Doanh nghiệp vẫn than thủ tục thuế, hải quan

28/11/2017 08:03 GMT+7

Ngày 27.11, VCCI và Bộ Tài chính tổ chức đối thoại thủ tục thuế, hải quan với sự tham gia của hơn 600 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.

Báo cáo về tình hình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết trong lĩnh vực thuế đã rà soát, chuẩn hóa 300 thủ tục hành chính; thực hiện khai thuế điện tử trên cả nước với 622.650 DN, đạt 99,64%; triển khai thí điểm hoàn thiện thuế điện tử cho tất cả người nộp thuế tại 63 tỉnh, thành với 2.155 DN khai hoàn thuế điện tử, đạt 31,94% trên tổng số 6.700 DN tham gia thí điểm...
Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan và đến nay đã có 8,86 triệu tờ khai xử lý trên Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia (VNACSS/VCIS) với khoảng 74.600 DN tham gia và có hơn 573.000 hồ sơ được xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia với sự tham gia của 14.763 DN…
Tuy nhiên, nhiều DN tham dự hội nghị kêu về thủ tục hoàn thuế quá chậm, khiến họ gặp khó khăn khi không quay vòng được vốn; có DN bị treo hàng năm trời. Đại diện một DN cho biết các dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các dự án ODA thuộc diện chịu thuế GTGT… là các dự án được Kho bạc Nhà nước khấu trừ số tiền thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh 2%. Tính đến tháng 9.2017, DN đã nộp thừa số thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh lên đến hơn 38 tỉ đồng. Song, theo quy định tại Công văn số 272/TCT-KK ngày 20.1 của Tổng cục Thuế thì công ty không được hoàn thuế. Chính sách mâu thuẫn khiến DN bị thiệt thòi.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế, cho biết theo các quy định của luật hiện hành, DN sẽ không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp sản xuất trong nước có 12 tháng liên tục bị âm, mà chỉ còn hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong xuất khẩu cũng gặp khó khăn. Đơn cử như những mặt hàng có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản có giá trị chiếm từ 51% trở lên khi xuất khẩu không được áp dụng thuế GTGT 0%. “Nhưng bây giờ xác định 51% đó như thế nào. Ví dụ, tôi xuất khẩu nhưng mua của đơn vị sản xuất, họ sản xuất 5 - 7 mặt hàng, khi mua tôi chỉ mua 1 mặt hàng. Vậy làm sao biết mặt hàng mua chiếm bao nhiêu năng lượng, bao nhiêu tài nguyên để được hoàn thuế. Từ đó dẫn tới rất nhiều DN từ 1.7.2016 đến nay không được hoàn thuế GTGT”, bà Cúc cho biết.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), nhận xét một số quy định trong chính sách thuế thay đổi nhanh chóng khiến DN gặp khó. Thậm chí nhiều DN cho biết có nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung, văn bản ra lúc nào DN cũng không biết. “Do quy định, hướng dẫn về các loại thuế còn dàn trải ở nhiều thông tư, nghị định của các năm khác nhau, khiến DN lúng túng”, ông Khương nói.
Liên quan đến lĩnh vực hải quan, qua rà soát của VCCI cho thấy DN vẫn e sợ. Bởi công chức cán bộ hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó… mà làm chậm hồ sơ hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt để làm khó, nên DN bồi dưỡng cho công chức cán bộ hải quan.

tin liên quan

Thủ tục thuế, hải quan vẫn làm khó doanh nghiệp
Ghi nhận nỗ lực của ngành thuế, hải quan trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, tuy nhiên các doanh nghiệp phản ánh còn nhiều quy định phiền hà, gây khó khăn và làm tốn kém chi phí sản xuất kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.