Doanh nghiệp vẫn mòn mỏi đợi hoàn thuế

Mai Phương
Mai Phương
29/06/2023 06:33 GMT+7

Dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và công văn từ Bộ Tài chính sau nhiều đơn kiến nghị về việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xuất khẩu trong hơn 1 tháng qua, các doanh nghiệp vẫn mòn mỏi đợi chờ trong nguy kịch vì gánh nặng lãi suất, gánh nặng chi phí...

Công văn "đá qua đá lại"

Hôm qua 28.6, bà Trần Lệ Thu, Kế toán trưởng Công ty TNHH thương mại Hòa Thuận (Q.1, TP.HCM), cho biết doanh nghiệp (DN) vẫn chưa được hoàn lại đồng nào trong tổng số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên đến 55 tỉ đồng từ cuối năm 2021 đến nay. Đáng chú ý, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo thông báo từ Cục Thuế TP.HCM gửi đến công ty từ ngày 7.4 là 40 ngày cũng đã trôi qua khá lâu nhưng vẫn chưa có động thái nào tiếp theo. 

Bà Trần Lệ Thu bức xúc: "Chúng tôi đã gửi biết bao nhiêu công văn đến Cục Thuế TP.HCM và nhiều cơ quan liên quan nhưng đến nay vẫn chưa có gì mới. Toàn là những công văn, chỉ đạo "đá qua đá lại" giữa Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.HCM. Vậy biết đến khi nào DN mới được giải quyết? Công ty đã tạm ngừng hoạt động, cho nhân viên nghỉ việc nhưng vẫn có nhiều chi phí khác như tiền thuê mặt bằng, trả một phần lương cho nhân viên…". 

"Tôi được biết các DN cao su ở TP.HCM đồng loạt gửi đơn kiến nghị trước đây cũng vẫn chưa được thực hiện hoàn thuế GTGT. Cách hành xử của cơ quan thuế như vậy đã làm ảnh hưởng đến cả một ngành kinh tế đang phát triển. Như chúng tôi năm nay làm gì có lãi để đóng thuế nữa bởi đã không còn vốn để duy trì hoạt động, mỗi tháng vẫn phải gồng lỗ các chi phí để duy trì nhà xưởng. DN cần biết khi nào nhận lại được tiền của mình thì phải có ngay câu trả lời chính xác chứ các công văn của ngành thuế cứ đá qua đá lại thì không biết đến hết năm nay có thực hiện không?", bà Trần Lệ Thu nói thêm.

Doanh nghiệp vẫn mòn mỏi đợi hoàn thuế  - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp vẫn mòn mỏi chờ được hoàn thuế giá trị gia tăng

QUANG HUY

Công ty Hòa Thuận chỉ là một trường hợp đã được Thanh Niên phản ánh trong loạt bài Doanh nghiệp kiệt quệ vì bị giam tiền thuế GTGT vào cuối tháng 5. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện ký ngày 26.5 giao Bộ Tài chính kiểm tra, đôn đốc Tổng cục Thuế đẩy nhanh việc hướng dẫn, thực hiện hoàn thuế GTGT cho DN, người dân. Trong hơn 1 tháng qua, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cũng đã có nhiều văn bản xoay quanh vấn đề này nhưng câu chuyện vẫn giậm chân tại chỗ.

Trong công văn mới nhất ký ngày 19.6 của Tổng cục Thuế gửi đích danh Cục Thuế TP.HCM, Tổng cục Thuế cho biết giữa tháng 5 đã nhận được công văn từ Hiệp hội Cao su VN về việc hỗ trợ và giải quyết hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT đối với DN sản xuất kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm cao su tại TP.HCM. Còn thông tin từ Cục Thuế TP.HCM vào giữa tháng 6 là vẫn chờ văn bản trả lời và hướng dẫn từ Tổng cục Thuế. Nội dung đang chờ hướng dẫn là xác minh nguồn gốc hàng hóa, khách hàng đối với DN F1, F2… đến khâu cuối cùng (trồng rừng); chứng từ thanh toán tiền hàng xuất khẩu phải thể hiện "số hiệu tài khoản của người trả tiền"; xác minh người nước ngoài mua hàng của DN xuất khẩu…

Thay đổi kiểu xác minh, doanh nghiệp hồi hộp

Không chỉ riêng ngành cao su, nhiều DN ngành gỗ cũng chưa được hoàn thuế GTGT. Bà H.T.N (giám đốc công ty sản xuất gỗ có trụ sở tại Q.1, TP.HCM) phản ánh việc số thuế GTGT xin hoàn lại khoảng 7 tỉ đồng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Cập nhật đến hôm qua 28.6, bà cho hay thay vì chờ cơ quan thuế xác minh định danh người mua hàng ở nước ngoài như trước đây thì công ty nhận được thông báo nhân viên thuế sẽ thực hiện xác minh tại nhà xưởng có sản xuất, xuất hàng cho đối tác. 

Thế nhưng trong giai đoạn hiện nay khi tiêu thụ sụt giảm, nguồn vốn kinh doanh do bị "ngâm" tiền hoàn thuế quá lâu nên công ty đã thu hẹp hoạt động, không đủ đơn hàng để sản xuất nên vẫn chưa thể thực hiện được. "Việc đòi xác minh thực tế sản xuất của công ty hiện nay trong khi công ty không đủ đơn hàng để sản xuất thì cũng chưa biết khi nào xong. Trong khi hồ sơ hoàn thuế GTGT là cho những lô hàng đã xuất khẩu gần 2 năm trước thì nay yêu cầu vậy khiến DN cũng bó tay", bà H.T.N bức xúc. Kiệt quệ, thất vọng... là những từ có thể diễn tả sau nhiều tháng ngày làm hồ sơ, đơn kiến nghị gửi đi khắp nơi của các DN.

Không kể đến những công văn đề nghị giải quyết hoàn thuế tại địa bàn TP.HCM với số tiền hoàn thuế lên đến hàng trăm tỉ đồng kéo dài từ tháng 1.2021 đến nay của DN, Hiệp hội Cao su VN liên tục trong tháng 6 đã gửi công văn đến Cục Thuế TP.HCM đăng ký buổi làm việc với lãnh đạo Cục nhưng chưa nhận được phản hồi nào. DN vẫn tiếp tục mòn mỏi chờ đợi xem xét giải quyết hoàn thuế GTGT khi đang trong hoàn cảnh kiệt quệ, đối diện với gánh nặng lãi vay và có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc dẫn đến phá sản.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV Leglor (TP.Thủ Đức, TP.HCM) thông tin đã nhận được số tiền hoàn thuế GTGT đợt đầu được hơn 10 tỉ đồng sau loạt bài phản ánh của Báo Thanh Niên. Tuy nhiên, hồ sơ hoàn thuế GTGT đợt này với số tiền hơn 18 tỉ đồng của công ty vừa được nộp vào ngày 15.6 vừa qua thì cũng đang hồi hộp chờ vì cùng 1 khách hàng, sản phẩm như hồ sơ trước đó. 

Đây cũng là số thuế GTGT của các đơn hàng đã xuất khẩu trong năm 2022 nhưng chỉ hồ sơ thuế đợt cũ đã được hoàn thì mới được tiếp nhận. Theo ông, hồ sơ hoàn thuế trước đó đã bị chờ hơn 1 năm vì yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ đến tận chủ rừng thì nay đến hồ sơ cùng 1 khách hàng, sản phẩm như vậy thì không biết có tiếp tục bị rơi vào tình trạng như vậy hay không bởi có những công văn nội bộ yêu cầu kiểm tra, xác minh của ngành thuế vẫn còn đó. Vì vậy dù đã được hoàn thuế GTGT một đợt nhưng ông cho rằng DN sẽ rất hồi hộp, vấn đề giải quyết chưa triệt để…

Hướng đi nào cho các chính sách thuế hiện nay?

Thực tế, việc xác minh hồ sơ hoàn thuế trong thời gian qua theo chỉ đạo nội bộ của ngành thuế đã gây ra ách tắc hồ sơ hoàn thuế GTGT cho hàng loạt DN từ cao su, gỗ đến nông sản… Đáng nói trong giai đoạn khó khăn về thị trường tiêu thụ, khó tiếp cận vốn vay và lãi suất tăng cao thì việc bị "ngâm" số tiền thuế lên đến vài chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng đối với các DN khiến họ rơi vào cảnh kiệt quệ, không còn đường sống. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.