Độc đáo sản phẩm từ vải vụn 'tái sinh'

14/07/2023 09:45 GMT+7

Cầm trên tay những sản phẩm như túi xách, ví tiền, mũ, vỏ gối… đẹp xuất sắc, mềm mại, hài hòa đến từng chi tiết, không ai nghĩ rằng chúng được tái chế từ rác thải thời trang mà chúng ta vẫn bỏ quên hàng ngày.

Biến đam mê thành việc làm hữu ích

Tác giả của những sản phẩm tái chế độc đáo từ vải vụn kể trên là cô gái trẻ Dương Thị Thùy Linh (28 tuổi, trú Hà Nội). Hành trình bắt nguồn từ niềm đam mê bất tận với quilt - một loại vải mà vẻ đẹp nằm ở sự sắp xếp một cách ngẫu hứng những mảng, miếng, dải sắc màu bên cạnh nhau tạo nên một cảm xúc khác biệt. Kết hợp cùng tình yêu dành cho môi trường, Thùy Linh đã lên ý tưởng và dành toàn bộ thời gian của mình để "hô biến" những mảnh vải vụn bình thường thành tác phẩm quilt độc đáo.

Độc đáo sản phẩm từ vải vụn 'tái sinh' - Ảnh 1.

Bằng bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của Thùy Linh, nhiều mẩu vải vụn đã được “hô biến” thành những món đồ thời trang độc, lạ

NVCC

Lý do lựa chọn sản phẩm quilt để tái chế, Thùy Linh tâm sự, tùy vào màu sắc, họa tiết trên từng miếng vải mà khi chúng được sáng tạo, cắt ghép vào nhau thì sắc thái, cảm xúc của người làm ra nó hay người xem cũng trở nên khác nhau. Điều đó giúp sản phẩm từ quilt có những ý nghĩa đặc biệt và những thông điệp riêng biệt.

Được biết, vào mùa hè năm 2019, dự án "Maximize" - tận dụng tối đa chỉ với 6 thành viên chính thức được Thùy Linh cho ra mắt với cộng đồng. Đúng với tên"Maximize", dự án ưu tiên sử dụng những mảnh vải vụn tại xưởng vải của gia đình Thùy Linh và những cửa hàng vải xung quanh để tái chế. Sau 5 năm hoạt động, dự án thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng sống xanh, nhất là trên mạng xã hội.

Cô Lê Uyên (trú TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) tâm sự: "Tôi rất ấn tượng với sản phẩm của Linh bởi cháu phối những mảng màu rất bắt mắt, họa tiết độc đáo và lạ. Tôi tìm hiểu rất nhiều cửa hàng tái chế, từ vải jean cũng có, nhưng sản phẩm của Linh vẫn phù hợp với mọi lứa tuổi nhất".

Chia sẻ thêm về quy trình tái chế, Thùy Linh nói: "Sau khi có đủ lượng vải vụn cần, chúng mình tiến hành là, ủi phẳng ra và cắt lại vải vụn để phù hợp với từng mẫu quilt; sau đó phải tỉ mỉ khâu bằng tay hoặc ghép vải lại với nhau để làm điểm nhấn cho sản phẩm. Cuối cùng là hoàn thiện, chỉnh hình chúng thành những món đồ xinh xắn".

Hiện tại, đồ tái chế của dự án "Maximize" có giá dao động từ 200.000 - 1.000.000 đồng tùy vào độ khó của từng sản phẩm. Sản phẩm làm thủ công, cần sự tỉ mỉ nên mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành được 1 sản phẩm. Việc khách hàng luôn thông cảm, chờ đợi và yêu thích sản phẩm tái chế này chính là niềm vui, động lực để Thùy Linh tiếp tục sáng tạo, lan tỏa giá trị sản phẩm xanh đến cộng đồng.

Lan tỏa lối sống xanh

Tự hào về những sản phẩm tái chế của mình, Thùy Linh tâm sự: "Tôi nghĩ, lợi thế của "Maximize" là các sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công và gần như là độc, lạ nhất. Khi làm ra một sản phẩm tái chế và lan tỏa đến mọi người xung quanh có nghĩa là bạn có chung tình yêu và khát vọng bảo vệ môi trường".

Nhìn lại chặng đường 4 năm đã qua và dự tính những kế hoạch phát triển trong tương lại, gương mặt Thùy Linh rất tự tin, tràn đầy năng lượng. "Hiện tại, sản phẩm của dự án "Maximize" đã có mặt tại khắp nơi trên cả nước. Mỗi tháng, mình nhận được hơn 100 đơn hàng đủ các loại sản phẩm", Thuỳ Linh nói và cho hay hy vọng sẽ lan tỏa nhiều hơn ý nghĩa của dòng sản phẩm tái chế này trên mạng xã hội, để mỗi người có thể tiếp cận với các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó hình thành thói quen sống xanh.

"Mình cũng sẽ sáng tạo thêm nhiều mẫu mã sản phẩm đẹp mắt, tiện dụng và giá thành hợp lý để đông đảo người dân sử dụng sản phẩm xanh, hữu ích với môi trường", Thùy Linh nói.

Bạn Hoàng Giang (23 tuổi, đang làm việc tại Hà Nội) hy vọng trong thời gian tới dự án "Maximize" ra mắt thêm nhiều sản phẩm tái chế hơn, "phủ xanh" các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. "Ngoài ra, mình vẫn mong muốn chị Thùy Linh và dự án tổ chức những buổi Workshop chia sẻ, hướng dẫn tái chế để gắn kết những thành viên trong cộng đồng sống xanh", Giang nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.