Doanh nghiệp Việt chi 30 triệu USD làm đá thiêu kết xuất khẩu Mỹ, EU

10/05/2023 17:46 GMT+7

Trong bối cảnh thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng trong nước ảm đạm, trầm lắng nhưng một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc bắt tay với 3 đối tác ở Mỹ, Ý, Tây Ban Nha đầu tư dây chuyền sản xuất đá thiêu kết bằng các dây chuyền công nghệ hiện đại nhất, chuyển đổi sản xuất xanh, giảm phát thải carbon để xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ, EU…

Chiều 9.5, tại Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ (AMY GRUPO) tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược với 3 doanh nghiệp nước ngoài: Tập đoàn Sacmi (Ý), Tập đoàn Altadia (Mỹ) và Tập đoàn Torrecid (Tây Ban Nha) để cung ứng máy móc, công nghệ, nguyên liệu triển khai dự án nhà máy đá thiêu kết AMY.

Doanh nghiệp Việt chi 2,5 triệu USD làm đá thiêu kết xuất khẩu Mỹ, EU - Ảnh 1.

AMY GRUPO đang có 70% tổng sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU

CTV

Dự kiến, nhà máy sản xuất đá thiêu kết này sẽ được khởi công tại Vĩnh Phúc trong tháng 6 năm nay và đến tháng 4.2024 sẽ có sản phẩm ra mắt thị trường. Nhà máy có vốn đầu tư 30 triệu USD, công suất 2,5 triệu m2/năm, giải quyết việc làm cho 300 lao động địa phương.

Ông Đinh Quốc Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc AMY GRUPO, cho biết đá thiêu kết đã trở thành loại vật liệu mới cao cấp được nhiều nhà thiết kế, kiến trúc sư trên thế giới lựa chọn nhưng vẫn chưa được biết đến nhiều tại Việt Nam. Sau khoảng 2 - 3 năm nghiên cứu, doanh nghiệp này quyết tâm đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam để sớm có sản phẩm xuất khẩu ra thế giới.

Đặc biệt, dự án này được doanh nghiệp đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại nhất, chuyển đổi sản xuất xanh, giảm phát thải carbon. Công nghệ sản xuất của nhà máy đá thiêu kết giúp tiết kiệm khoảng 30% điện năng, nhiệt năng so với công nghệ truyền thống hiện nay.

Doanh nghiệp Việt chi 2,5 triệu USD làm đá thiêu kết xuất khẩu Mỹ, EU - Ảnh 2.

Ông Đinh Quốc Tuấn ký kết với các đối tác nước ngoài để triển khai dự án nhà máy đá thiêu kết tại Việt Nam

CTV

Bên cạnh đó, sản phẩm đá thiêu kết khi đưa ra thị trường sẽ cạnh tranh, góp phần thay thế loại đá nhân tạo sử dụng bột silic đang bị nhiều nước nhập khẩu kiểm tra gắt gao, hạn chế nhập khẩu hoặc đánh thuế rất cao. Ngoài ra, đá thiêu kết được kỳ vọng tạo ra xu hướng tiêu dùng mới, thay thế cho sản phẩm đá khai thác tự nhiên tàn phá, hủy hoại môi trường.

Cũng theo ông Đinh Quốc Tuấn, trong bối cảnh thị trường vật liệu xây dựng trong nước trầm lắng nhưng doanh nghiệp này đang có 70% tổng sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, EU. Đặc biệt, hiện nay, các thị trường nhập khẩu khó tính như Úc, Mỹ, EU… ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về tiêu chuẩn, chất lượng về vật liệu xanh, đồng thời áp thuế rất cao đối với sản phẩm phát thải nhiều carbon.

"Dự án nhà máy sản xuất đá thiêu kết được đầu tư để đón sóng thị trường thế giới khi nhu cầu tiêu dùng dòng vật liệu này sẽ bùng nổ trong những năm tới. Chúng tôi xác định sản phẩm này sẽ đáp ứng tất cả tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường... của những thị trường khó tính nhất như Mỹ, châu Âu, Úc để cạnh tranh ngang hàng, sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài", ông Tuấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.