Doanh thu 2 tỉ đồng mỗi năm nhờ trồng mai kiểng

Tấn Đạt
Tấn Đạt
25/05/2023 08:26 GMT+7

Từng gắn bó với nhiều nghề khác nhau nhưng niềm đam mê đặc biệt với mai kiểng đã thôi thúc anh Lê Quốc Việt (35 tuổi), ngụ P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM, mạnh dạn lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương và đã giúp anh có doanh thu tiền tỉ mỗi năm.

Từ chàng trai khuân vác đến ông chủ vườn mai

Trong những ngày nắng nóng của tháng 5, chúng tôi có dịp thăm khu vườn mai kiểng của anh Lê Quốc Việt. Nhìn những cây mai kiểng được anh đặt ngay ngắn, từng nhánh mai, tán lá xanh mướt và chắc khỏe, thì chúng tôi hiểu được anh đã chăm sóc cho cây như thế nào.

Anh Việt cho biết P.An Phú Đông nổi tiếng với mai kiểng từ lâu. Không ít hộ dân ở đây đã và đang trồng cũng như kinh doanh loại cây này.

Doanh thu 2 tỉ đồng mỗi năm nhờ trồng mai kiểng - Ảnh 1.

Anh Lê Quốc Việt

TẤN ĐẠT

"Thời học sinh, mình hay đi làm thêm ở các hội chợ triển lãm về cây kiểng. Nhiệm vụ chính là trông coi và khuân vác mai giúp cho chủ, kiếm được từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày. Thú thật mình cũng từng ước mơ được trở thành người kinh doanh như thế, nhưng không biết bắt nguồn từ đâu, học gì…", anh Việt tâm sự.

Doanh thu 2 tỉ đồng mỗi năm nhờ trồng mai kiểng - Ảnh 1.

Trong vườn, anh Việt có những cây mai kiểng ghép có giá trị từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng

Tấn Đạt

Đến năm lớp 11, anh Việt tạm nghỉ học, đi làm nhiều nghề như: nghề sơn, làm giày… để có thêm kinh phí học tập, trang trải cuộc sống.

"Mình tốt nghiệp THPT ở tuổi 21, sau đó đi học thêm nghề lập trình. Tuy nhiên, niềm yêu thích về mai kiểng vẫn luôn thường trực trong mình. Cho nên mình đã dùng 30 triệu đồng dành dụm để mở vườn, mua mai về chăm sóc, kinh doanh trên mảnh đất gần nhà", anh Việt nói.

Rồi anh Việt kể: "Hồi đó, mình phải lân la ở các chủ vườn gần nhà để học thêm kiến thức về cây kiểng. Với lại, nghề trồng mai phải đi làm cùng người ta thì họ mới chia sẻ lại kinh nghiệm cho mình. Nói chung, những bài học về cách chăm sóc, uốn mai, vấn đề liên quan đến phân thuốc… mình đều học được từ những cô chú lành nghề".

Doanh thu "khủng" từ đam mê

Theo anh Việt, kinh doanh mai kiểng là "1 lời 1". Tuy nhiên để đạt được điều ấy, anh phải cất công chăm sóc, cây đến năm thứ 2 thì mới "gả" được cho khách. Bên cạnh đó, tỷ lệ hao hụt, cây chết từ 20 - 30% là chuyện bình thường…

"Bên mình tập trung vào các dòng mai kiểng ghép như: giảo siêu bông Sài Gòn, cúc thọ hương, giảo Thủ Đức. Ưu điểm là bông to, nhiều cánh, số lượng hoa trên cây mai ghép này nhiều hơn so với mai truyền thống, thời gian tàn hoa lâu hơn, lên đến cả tuần", anh Việt nói.

Theo ông chủ vườn mai kiểng, người trồng phải nuôi phôi thật khỏe, đến tháng thứ 6 hoặc 1 năm thì mới ghép mai. "Nên ghép mai trong thời điểm từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch, bởi không khí nóng. Còn từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch trở đi thì trời mưa nhiều, thời tiết thay đổi, cây ghép dễ chết. Công đoạn cuối cùng là mình vô kẽm định hình, uốn cây, tạo hình cành… theo phong cách bonsai lùn lực", anh Việt thông tin.

Bên cạnh đó, theo anh Việt, điểm "ăn tiền" trong việc kinh doanh là người trồng phải chăm sóc cho mai kiểng ra hoa đúng ngày (30 hay mùng 1 tết).

"Mặc dù trên thị trường có rất nhiều phân bón, thuốc để cây sinh trưởng, ra hoa… nhưng người trồng cần phải am hiểu kỹ thuật, hiểu rõ quy trình về chăm sóc mai như thế nào. Bón, tưới, xịt thuốc ra sao. Nếu tháng 5 mà sử dụng phân và thuốc tháng 1 thì không đúng vì mỗi tháng sẽ có những loại phân, thuốc khác nhau. Ngoài ra, để cây vững chắc, mình dùng giá thể là đất cát, trộn thêm xơ dừa, trấu khô thành một hỗn hợp…", anh Việt chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, anh Việt sở hữu hàng trăm cây mai kiểng ghép, dáng đẹp có giá trị từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.

Ngoài ra, chàng trai 35 tuổi còn nhận chăm sóc mai kiểng tại vườn cho khách để có thể tích lũy thêm vốn và làm quen với nhiều khách hàng có sở thích sưu tầm cây kiểng.

"Một số khách mua cây nhưng không có thời gian chăm sóc, hoặc chỉ chơi cây vào dịp tết thì họ có nhiều phương thức lựa chọn, như thuê hoặc mua rồi chơi cây theo mùa sau đó gửi lại cho mình chăm sóc, bảo dưỡng với chi phí từ 20 - 30%, tùy theo giá trị của cây", anh Việt nói.

Bên cạnh đó, để tăng đầu ra cho mai kiểng, anh Việt còn đưa sản phẩm của mình lên các trang mạng xã hội. "Trong những video, mình luôn giới thiệu tận tình cách chăm sóc mai kiểng như thế nào… từ đó, mình có nhiều đơn hàng ở các tỉnh thành khác. Nhờ mở ra đa dịch vụ như thế, mỗi năm doanh thu mai kiểng mình đạt khoảng 2 tỉ đồng", anh Việt vui mừng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.