Độc đáo nhà cổ miền Tây: Nhà thảo bạt lớn nhất Nam bộ

Từ ngoài nhìn vào, du khách cảm nhận được sự uy nghiêm, bề thế, cho thấy gia chủ xưa là người rất giàu có. Khi vào bên, du khách có cảm giác yên bình và thân thuộc do lối kiến trúc đậm chất Việt.

Từ ngoài nhìn vào, du khách cảm nhận được sự uy nghiêm, bề thế, cho thấy gia chủ xưa là người rất giàu có. Khi vào bên, du khách có cảm giác yên bình và thân thuộc do lối kiến trúc đậm chất Việt.

Mặt trước ngôi nhà của hội đồng Cự với phần thảo bạt - Ảnh: H.PMặt trước ngôi nhà của hội đồng Cự với phần thảo bạt - Ảnh: H.P
Từng được cơ quan quản lý di tích đánh giá là công trình có kiến trúc chạm độc đáo nhất tỉnh, ngôi nhà xưa của hội đồng Phan Văn Cự ở ấp Phú Hưng, xã Long Khánh, TX.Cai Lậy (Tiền Giang) được xem là nhà thảo bạt lớn nhất Nam bộ.
Cây đòn dông dài nhất
Đó là ngôi nhà được cất theo kiểu chữ "công", gồm gian nhà chính nằm ngang ở giữa làm nơi tiếp khách, thờ tự và 2 gian nhà phụ nằm dọc hai bên, gọi là đông lang, tây lang. Về sau biến thể do trùng tu sửa chữa, cất thêm thảo bạt (nhà để khách chờ vào lễ), phía trước nhà chính xây dựng theo kiến trúc Tây phương nên dân địa phương gọi là nhà “lai Tây”.
Từ ngoài nhìn vào, du khách cảm nhận được sự uy nghiêm, bề thế, cho thấy gia chủ xưa là người rất giàu có. Mặt tiền ngôi nhà gây ấn tượng với lối kiến trúc Tây phương qua các chi tiết: những phù điêu đắp nổi được trang trí theo kiểu Phục hưng trên cột, trang trí thêm gạch men của Nhật Bản. Vòm cửa cong theo lối kiến trúc La Mã. Trên nóc nhà gắn bông sắt của Pháp, trông rất hài hòa với loại ngói vảy cá.
Tuy nhiên, khi vào bên trong ngôi nhà, du khách có cảm giác yên bình và thân thuộc do lối kiến trúc đậm chất Việt, thể hiện sự mềm mại với đường nét chạm khắc tinh xảo. Đặc biệt là cách bài trí trong nhà cũng không thấy bóng dáng của các loại ghế, bàn trang điểm với khung kiếng tráng thủy hay tủ rượu, theo kiểu thường thấy ở các ngôi nhà ảnh hưởng văn minh Pháp. Có thể nói đây là ngôi nhà “trong cổ ngoài tân” khá độc đáo.
Theo gia đình cho biết thì phần nhà chính được thân phụ của ông hội đồng Cự cất vào khoảng năm 1880. Để làm ngôi nhà này, chủ nhà đã cho người ra tận miền Trung mua gỗ chở về, đồng thời thuê hơn 40 thợ làm ròng rã suốt gần 5 năm mới xong. Khoảng năm 1915 thì cất thêm phần thảo bạt, đến năm 1920 thì hoàn chỉnh với thềm nhà được xây bằng gạch thẻ và hồ ô dước, trang trí hoa văn cột và lợp lại mái ngói, nâng diện tích sử dụng toàn bộ ngôi nhà hơn 1.000 m2. Thảo bạt là nơi chủ nhà sử dụng để tiếp khách, đồng thời thết đãi các quan khách đặc biệt mỗi khi nhà có tiệc tùng, cúng giỗ.
Các bô lão ở địa phương kể rằng lúc mua gỗ làm căn thảo bạt, hội đồng Cự đã gặp được khúc gỗ gõ đỏ rất dài, cắt đi thì tiếc. Vì vậy ông quyết định giữ nguyên làm cây đòn dông và phải kéo dài phần thảo bạt đến 15 thước (chiều sâu của phần thảo bạt khoảng 5 thước). Đây được xem là cây đòn dông nhà dài nhất trong các ngôi nhà xưa ở vùng này. Trong gian nhà chính nền lót gạch tàu hình da quy, những người thợ xưa đã rất công phu khi làm những chiếc tán cổ bồng bằng gỗ, các chốt mộng nối kèo cột, xuyên, trính cũng sử dụng gỗ chứ không dùng đinh. Riêng phần cột căn giữa sử dụng tán luồng bằng gỗ trai nối cột này với cột kia, có tác dụng kềm chặt hệ thống cột cái khỏi bị xô lệch. Đây cũng là ngôi nhà duy nhất ở vùng Tiền Giang toàn bộ xuyên, trính đều được chạm trổ ba mặt.
Trải qua nhiều bể dâu nhưng hiện ngôi nhà còn giữ được một số tranh thờ và nhiều bức thủ quyển sơn son thếp vàng rất đẹp. Liễn đối, thủ quyển và bao lam được chạm trổ tinh xảo theo phong cách chạm lộng, chạm nổi, chạm chìm khéo léo với đề tài mai, điểu, tùng, lộc, hoa cúc... biểu tượng của hạnh phúc, an khang thịnh vượng và trường thọ.
Điểm đến của du khách
Qua 4 thế hệ, ngôi nhà của hội đồng Cự hiện nay được chia làm đôi, có hai chủ sở hữu. Gian nhà chính do vợ chồng ông Phan Ngọc Ấn quản lý. Ông Ấn nay đã ngoài 70 tuổi, là cháu nội của ông hội đồng Cự.
Là một trong những căn nhà xưa rất độc đáo ở miền Tây Nam bộ lại nằm ngay giữa vùng cây ăn trái nên lâu nay các công ty lữ hành có mời chủ nhà cho đưa căn nhà tham gia tour đón khách. Tuy nhiên, người nhà cho biết ông Ấn không có ý định mở cửa cho khách du lịch tham quan, vì nhà thờ cần phải giữ sự tôn nghiêm.
Gian nhà chính hiện đã có nhiều chỗ xuống cấp. Phần mặt dựng hoa văn và mái vòm cột có nhiều chỗ bị sứt mẻ. Bên trong nhà, một số bao lam chạm lộng và liễn đối sơn son thếp vàng đã ngả màu, nền gạch xuất hiện vài chỗ sụt lún, bong tróc, do ảnh hưởng từ trận lũ lịch sử năm 2000. Ngoài ra, chủ nhà cũng thay đổi bàn ghế, cách bài trí, khiến ngôi nhà không còn giữ được nét đẹp cổ kính như xưa.
Riêng gian nhà dưới hiện do người con dâu của ông hội đồng Cự quản lý. Nhiều năm qua, đây cũng là điểm dừng chân cho du khách trong hành trình tham quan miệt vườn Cai Lậy - Cái Bè của các công ty lữ hành tại TP.HCM. Du khách, đa số là người nước ngoài, do các công ty lữ hành đưa tới. Gia đình chỉ đảm trách việc cung cấp bữa ăn, sắp xếp chỗ cho họ nghỉ trưa. Kinh phí được các công ty trả theo tour và theo số lượng phần ăn. “Đa số họ đến đây vì thích ăn những món dân dã VN và nghỉ trưa ở nhà xưa, có vườn cây mát mẻ, không khí trong lành, yên tĩnh, chứ ít có người quan tâm đến việc tham quan hay chiêm ngưỡng đồ cổ”, chủ nhà cho biết.
Cách đây vài tháng, tại ngôi nhà này bị kẻ trộm lấy mất một số cổ vật như lục bình, đèn xưa… vì vậy mà chủ nhà rất dè dặt khi tiếp khách lạ. Thậm chí, có mấy chậu kiểng xưa, đã bị nứt, nhưng cũng được dời vào ngay sát cửa nhà, không dám để ngoài sân như trước vì sợ kẻ gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.