Doanh thu, lợi nhuận giảm, cổ phiếu doanh nghiệp Vietur trúng thầu Long Thành vẫn tăng vọt

25/08/2023 10:18 GMT+7

Nhiều cái tên đáng chú ý trong Liên danh Vietur vừa được công bố trúng thầu nhà ga hành khách sân bay Long Thành có kết quả kinh doanh, lợi nhuận rất thấp so với kế hoạch, nhưng giá cổ phiếu tăng mạnh, gấp 2 - 3 lần trong hơn 1 tháng qua.

HAN tăng 3 lần, VCG tăng 60%, PHC tăng gần 2 lần

Doanh nghiệp đầu tiên phải kể đến trong Liên danh Vietur là Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), mã chứng khoán là VCG. Khoảng cuối tháng 5, VCG bắt đầu tăng giá từ vùng 19.000 đồng/cổ phiếu lên vùng 26.000 - 27.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 8, tương đương khoảng 60% trong vòng hơn 2 tháng.

Doanh thu lợi nhuận giảm, cổ phiếu doanh nghiệp Vietur trúng thầu Long Thành vẫn tăng vọt - Ảnh 1.

Công tác đào đắp, san nền dự án sân Long Thành giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành

LÊ LÂM

Vinaconex được thành lập năm 1998, có tổng vốn điều lệ gần 5.350 tỉ đồng. Xây dựng là mảng hoạt động đáng chú ý nhất của VCG với một số công trình trọng điểm như: đại lộ Thăng Long, sân vận động quốc gia Mỹ Đình, công trình thủy lợi thủy điện Cửa Đạt, Bảo tàng Hà Nội, cầu Bãi Cháy, Trung tâm Hội nghị quốc gia… VCG từng cùng Tập đoàn Taisei (Nhật Bản) liên danh thắng thầu quốc tế dự án nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài.

Năm 2023, Vinaconex đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỉ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022 và lãi sau thuế 860 tỉ đồng, giảm 8%.

Quý 2 vừa qua, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần 4.567 tỉ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trừ chi phí, Vinaconex báo lãi sau thuế 130 tỉ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của công ty đạt 6.531 tỉ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế đạt 139 tỉ đồng, giảm 81%. Với kết quả trên, nửa đầu năm nay, Vinaconex mới thực hiện được 42% chỉ tiêu tổng doanh thu và 16% chỉ tiêu lãi sau thuế.

Một thành viên khác trong liên danh là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (mã chứng khoán: HAN), là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, thành lập cuối năm 1982. Tháng 10.2016, HAN giao dịch trên UPCOM. Bộ Xây dựng là cổ đông lớn nhất, nắm gần 99% vốn điều lệ.

HAN được Nhà nước giao thi công xây lắp nhiều công trình quan trọng có ý nghĩa về chính trị, quân sự, kinh tế, quốc phòng như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội trường Ba Đình, Nhà hát lớn Hà Nội…

Theo báo cáo tài chính, năm 2023, HAN đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.910 tỉ đồng, lãi trước thuế là 62,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý 2, HAN có doanh thu thuần đạt 730 tỉ đồng, lợi nhuận gộp đạt 28 tỉ đồng, lần lượt giảm 19% và giảm 66% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi sau thuế quý 2 đạt gần 9 tỉ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ 2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HAN đạt 901 tỉ đồng, giảm 29% so với nửa đầu năm 2022; lãi sau thuế đạt 8,9 tỉ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm nay, HAN chỉ hoàn thành 47% mục tiêu doanh thu và 18% mục tiêu lãi trước thuế.

Dù tình hình kinh doanh, dòng tiền 6 tháng đầu năm nay của HAN không mấy khả quan nhưng giá cổ phiếu HAN lại có nhịp tăng "nóng" gấp gần 3 lần, từ vùng giá trên 7.500 đồng/cổ phiếu thời điểm đầu tháng 6 lên trên 21.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 8.

Một thành viên khác của liên danh là Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán: PHC), thành lập năm 2001. Công ty hoạt động xoay quanh 3 mảng kinh doanh chính gồm: xây dựng dân dụng và công nghiệp, bất động sản, thủy điện và năng lượng tái tạo. Trong xây dựng, PHC là tổng thầu thi công 5 dự án gồm Florence Tower, The Zen Residence, IA20, Golden Land Buildings Hà Nội và Kenton Node TP.HCM.

Năm 2023, PHC đưa kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 2.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 51 tỉ đồng. Song theo báo cáo tài chính, 6 tháng đầu năm, PHC đạt 737 tỉ đồng doanh thu thuần và 2,7 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế; lần lượt thực hiện được 36,8% và 6% kế hoạch năm.

Tổng nợ phải trả của PHC là 2.182 tỉ đồng. Các khoản nợ ngắn hạn chiếm 93% tổng nợ của công ty với 2.038 tỉ đồng.

Giá cổ phiếu PHC bắt đầu tăng "nóng" từ đầu tháng 6 ở vùng 6.000 đồng/cổ phiếu lên trên 11.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 8.

Theo kết quả công bố của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ngày 24.8, Liên danh VIETUR trúng gói thầu 5.10 nhà ga hành khách sân bay Long Thành.

Liên danh này gồm 10 công ty: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng IC Ictas (thành viên đứng đầu liên danh); Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons; Công ty CP Đầu tư xây dựng Newtecons; Công ty CP Đầu tư xây dựng SOL E&C; Công ty CP Kết cấu ATAD; Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP; Công ty CP HAWEE cơ điện; Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam; Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP.

Giá trúng thầu 27.813 tỉ đồng và 338,8 triệu USD. Thời gian thực hiện hợp đồng là 1.170 ngày (tương đương 39 tháng) kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Với thành viên liên danh là Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP (mã chứng khoán là CC1 niêm yết trên sàn UPCOM), chỉ từ đầu tháng 7 đến nay, giá cổ phiếu CC1 đã tăng hơn gấp đôi, từ vùng giá 11.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 24.000 đồng/cổ phiếu.

CC1 ra đời năm 1979 và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2016. CC1 hoạt động chủ yếu trong 4 lĩnh vực, gồm: xây dựng, kinh doanh bất động sản, đầu tư, sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng.

Một số dự án xây dựng nổi bật của CC1 như cầu Thủ Thiêm, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Nhà máy dệt Nam Định, Khu đô thị King Crown Infinity…

"Duyên nợ" Coteccons và Ricons

Đầu tháng 8, Liên danh Hoa Lư do Công ty Coteccons đứng đầu đã có đơn kiện kết quả trúng thầu kỹ thuật do ACV công bố cho Liên danh Vietur. Đáng chú ý, Công ty Coteccons và thành viên của Vietur là Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons có rất nhiều duyên nợ.

Trước đó, tháng 7, TAND TP.HCM đã thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với Công ty Coteccons. Nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons, liên quan đến tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Coteccons với Ricons, gồm các khoản phải thu và khoản phải trả.

Đáng chú ý, nguyên nhân công nợ phát sinh từ giai đoạn trước năm 2019, khi Coteccons và Ricons chịu sự điều hành chung trong một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.

Sau khi ông Nguyễn Bá Dương, người sáng lập kiêm cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Coteccons, rời khỏi Coteccons năm 2020, các doanh nghiệp từng chung hệ sinh thái này đã có khá nhiều tranh cãi.

Vụ kiện phá sản cũng được đưa ra trong bối cảnh khá căng thẳng khi 2 doanh nghiệp này ở 2 liên danh cạnh tranh thầu gói thầu 5.10 nhà ga hành khách sân bay Long Thành.

Trong đó, Coteccons đứng đầu Liên danh Hoa Lư; còn Ricons, Newtecons, Sol E&C lại là thành viên của Liên danh Vietur. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.