Doanh thu dịch vụ Apple sẽ sớm vượt phần cứng

Loan Chi
Loan Chi
11/07/2022 12:28 GMT+7

Theo nhà phân tích tại Counterpoint, Apple với lợi thế độc quyền đang kiếm nhiều tiền hơn từ các dịch vụ trong hệ sinh thái so với Google.

Chu kỳ thay thế phần cứng smartphone dài hơn đã thúc đẩy các nhà cung cấp như Apple tối đa hóa các dịch vụ phần mềm bằng cách tạo ra một hệ thống độc quyền cho khách hàng của hãng.

Trong bài đăng từ nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint Technology nhấn mạnh, smartphone sẽ vẫn là thiết bị trung tâm được người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng để thanh toán, mua sắm và thậm chí là làm việc. Các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) đang khám phá các cơ hội không chỉ để giữ cho thương hiệu đứng vững mà còn phát triển mạnh trong thị trường cạnh tranh ngày càng tăng.

Doanh thu phần cứng điện thoại thông minh đã tăng trưởng 4% hằng năm trong giai đoạn 2015 - 2021, trong khi doanh thu dịch vụ đã tăng trưởng với tốc độ hằng năm đến 23% đối với iOS và 12% đối với Android.

Dịch vụ của Apple sẽ sớm cho doanh thu vượt mặt phần cứng vào năm 2028-2030

chụp màn hình

Doanh thu từ dịch vụ là một phần quan trọng đối với Apple, nhưng Android bị tụt lại phía sau với biên độ lớn. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, dịch vụ của "táo khuyết" có thể vượt qua doanh thu phần cứng trong giai đoạn 2028 - 2030.

Theo Counterpoint, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã tạo ra 530 tỉ USD doanh thu từ phần cứng, ứng dụng và dịch vụ. Phần cứng chiếm hơn 85% doanh thu, phần còn lại là ứng dụng và dịch vụ.

Apple đã xây dựng hệ sinh thái của mình một cách liền mạch dựa trên tính độc quyền, giúp người dùng có quyền truy cập vào toàn bộ dịch vụ. Hãng đã thu hút thành công các khách hàng đến với các dịch vụ đăng ký trả phí hằng tháng như Apple Watch, Apple Music, Apple TV...

Apple hình dung phần cứng như một phương tiện để hướng đến các nhu cầu hằng ngày của người dùng như sức khỏe, chơi game, tiện ích, tài chính, giải trí... Do vậy, dù sản xuất phần cứng của riêng mình, động lực để làm phần cứng được thúc đẩy bởi tỷ suất lợi nhuận cao và phương pháp tiếp cận dịch vụ bao quanh.

Mặt khác, các sản phẩm của Android không chỉ thiếu tính độc quyền mà còn ít có dịch vụ đi kèm. Các nỗ lực xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trên Android bị rải rác với mỗi OEM đang cố gắng xây dựng hệ sinh thái của riêng mình.

Ví dụ Xiaomi hay Samsung, mỗi OEM đều nỗ lực tạo ra một hệ sinh thái gồm các dịch vụ tài chính, giải trí và y tế. Điều này không bền vững vì việc chuyển đổi giữa các thiết bị Android vẫn ở mức cao.

Dù có một hệ sinh thái lớn hơn, nhưng phần lớn doanh thu của Google chỉ đến từ quảng cáo trực tuyến.

chụp màn hình

Google đã có một số sáng kiến, nhưng vẫn thiếu cách tiếp cận tổng thể rõ ràng để gắn kết những người dùng Android lại với nhau và tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ.

Khép lại vấn đề, Counterpoint cho rằng dù với Apple hay Google, phần cứng sẽ tiếp tục phát triển và biến đổi, sản phẩm sau có thể sẽ xóa bỏ những thứ đang là thời thượng hiện nay, nhưng phần mềm vẫn sẽ là mảng thống trị trong nhiều thập kỷ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.