp vào mồm, phun phì phì ra bốn phía. Chỉ tay vào mỗi bụi cây. Chỉ tay vào từng tảng đá. Chỉ tay lên vũ trụ đen ngòm thờ ơ. Thữc chửi. Chửi cả hư không. Thữc thách đố". Thế nhưng "Đêm vẫn mênh mông, dằng dặc, không một phản hồi..., bóng tối vẫn thờ ơ... Tuồng như với chúng, Thữc chỉ là một thứ đồ chơi". "Mặt Thữc ướt nhòe. Không phải do nước mắt, cũng chẳng phải mồ hôi. Dường như linh hồn anh ẩm ướt toát ra ngoài". Bởi vì, cuối cùng, anh đã cảm nhận đúng những gì cô gái nói: "Anh không được phép là anh, nhưng bắt buộc phải là anh. Anh không được phép sống, nhưng cũng không được phép chết!". Một sự thực anh không muốn thừa nhận vẫn cứ hiện ra: "Anh, con chó và cô gái vẫn đang sống chung đấy thôi. Nhưng họ vẫn hoàn toàn đơn độc. Vô vọng sẻ chia. Như ba tội đồ đứng nhìn nhau từ ba cột bắn". Tiểu thuyết chấm dứt khi Thữc chấm dứt sự có mặt của mình trong đêm tối của ngôi làng, nhưng lại bắt đầu một phi lý khác, bởi cô gái lại buộc phải trả lời về sự hiện hữu của anh, lúc anh không còn tồn tại nữa.

Từ ý tưởng, cấu trúc, nhân vật, tác phẩm này là một trong những tiểu thuyết mang tính triết học hãy còn quá lác đác của chúng ta. Ngôi làng, dòng sông, người chèo thuyền, cô gái..., tất cả như những biểu tượng mà Nguyễn Danh Lam đã mượn để nói  về một thế giới - phản thế giới, một cõi người - phản con người. Nhưng cho dù thế thì "cuộc sống chẳng bao giờ khép hẳn. Luôn có một cái cớ nào đó, tên nó là hy vọng, ở phía tít mù kia".

(*) Đọc Giữa vòng vây trần gian, tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam, NXB Hội Nhà văn và Tủ sách Văn Mới - Công ty văn hóa Đông A ấn hành

N.T.K.C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.