Độc đáo lễ hội tống tà ma ở miền Tây

01/03/2018 22:46 GMT+7

Chiều 1.3, tại miếu Bà Xóm Chài ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ, diễn ra lễ hội tống phong (tống ôn, tống gió hay tống tà ma).

Lễ hội năm nay diễn ra trong ba ngày (12 - 14 tháng Giêng Âm lịch) với nhiều hoạt động tín ngưỡng, vui chơi như múa lân, múa hát bóng rỗi, cầu an… Đặc biệt, nghi thức đi nghinh, tức tống bè thủy lục với hàng trăm tàu bè dập dìu, múa lân trên sông.
Lễ hội thu hút hàng trăm ghe, tàu, thuyền lớn nhỏ đi sau tàu chở bè tống ôn di chuyển một vòng quanh khu vực sông Cần Thơ hơn 2 tiếng rồi mới di chuyển ra giữa sông Hậu làm lễ hạ bè tống ôn. Hạ bè xong, người dân múc nước tạt vào nhau (gọi là té nước đầu năm) như để lấy lộc cầu may trong năm mới, lấy nước rửa tay chân mặt mũi. Thanh niên trai tráng nhảy xuống sông tắm đùa vui huyên náo trở thành ngày hội độc đáo trên sông nước Cần Thơ.
Đây là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời ở vùng nông thôn Nam bộ. Riêng tại Cần Thơ, lễ cầu an cho tới nay vẫn còn tồn tại, phổ biến nhất là ở H.Phong Điền, quận Ninh Kiều, quận Cái Răng (TP.Cần Thơ)
Năm nay lễ hội có nhiều tiếc mục hấp dẫn thu hút hàng ngàn người kể cả khách du lịch trong và ngoài nước tham dự
Nghi lễ cầu an gồm có cúng bà, cúng thổ thần và người khuất mặt, thả bè ra sông cái. Có nơi còn đốt lửa, đánh trống, múa lân để xua đuổi tà ma và cầu an cho xóm làng, đồng thời đón lấy những ngọn gió tốt lành, những điều may mắn, hưng thịnh về cho xóm làng
Đặc biệt tại xã Mỹ Khánh và thị trấn Phong Điền (H.Phong Điền) thì cho ghe đi từng nhà để thu gom đồ cúng cho vào bè (được đóng bằng chuối) rồi tiến thẳng ra sông cái để thả
Ở H.Phong Điền thông lệ vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch, lễ diễn ra khoảng 18 giờ 30 đến 19 giờ 30, trước cửa mỗi nhà người dân đều có đặt bàn hương án và dùng lá chuối khô hoặc lá dừa gom lại thành đống để đốt lên sáng rực. Các gia chủ vừa cúng lạy vừa rắc muối, gạo, rượu vào lửa với ý nghĩa xua đuổi tà khí và tiễn biệt các cô hồn lang thang
Còn tại Xóm Chài ở phường Hưng Phú, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ tổ chức lễ hoành tráng hơn. Chiếc bè chuối, bên trong chứa gạo muối, bánh trái và thức ăn dành riêng cho cô hồn trước khi mang ra ngả ba sông thả trôi theo dòng nước
Ban tế lễ khấn vái trước khi hạ thủy bè với mong ước tất cả tai ương, bệnh tật, ốm đau đều theo dòng nước trôi đến một nơi vô định và xóm làng được yên vui hạnh phúc
Khiêng bè xuống ghe trước khi thả ra sông cái
Đoàn ghe, tàu diễu hành chạy trên sông Cần Thơ đến nơi giữa sông Hậu làm lễ hạ bè tống ôn
Hàng trăm xuồng ghe lớn nhỏ tiễn đưa bè ra sông với một khí thế tưng bừng và náo nhiệt
Thanh niên reo hò nhảy múa trên sông
Đặc biệt trong lễ hội này có phần té nước nhằm mang lại niềm may mắn trong năm mới
Thông thường để thả bè tống tà ma chọn điểm giữa dòng sông nơi sâu nhất để mục đích tống hết cái không may trong năm và nhận lại những điều tốt lành trong năm mới
Sau khi bè được hạ thủy thực hiện tống phong, trai tráng bắt đầu nhảy xuống sông tắm đùa vui
Tuy hình thức cúng bái ngày càng đơn giản hơn nhưng vẫn còn lưu giữ được nguyên gốc phần lễ. Có thể nói lễ tống phong trước đây và lễ cầu an hiện nay là nghi lễ dân gian mang tính cộng đồng khá cao do nhân dân tự nguyện đứng ra tổ chức, quyên góp cùng với sự hỗ trợ về an ninh trật tự của chính quyền địa phương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.