Mùa nước nổi diễn ra từ khoảng tháng 8 đến tháng 11. Thời gian này, sản vật sông nước Mê Kông đổ về các con sông, kênh rạch, cánh đồng dồi dào, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con vùng đầu nguồn Đồng Tháp lúc nông nhàn. Tuy nhiên, riêng loài cá linh thì không phải nơi nào cũng có, vì nó hầu như chỉ được “ưu ái” xuất hiện nhiều ở thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu, cho nên Đồng Tháp được xem là một trong hai tỉnh thành có mùa nước nổi đặc sắc nhất nhì ở miền Tây (ngoài ra còn có An Giang).

Những ngày này, ai đã thử “lạc vào” những cách đồng rộng hàng ngàn ha ở xã Thường Lạc (H.Hồng Ngự) chỉ mênh mông biển nước. Trên đồng nước, cảnh giăng lưới, đặt dớn, đặt lợp cua nhộn nhịp khắp nơi. Trên bờ đê giữa đồng cặp bờ kênh Cầu Đại diễn ra một phiên chợ “đặc biệt” chỉ có trong mùa nước nổi do vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến (44 tuổi, ngụ địa phương làm chủ). Đang là mùa lũ, cá vào mùa chạy đồng, ngư dân bắt được rất nhiều, nên không khí mua bán tại chợ rất rộn rã. Từ 3-4 giờ sáng đã có hàng chục ghe, xuồng ngược xuôi ra vào tấp nập, chở theo nhiều chiến lợi phẩm là: cá chạch, cá rô, cá lóc, cua đồng, lươn, tép, cá mè vinh, ốc, đặc biệt là những khoan ghe luôn đầy ắp cá linh vào khu vờ đê để họp chợ, mua bán sản vật sông nước. Tuy ai cũng bán cá nhưng phiên chợ không bao giờ xảy ra tình trạng cự cãi, tranh giành mất lòng nhau.

Mặc dù chợ nước nổi không có cái tên cụ thể, nhưng bà con hay gọi tạm là chợ cá linh, vì đó là mặt hàng được buôn bán chủ lực ở đây. Đến khoảng 8 giờ sáng chợ bắt đầu tan, các chủ ghe lại túa ra đồng tiếp tục giăng lưới hoặc trở về nhà sau một đêm mưu sinh trên đồng.

Nở nụ cười tươi rói vì được ngày “trúng mánh” luồng cá linh, lão nông Nguyễn Hùng Anh (62 tuổi) cho biết, hễ cứ mùa nước nổi là cánh đồng ở H.Hồng Ngự ngập đồng ruộng từ 1,5 m - 2m, cứ thế nhà nào nhà nấy cũng soạn lưới, lợp cua, dớn đi bắt “lộc trời”, đây là mùa thu nhập chính của nhiều hộ dân.

“Năm nào anh em đầu nguồn cũng ngóng mùa nước nổi, hễ nước lên trễ là thấy buồn. Đặc sản của vùng này là cá linh, có mẻ lớn có cả chục ký cá linh. Một ngày bèo bèo, cũng kiếm được ba bốn trăm nghìn. Đánh bắt hết mùa nước, nhà nào thất cá lắm cũng kiếm được khoảng 20 triệu, có nhà kiếm 70-80 triệu”, ông Nguyễn Hùng Anh nói.

“Săn cá” mùa nước nổi cũng khá vất vả, nhọc công, muốn có cá nhiều hay ít thì quan trọng là kinh nghiệm mỗi người. Nếu đặt dớn cá thì thường mỗi chuyến thu hoạch phải có hai người tham gia. Một người trầm mình dưới nước đổ cá, người còn lại phụ trách phân loại, rọng cá (bảo quản cá) còn sống thì giá bán mới cao. Đối với hộ giăng lưới chỉ đi một mình cũng được.

Ông Nguyễn Văn Non (51 tuổi) cho biết: “Cá linh non đầu mùa còn ‘khờ” nên dễ đánh bắt. Giá bán tại ruộng có khi 50.000-60.000 đồng một ký. Cuối mùa lũ thì cá lớn “khôn”, thì cần phải có chút bí quyết canh ngọn gió, nhìn hướng nước chảy để đặt dớn cho cá vô lưới nhiều. Giờ đã cuối mùa nên mỗi ký cá linh chỉ 12.000 đồng, nhưng cá bắt được nhiều hơn cá non đầu mùa”.

Anh Lê Văn Sen (42 tuổi) có 30 cái dớn cá linh nói: “Nhờ có mùa nước nổi mà vợ chồng tôi có điều kiện nuôi con cái học hành, cất nhà, mua xe Honda. Năm nay cá tuy không nhiều như trước nhưng với cá linh thì đặt đâu là dính đó. Vùng này cá linh nhiều vô kể”.


Theo anh Nguyễn Văn Tiến (44 tuổi) “chủ chợ” cá đồng ven kênh Cầu Đại, hằng năm anh đều dựng chòi thu mua cá tại “phiên chợ” cá giữa đồng nước nổi. Mỗi ngày, anh mua vài trăm ký đến cả tấn cá cá loại của người dân để thương lái các chợ đến tận nơi thu mua. Gắn bó cùng anh hết năm này đến năm khác ở khu chợ đặc biệt này là xóm ghe có đủ đồ đạt của người dân địa phương mang theo sinh hoạt để tiện đánh bắt cá mùa nước, tạo nên khung cảnh khá đặc trưng của miền Tây sông nước.

Đối với cá linh anh Tiến cho biết, so với cỡ gần chục năm trước thì không đáng kể, nhưng do nơi đây là khu vực đầu nguồn nên cá cũng tương đối. Mỗi ngày gia đình anh thu mua từ vài chục đến vài trăm ký cá linh để bán lại. “Cá linh mau chết nên muốn bán đi xa phải làm sạch rồi ướp nước đá. Còn cá nhỏ thì tôi bán lại cho những người ủ nước mắm cá linh.  Đến nhà dân miệt Hồng Ngự này, nhà nào cũng ủ vài hủ nước mắm cá linh để dành ăn quanh năm”, anh Tiến nói.

Cá linh tính hiền, có thể làm được nhiều món ăn khác nhau tạo nên nét ẩm thực phong phú có thể chiên, kho, nấu canh chua, nấu lẩu mắm. Nếu là người sành cá linh thì chọn cá linh non đầu mùa cỡ lớn hơn đầu chiếc đũa ăn tí. Khi đó, cá linh chưa trưởng thành nên xương cá chưa cứng có thể ăn luôn xương. Cá mang đi nấu lẩu, kho lạt, lăn bột chiên đều ngon.

Nếu chọn cách lăn bột, chiên xong ăn kèm với nước mắm chua ngọt, ăn kèm với rau thơm, dưa leo, rau diếp cá là hết chỗ chê. Còn đã là cá linh nấu món lẩu mắm kho thì cho thêm vài lát thịt ba chỉ, vài miếng cà tím, khi nước lẩu sôi bỏ cá linh chừng 7-10 phút, kèm theo các thứ “hương đồng cỏ nội” đầy màu sắc như: rau mát, cù nèo, cà tím, bông điên điển, bông súng,… Mùi thơm bát ngát với hương vị rất đậm đà của lẩu lắm, điểm tô với các màu sắc tím, xanh, vàng đẹp mắt của các loại rau bảo đảm ai ăn rồi cũng nhớ hoài món lẩu mắm cá linh miền Tây. Do Đồng Tháp vào mùa nước nổi cá nhiều vô số kể, kèm theo hương vị khó phai của món lẩu cá linh nên nhiều người truyền nhau câu “Muốn ăn bông súng mắm kho/Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm” là thế.

Riêng ai chưa quen với lẩu mắm có thể chọn món canh chua cá linh với bông súng đồng và bông điên điển hoặc món cá linh kho lạt giản dị. Với món cá linh kho lạt, không cần cầu kỳ chỉ cần vắt một ít nước cốt chanh vào đĩa cá, dùng bông súng đồng chấm ăn là bao ngon.

Giai đoạn cá linh cuối mùa nước nổi, cá trưởng thành to bằng hai ngón tay, xương cá hơi cứng có thể chiên hoặc sau khi làm sạch nướng tươi chấm với nước mắm me ai ăn rồi cũng thấy thèm. Ngoài ra, cá linh cuối mùa mang đi kho với vài lóng mía cho rục xương là trên cả tuyệt vời.

Trước đây cá linh nhiều vô kể, nên tại Đồng Tháp giá chỉ vài ngàn đồng/ký. Tuy nhiên khoảng chục năm trở lại đây nước ít, cá linh cũng ít dần. Vì thế cá linh đã trở thành đặc sản đắt đỏ. Giá cá linh đầu mùa khi đến tay người tiêu dùng cũng vài trăm ngàn/1 kg, còn giá cá cuối mùa cũng vài chục ngàn đồng. Nhiều người dân miền Tây xa quê lâu ngày thèm ăn cá linh cũng khó mà ăn được.

Chị Trần Thị Hồng Nhung (37 tuổi, quê TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) sống ở TP.Đà Lạt nói: “Nhiều năm xa quê lên Đà Lạt lập nghiệp nên nhớ món lẩu cá linh quê nhà. Tuy cá linh trước đây là món dân dã nhưng ai ở đầu nguồn miền Tây cũng phải chết mê với nó. Hiện nay đường xá thuận tiện nên cứ đến mùa nước nổi là tôi lại đặt cá linh ở dưới quê gửi về Đà Lạt dùng và đưa vào thực đơn lấy cá linh của nhà hàng bán cho khách để quảng bá món đặc sản miền Tây”.

Chị Xuân Trang (42 tuổi, quê Đồng Tháp có chồng về Q.7, TP.HCM) nói: “Cá linh nấu lẩu mắm ăn với bông súng, kèo nèo, bông điên điển là khỏi chê. Nếu ăn một mình, phải giấu cho thật kỹ, chứ không khéo có muốn buộc gió lại thì hương cũng bay đi. Món này dễ làm ‘mích lòng” nhau vì sẽ khiến nhiều người tươm mồ hôi lưỡi và bụng réo gọi. Dịp mùa nước nổi là gia đình tôi và các anh chị chồng lại kéo về Đồng Tháp ăn lẩu cá linh, còn nếu không về được thì cũng nhờ người gửi lên để chế biến món ăn. Cá linh, với chúng tôi là cả một trời kỷ niệm tuổi thơ vì ăn hoài riết ngán. Hiện cá linh là món quà trời ban có hạn, qua mùa nước nổi thì đỏ mắt tìm cá linh với bông điển điển. Có tiền muốn ăn cũng khó nên bà con miền Tây quý mùa nước lắm”.

Mùa nước nổi ngày xưa là chuyện chống lũ, vất vả mưu sinh nhưng gần đây đối với người dân đầu nguồn ở Đồng Tháp thì đó là mùa của “niềm thương, nỗi nhớ” vì mang lại nguồn thu nhập khá từ con cá linh và các sản vật mùa nước nổi. Nhắc đến mùa nước nổi, dân địa phương đã “sống chung với lũ” hòa mình với thiên nhiên để có cuộc sống sung túc, khá giả.

Nhắc đến thời tiết khí hậu miền Tây, ngoài 2 mùa nắng - mưa đặc trưng, người dân ở Đồng Tháp rất tự hào khi quê mình còn một mùa nước nổi, mà không phải nơi nào cũng có. Điều đó khiến không chỉ khiến người Việt trên khắp cả nước mà còn cả những du khách Tây, Hàn, Nhật một khi đã đặt chân đến đây cũng có cái nhìn đặc biệt về Đồng Tháp mùa nước lên, một mùa đáng sống giữa thiên nhiên trù phú và con người nghĩa tình.


Báo Thanh Niên
16.11.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.