Độc đáo nhà cổ miền Tây: Ngôi nhà 3 thế kỷ

26/12/2015 06:00 GMT+7

Nghe nói ở Cái Bè (Tiền Giang) có ngôi nhà xưa 155 tuổi, chúng tôi tìm đến nơi nhưng vừa tới cửa thì chủ nhà nói: 'Lâu lắm rồi nhà tôi không tiếp khách, kể cả khách Nhật và sinh viên tới tham quan, vì đã 2 lần bị mất trộm'.

Nghe nói ở Cái Bè (Tiền Giang) có ngôi nhà xưa 155 tuổi, chúng tôi tìm đến nơi nhưng vừa tới cửa thì chủ nhà nói: 'Lâu lắm rồi nhà tôi không tiếp khách, kể cả khách Nhật và sinh viên tới tham quan, vì đã 2 lần bị mất trộm'.

Một góc ngôi nhà 3 thế kỷ - Ảnh: Hoàng PhươngMột góc ngôi nhà 3 thế kỷ - Ảnh: Hoàng Phương
Nằm cạnh con rạch Nước Trong rợp bóng cây xanh thuộc ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh, H.Cái Bè, ngôi nhà xưa của ông Trần Quang Mẫn tọa lạc giữa khu vườn rộng 15.800 m2.
Lên kế hoạch trùng tu
Mấy năm trước có đoàn chuyên gia của Trường ĐH nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đến khảo sát, đề nghị trùng tu với điều kiện phải tháo dỡ phần thảo bạt, nhưng gia đình không đồng ý vì muốn giữ lại di tích của tiền nhân. Ngoài ra, người của Viện Bảo tàng Pháp cũng đến tham quan và ngỏ ý muốn giúp sửa sang lại ngôi nhà. Gần đây, Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản) đã tổ chức hội Thảo với ý định trùng tu lại ngôi nhà, kinh phí hơn 2 tỉ đồng, với sự tài trợ của Tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản).
Đây là ngôi nhà xưa có lối kiến trúc “đông tây hòa hợp” rất độc đáo, trong đó ngôi nhà chính cất theo lối nhà rường Huế. Phần thảo bạt và mặt tiền được Âu hóa theo phong cách kiến trúc Ý, trang trí công phu và phức tạp. Ông Trần Quang Mẫn cho biết ngôi nhà này được tổ tiên bên ngoại ông là cụ lãnh binh Phan Văn Năng xây cất vào năm 1860, đến đời ông cố là Phan Văn Thơ có tu bổ thêm. Thời đó, các cụ phải rước thợ từ cung đình Huế vô làm theo kiểu nhà rường, hoàn toàn không có đinh và xi măng. Đến năm 1923, cha ông là cụ Trần Quang Huy mướn thợ xây thêm phần thảo bạt và mặt tiền ngôi nhà. Ngoài phần tường gạch xây thêm, toàn bộ ngôi nhà đều làm bằng gỗ quý trên diện tích 500 m2.
Nói “không tiếp khách” nhưng sau một hồi trò chuyện, ông Mẫn không ngần ngại mở cửa, dẫn khách vào tham quan ngôi nhà chính. Chủ nhà cho biết vì mấy người con đi làm xa hết, nhà chỉ còn hai vợ chồng già nên chỉ những khi có giỗ quảy, đám tiệc thì nhà mới được lau chùi, dọn dẹp, còn thường ngày đóng cửa suốt.
Ngôi nhà chính có ba gian hai chái, cột gỗ mun treo câu đối sơn son thếp vàng. Bao lam cột được chạm lộng, chân đế chạm hình lục bình cẩn ốc xà cừ. Các cánh cửa cũng được chạm trổ cầu kỳ sinh động, trám cửa được làm bằng gỗ huỳnh đàn, một trong những loại gỗ rất quý. Đặc biệt, ở khu vực thờ phượng còn lưu giữ chiếc giường thờ cùng một số vật dụng của tiền nhân để lại. Trong đó, có những món đồ nội thất đã có từ thời ông cụ tổ cất nhà, tức năm 1860.
Phần tiền sảnh vốn là thảo bạt ngày trước đã được chủ nhân tháo bỏ cột hàng ba, xây dựng nối liền với gian nhà chính. Trên tường, phần sảnh được trang trí hoa văn, chim két bằng chất liệu màu nước. Theo ông Mẫn, đây là những tác phẩm do các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương thực hiện. Nơi đây dành để tiếp khách và cũng là nơi chủ nhà có thể ngồi hóng gió, đọc sách.
Từ chối khách vì đạo chích
Đây là ngôi nhà xưa thuộc diện quý hiếm nhưng chưa được xếp hạng di tích. Theo ông Trần Quang Mẫn, mấy năm trước cơ quan quản lý di tích có tới đo đạc, liệt kê vật dụng và đề nghị làm thủ tục... Nhưng vì ngại, sợ khi nhà hư, muốn thay đổi, sửa chữa phải xin phép phiền phức nên chủ nhà đã rút lui, không nộp hồ sơ.
Hiện ngôi nhà đã có dấu hiệu xuống cấp. Vách lụa trong gian thờ phượng bị hỏng vài chỗ. Trên trần nhà, phần tiền sảnh do mưa dột và phân dơi ủ lâu ngày nên có dấu hiệu ẩm mục. Ông Mẫn cho biết vào những năm 1940, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, ngôi nhà này từng phải tháo dỡ mái ngói đem bỏ ra vườn. Vì vậy, nhiều mảnh ngói âm dương cũ bị vỡ, dột nhiều chỗ, phải thay lại toàn bộ.
Từng là bác sĩ quân y trước năm 1975 nên ngoài thời gian đón khách du lịch, ông Mẫn còn làm thêm việc khám chữa bệnh cho bà con trong xóm. Một lần có kẻ trộm giả dạng làm người bệnh tới khám rồi sau đó đột nhập vào nhà và gom tổng cộng 11 món cổ vật quý hiếm.
Lần thứ hai, một tên trộm khác cũng giả dạng tới khám bệnh 3 lần. Hắn lân la trò chuyện, làm quen rồi tỏ ý tò mò, muốn xin vào gian nhà thờ để… tận mắt xem đồ cổ. Sau một tháng điều nghiên, hắn dắt thêm một “người bệnh” khác tới và gã này cũng rất “mê đồ cổ”. Thế rồi sau đó chúng đi ghe tới, nửa đêm cạy cửa, đột nhập vào nhà và lấy đi 5 món cổ vật. “Lúc đó là 2 giờ sáng. Tôi nghe tiếng thanh sắt gài cửa rơi xuống nền nhà nhưng tưởng là do chó mèo chạy. Lần này chúng lấy 5 món cổ vật, bao gồm đồ đồng, chò xưa và 2 cái lục bình lớn. Trong đó, quý nhất là cái lục bình Phước Lộc Thọ thời nhà Minh, được ông bà đưa từ miền Trung vào trước khi xây nhà năm 1860. Tôi không biết giá trị bao nhiêu nhưng trước đó, mấy nhà khảo cổ Nhật tới xem, họ nói tại thị trường Tokyo cái lục bình đó tương đương với chiếc xe Toyota đời mới”, ông Mẫn kể.
Thế là sau 2 lần bị mất trộm, những cổ vật quý hiếm còn lại ông Mẫn cho vào tủ khóa cẩn thận, không trưng bày, đồng thời cũng xin thôi hợp đồng, không đón khách du lịch và cũng không tiếp khách tới tham quan nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.