Độc đáo nghề xưa: Người thợ mộc mê làm nhạc cụ dân tộc

06/06/2016 09:00 GMT+7

Xuất thân từ một gia đình làm nghề thợ mộc, ông Lâm Phen (ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, H.Châu Thành, Trà Vinh) được trời phú cho đôi tay và đôi tai đặc biệt nên có thể làm và chơi rất nhiều nhạc cụ.

Năm 2015, ông được Bộ VH-TT-DL phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.
Ông Lâm Phen kể: “Hồi đó ba tôi làm thợ mộc, đi cất nhà chung với ông thợ hồ rồi hai người xảy ra cự cãi về thước tấc. Khi tôi 15 tuổi, ba tôi gửi tôi đi học nghề thí công ngay với ông thợ hồ. Có lẽ còn giận ba tôi nên năm đầu tiên tôi bị ổng “vật” quá trời. Nhưng ba tôi dặn phải ráng chịu đựng, làm sao cho ổng thương để ổng truyền hết nghề. Nhờ vậy mà sau 3 năm trở về, ba tôi làm thợ mộc, tôi thợ hồ, lãnh cất nguyên căn nhà hoàn chỉnh”.
Ông kể, trong thời gian đi bộ đội, những lúc rảnh rỗi ông thường tới nhà một nghệ nhân gần nơi đóng quân tại Kampong Speu (Campuchia) để học cách tạo mẫu các sản phẩm văn hóa dân tộc Khmer. Những lúc ấy ông lại mải mê quan sát các nhạc cụ của nghệ nhân này. Khi giải ngũ, ông tìm hiểu cách chơi các nhạc cụ trong dàn nhạc của người Khmer như đờn cò, đờn gáo, đờn tà khê, đờn khưm, trống tay, chập chõa... và mày mò tìm cách chế tác chúng. Dần dần loại nhạc cụ nào ông cũng làm được và chơi được.
Ông Lâm Phen diễn giải: “Ngũ âm không phải là 5 món mà là 5 chất liệu tạo thành âm thanh của một dàn nhạc Khmer Nam bộ, bao gồm 5 bộ, như bộ da (trống samphô, được bịt bằng da bò, da trâu), bộ hơi (kèn srôlay, bằng gỗ, 2 cây, một đực một cái, lớn và nhỏ, âm thanh chỏi nhau, khi thổi phải đem ngâm nước), bộ đồng (dàn cồng cuông tuôch và cuông thôm), bộ sắt (cồng rô niết đék gồm 26 thanh sắt ghép lại) và bộ gỗ (rô niết ek và rô niết thung). Dàn nhạc này thường sử dụng vào các dịp lễ lớn của người Khmer Nam bộ như Chôl Chnăm Thmây, Sendolta, Ok Om Bok”...
Ông Lâm Phen và các sản phẩm do ông chế tác Ảnh: Hoàng Phương
Nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer không còn nhiều, nghệ nhân có thể chế tác nhiều loại nhạc cụ như ông Lâm Phen là cực hiếm. Ông cho biết, chế tác bộ gỗ mất rất nhiều công sức, đặc biệt trong việc lựa chọn nguyên liệu. Ngày xưa, bộ gỗ rô niết thung được làm bằng tre lồ ồ, nhưng phải ngâm bùn 3 năm và phơi gió 3 năm mới làm được. Bây giờ không có tre lồ ồ thì thay thế bằng gỗ sao nhưng phải là sao trồng trên đất giồng, quanh các ngôi chùa. Ông thường mua lại cột, kèo của chùa miễu cũ dỡ bỏ đem về sử dụng, bởi sao núi thì tiếng không thanh. Trống tay thì bịt bằng da trăn và theo ông thân trống phải làm bằng gỗ mít thì tiếng kêu mới thanh.
Để làm một bộ ngũ âm, hai người làm thường phải mất chừng 2 tháng. Nhưng để có nguyên liệu đồng, ông Lâm Phen cho biết phải tìm mua ở tận Phnom Penh, Campuchia, vì trong các nguyên liệu pha chế có một món đặc biệt gọi là “long khin”, cũng giống như đồng nhưng gõ nó kêu và ở Campuchia mới có.
Tỉ mỉ làm mặt nạ
Trong các loại hình nghệ thuật văn hóa Khmer như múa chúc mừng, múa tết nô rông, múa sấm sét, hát dù kê... diễn viên phải đeo mặt nạ và đội mão tùy theo từng vai diễn. Mặt nạ cũng thường được dùng vào những dịp đầu mùa mưa, như diễn để đánh tà ma, rủi ro, cúng ông tà hoặc lễ dâng bông vào tháng 10 âm lịch.
Ông Lâm Phen kể ngày xưa muốn làm mão và mặt nạ thì đầu tiên phải đi kiếm trái hồng rừng, loại cây mỗi năm chỉ ra trái một lần (hiện ở Ao Bà Om, Trà Vinh còn một cây duy nhất), đem về bỏ vô cối quết với vải và đất sét rồi tạo thành khuôn. Cách làm này rất tốn công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay, nhưng chỉ dùng được một lần rồi bỏ, vì sau khi móc đất sét ra thì khuôn bị hư, làm lại lần thứ hai thì không giống như lần trước. Để khắc phục nhược điểm này, ông nghĩ ra cách làm khuôn bằng xi măng, làm một ngàn cái cũng như một, giống hệt nhau. Mặt nạ được làm bằng giấy rồi sơn, sau đó vẽ hoa văn.
“Điều quan trọng là phải thể hiện sao cho khán giả chấp nhận, ví dụ nhìn thấy là biết chằn kà rồng rệp liền, dù chưa ai thấy chằn bao giờ. Hoặc như khi làm mặt nạ krap, là bộ mặt nạ hình người, thì phải thể hiện được sự hỉ, nộ, ái, ố, ngây ngô hoặc miệng rộng, mũi to, mắt hí, mỗi gương mặt có một đặc điểm riêng biệt...”, ông Lâm Phen nói.
Ngoài tài năng chế tác nhạc cụ, mão và mặt nạ độc đáo, ông Lâm Phen còn tạo mô hình chánh điện chùa Khmer, mô hình nhà ông tà, mô hình nhà sàn dân tộc Khmer... Do vậy, dù nhà ông ở xa tít trong sâu, phải đi vòng vèo qua nhiều cua quẹo giữa đồng mới tới, nhưng ông cho biết người ta đặt hàng nhạc cụ, mặt nạ và nhà mô hình suốt, làm quanh năm không nghỉ. Khách hàng đặt hàng qua điện thoại, khi làm xong thì tới kiểm tra, trả tiền và nhận hàng.
Hỏi làm thợ hồ, thợ mộc giỏi sao không cất nhà đẹp để ở, ông nói con đông quá, tới 8 đứa, 4 trai 4 gái, nhưng chỉ có một người con trai theo nghề, còn lại đều làm nghề xây dựng. Ông sợ con phân bì mình xây nhà đẹp rồi để cho con gái út hưởng, vì đối với người dân tộc Khmer, con út dù gái hay trai đều được thừa kế gia sản do cha mẹ để lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.