Doanh nghiệp tư nhân mở cửa bầu trời

30/10/2019 11:15 GMT+7

Từ một phương tiện xa xỉ dành cho giới nhà giàu, chỉ sau 1 thập niên, máy bay đã dần trở thành phương tiện đi lại quen thuộc với nhiều người dân.

Có những thời điểm, giá vé máy bay còn tiệm cận vé tàu... tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các loại phương tiện giao thông. Chính phủ đã "mở cửa bầu trời" nhưng sự năng động của khối doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra một thị trường hàng không nội địa được đánh giá tiềm năng hàng đầu thế giới.

Máy bay không chỉ của người giàu

Cách đây khoảng 17 năm, mỗi lần tết về là cả nhà tôi lại háo hức đón dì tôi từ TP.HCM ra Hà Nội, về quê ăn tết. Năm 2000, dì tôi bắt đầu vào nam lập nghiệp. Nếu không có việc gì đột xuất thì thường mỗi năm dì chỉ về quê 1 lần, vào dịp tết. Dì đi bằng máy bay. Thời đó, đi làm xa có tiền về quê ăn tết đã là “oách” lắm rồi, đừng nói tới đi máy bay. Tôi còn nhớ, hàng xóm xung quanh sang chúc tết thấy dì tôi về là trầm trồ ghê lắm: “Cái H. năm nay lại về đấy à. Giàu quá, sướng quá rồi. Nhà này có thằng cháu cũng vào nam làm ăn nhưng mấy năm mới có tiền về một lần. Mà cũng chỉ tích góp được cái vé tàu chứ làm gì mơ đi máy bay”.
Bắt đầu từ năm tôi học lớp 4, năm nào dì cũng đưa tôi vào TP.HCM chơi cả tháng hè. Tất nhiên, đi bằng máy bay. Hồi đấy ông ngoại tôi hay bảo: “Nhà này sướng nhất cháu rồi, mới bây lớn mà 6 lần được bay. Còn gì bằng”. Lúc đó, ai được đi máy bay, mặc định là người giàu. Những năm 2000, vé máy bay vẫn còn rất đắt, một chiều từ Hà Nội - TP.HCM cũng bằng cả tháng lương, dì tôi nhớ, khoảng 1,5 triệu đồng (khoảng 100 USD theo tỷ giá quy đổi lúc đó). Thời đó cũng chỉ 1 hãng hàng không duy nhất là Tổng công ty hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines nên giá cao. Bắc - Nam cách trở cũng vì giá vé đắt đỏ, khan hiếm.

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Năm 2007, hãng hàng không đầu tiên không thuộc sở hữu nhà nước, do nhà đầu tư nước ngoài rót vốn là Jetstar Pacific (JP) chính thức ra đời. Định hình là hãng hàng không giá rẻ, JP được kỳ vọng sẽ giúp nhiều hơn đối tượng người dân được tiếp cận với loại hình dịch vụ cao cấp này. Thế nhưng sau khi JP trở thành công ty con của Vietnam Airlines, chỉ 2 hãng mẹ - con không có sự cạnh tranh nên giá cũng chẳng rẻ hơn là bao. Giấc mơ bay vì thế vẫn còn quá xa vời với rất nhiều người.
Nhưng cục diện này đã chính thức thay đổi 4 năm sau đó. Năm 2011, khi chuyến bay đầu tiên của Vietjet Air (VJA) - hãng hàng không tư nhân đầu tiên - chính thức cất cánh đã tạo ra một bước ngoặt lớn trên thị trường hàng không Việt Nam. Thực ra trước VJA đã có vài hãng bay tư nhân tham gia nhưng chỉ một thời gian ngắn đã hạ cánh rời đường băng vì không chịu nổi sức ép cạnh tranh từ các “ông lớn”. Nên sự ra đời của VJA có thể coi là cột mốc đánh dấu một giai đoạn mới của thị trường hàng không nội địa.
Năm 2018, Hãng hàng không Bamboo Airways chính thức được cấp phép tiếp tục tạo nên cú hích lớn cho thị trường hàng không Việt Nam. Bầu trời lúc này mới thật sự mở cửa khi hàng loạt doanh nghiệp đệ đơn xin bay. Năm 2019 có thể coi là năm kỷ lục của hàng không Việt Nam, khi nhiều đề án thành lập hãng hàng không cùng được phê duyệt.
Ngay khi Vietstar Airlines chính thức được cấp chứng chỉ khai thác máy bay (AOC), được khai thác thương mại với dòng máy bay phản lực Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300, 3 tân binh khác là Vinpearl Air, Vietravel Airlines và KiteAir cũng đang hoàn tất các thủ tục thành lập hãng và hứa hẹn sẽ sớm ra mắt trong thời gian ngắn sắp tới. Nếu được thông qua, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ có gần chục hãng bay tham gia khai thác. Với 4 hãng hàng không tư nhân đang xếp “lốt” (slot) chờ bay, Việt Nam sắp có 9 hãng bay. Thị trường hàng không chưa bao giờ nóng như thế.

Từ sở hữu máy bay riêng tới dịch vụ bay VIP

Thực tế thị trường hàng không Việt Nam đã có không ít sự kiện đình đám tưởng chỉ thấy ở các nước giàu có, nơi các tỉ phú sở hữu máy bay riêng. Cách đây hơn một thập niên, bầu Đức - cách gọi thân mật của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, người đã có thời giữ ngôi vị quán quân trên bảng xếp hạng "Người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán" với tài sản gần tỉ USD đã sở hữu máy bay riêng. Đó là vào năm 2008, bầu Đức đã bỏ 5,1 triệu USD mua chiếc máy bay Beechcraft King Air 350 để phục vụ cho công việc. Đến năm 2015, bầu Đức “đổi đời” lên loại máy bay Legacy 600 có giá rao bán là 27 triệu USD. Máy bay này có 13 chỗ ngồi, giống dòng máy bay tư nhân mà tỉ phú Bill Gates thường sử dụng. Hình ảnh bầu Đức cùng các cộng sự đáp máy bay riêng hạ cánh ở các sân bay được báo chí ghi lại vẫn là một dấu ấn không thể thiếu khi nói về hàng không Việt Nam. Sau bầu Đức, ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long là doanh nhân thứ hai công khai sở hữu máy bay riêng. Chiếc trực thăng EC 135P2i của ông về đến Việt Nam vào năm 2010 với giá mua ban đầu khoảng 3 triệu USD, cộng các loại thuế và chi phí phát sinh, chi phí mua lên gần 5 triệu USD Mỹ. Sau hơn một năm sử dụng, ông Long đã bán chiếc máy bay 6 chỗ này cho chính đơn vị mà ông đã mua trước đây vì lý do "quá ít sử dụng".
Hiện nay, Việt Nam đã có thêm nhiều người giàu, số lượng tỉ phú USD được thế giới công nhận lên tới 4 người nhưng không có ai sở hữu máy bay riêng. Thế nhưng, việc ngồi chuyên cơ nhâm nhi ly champagne, nghe nhạc hay ký hợp đồng công việc chỉ xuất hiện qua màn ảnh, trong các bộ phim về giới tài phiệt Mỹ lại dễ dàng thực hiện.
Chỉ hơn 1 tháng trước, Vietstar Airlines chính thức công bố ra mắt dịch vụ bay “siêu sang” Fly VIP - Private Jet lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Chỉ cần gọi điện đặt chuyến và đúng ngày, đúng giờ theo yêu cầu đặt trước, tới là… bay. Sẽ không còn cảnh mòn mỏi chờ đợi ở nhà ga đón nghe từng thông báo xin lỗi, máy bay đến trễ hay ngao ngán thở dài nhận tin nhắn lùi lịch bay từ các hãng hàng không. Nói cách khác, giờ là máy bay chờ khách, không phải khách chờ máy bay.
Không những thế, hành khách đến sân bay sẽ có nhân viên ra đón tận cổng, đưa qua khu vực làm thủ tục, kiểm tra an ninh riêng và có phương tiện chở thẳng tới chỗ máy bay đậu. Với chi phí khoảng 3.500 - 10.000 USD/giờ tùy loại máy bay (khoảng 7.000 - 20.000 USD cho 1 lượt bay giữa TP.HCM - Hà Nội), khách hàng có thể toàn quyền yêu cầu các dịch vụ thỏa mãn nhu cầu cá nhân như đặt thực đơn theo ý thích, xem phim, nghe nhạc qua hệ thống màn hình ti vi cùng dàn loa được thiết kế thuận tiện. Ngoài ra, trên máy bay còn có cả wifi tốc độ cao; hệ thống ghế ngồi có thể ngả thành ghế nằm, thậm chí thành giường ngủ, dịch vụ VIP từ A - Z. Không những thế, sắp tới, hãng hàng không này sẽ triển khai thêm cả dịch vụ cấp cứu SOS - cấp cứu bằng máy bay. Vậy là cũng giống như trong phim, bệnh nhân cần nhanh chóng chuyển lên bệnh viện tuyến trên hay thậm chí ra nước ngoài cấp cứu cũng có thể lập tức gọi máy bay riêng.
Có thể thấy, từ giấc mơ một lần được bay, chỉ trong thời gian ngắn, người Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ hàng không chuyên nghiệp, đẳng cấp nhất thế giới nhờ sự linh hoạt, năng động của khối doanh nghiệp tư nhân.

Phá vỡ thế độc quyền, máy bay cất cánh

Việc mở cửa lĩnh vực hàng không, vốn trước đây chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn đang thúc đẩy nhiều ngành kinh tế phát triển. Từ năm 2016 trở về đây, giai đoạn du lịch gặt hái được những thành tựu lớn cũng là lúc ngành hàng không Việt Nam vươn mình trỗi dậy, dẫn đầu châu Á về tỷ lệ tăng trưởng khách hàng không trong 5 năm qua với mức tăng 28,9%, gấp hơn 2 lần so với nước đứng vị trí kế tiếp là Trung Quốc.
Sự năng động của khối doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra bước thay đổi ngoạn mục cho thị trường hàng không Việt Nam Ảnh: Độc Lập

Sự năng động của khối doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra bước thay đổi ngoạn mục cho thị trường hàng không Việt Nam

Độc Lập

Không còn là "thánh địa" riêng, nhiều doanh nghiệp mở hãng hàng không để tạo ra hệ sinh thái riêng cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Lý giải nguyên nhân muốn thành lập hãng hàng không, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, kể năm 2018, trong một lần đi công tác ở Trung Quốc làm việc với công ty du lịch lớn ở Thượng Hải, ông được công ty này mời đi bằng máy bay của họ.
Doanh nghiệp này sở hữu một hãng hàng không đang khai thác tới 127 chiếc máy bay. Một công ty du lịch lớn nhất châu Âu là TUI (trụ sở chính ở Đức) cho biết doanh thu năm nay có thể giảm tới 225 triệu USD vì lệnh cấm bay Boeing 737 Max sau sự cố của dòng máy bay này. TUI cũng đang sở hữu 15 chiếc Boeing 737 Max, chiếm 10% đội bay và lệnh cấm khiến công ty phải thuê thêm máy bay, gia hạn hợp đồng với các đối tác…
“Rõ ràng, các công ty du lịch lớn ở nước ngoài đều định hướng hoàn thiện hệ sinh thái của mình bao gồm cả vận chuyển. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các hãng hàng không khiến du lịch bị đẩy giá cao, bị động chỗ, giảm cơ hội của du khách. Vietravel Airlines - hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam định hướng phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến (charter) - được kỳ vọng sẽ giúp ngành du lịch giải quyết phần nào bài toán này. Bằng việc mở hãng hàng không, hoàn thiện hệ sinh thái, chúng tôi sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực của mình và phát triển du lịch phù hợp với xu hướng thế giới”, ông Kỳ chia sẻ. Vietravel là công ty lữ hành đầu tiên đang dồn sức cho ra đời hãng hàng không Vietravel Airlines, kế hoạch được cấp phép bay vào 2020. Bên cạnh Vietravel, Vingroup cũng là cái tên chưa hề có kinh nghiệm trong ngành đang xếp hàng chờ bay.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, bầu trời Việt Nam giờ đã trở thành mảnh đất màu mỡ khiến không ít ông lớn hàng không ngoại thèm muốn. Cái tên kiên trì nhất phải kể đến là AirAsia, một hãng máy bay giá rẻ châu Á. Dù đã trải qua 3 thương vụ liên doanh bất thành với các đối tác lớn gồm Tập đoàn Vinashin và tham gia 2 hãng hàng không hiện hữu là Jetstar Pacific, Vietjet Air, AirAsia vẫn không từ bỏ ý định tranh giành miếng bánh trên bầu trời Việt. Sau hơn 1 năm “nhá hàng” với tuyên bố hợp tác, tháng 12.2018 vừa rồi, AirAsia và Tập đoàn Thiên Minh (VN) đã chính thức ký thỏa thuận hình thành một đội bay cho hãng hàng không mới tại Việt Nam. Theo kế hoạch, chuyến bay thương mại đầu tiên của hãng sẽ được thực hiện vào quý 2/2019 nhưng một lần nữa, thỏa thuận đổ bể. Không tuyên bố lý do hủy bỏ hợp tác nhưng đại diện Tập đoàn AirAsia khẳng định Việt Nam vẫn là thị trường đáng khao khát và hãng đang tìm kiếm một sự hợp tác khác.
Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường hàng không đã mang đến cho khách hàng những lợi ích khác hẳn so với trước đó. Quyền lựa chọn được mở rộng, thích xa xỉ có xa xỉ; thích sang trọng có sang trọng, cần bình dân giá rẻ, sẵn sàng đáp ứng. Các dịch vụ hậu cần ngành bay cũng sải một bước dài. Thay vì ra tận đại lý, khách hàng có thể dễ dàng mua vé online, checkin online thông qua các app của chính hãng hàng không.
Từ một doanh nghiệp nhà nước độc quyền, Vietnam Airlines nỗ lực trở thành hãng hàng không 4 sao, các chiến lược như giảm giá vé, hoàn thiện dịch vụ, tăng tần suất chuyến bay để giữ thị phần liên tục được đưa ra để giữ thị phần. VJA áp đảo với các đợt khuyến mãi sâu, tạo ra nhiều cơ hội đi máy bay với giá cực rẻ, thậm chí từ 0 đồng - điều mà trước đây có nằm mơ cũng không ai dám nghĩ tới. Khái niệm “săn vé rẻ” cũng ra đời trong bối cảnh đó. Đúng như dự đoán, cao điểm Tết 2019, vé máy bay không còn quá “hot” khi người dân có thêm sự lựa chọn.
Bầu trời đã mở, mỗi một hãng bay cất cánh, hàng triệu khách hàng lại có thêm sự lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, cơ hội đến những chân trời mới...
 

Khách hàng được hưởng lợi đầu tiên

Cách đây khoảng 20 năm, việc lập bệnh viện tư rất nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh sự ra đời của các bệnh viện tư không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, chia sẻ áp lực cho các bệnh viện công mà còn là tác nhân lớn khiến bệnh viện công phải chuyển mình thay đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ. Thị trường hàng không cũng vậy. Lo an toàn, an ninh là đúng nhưng đừng đẩy lên thái cực đến mức triệt tiêu cả cơ hội huy động nguồn lực xã hội, cũng là triệt tiêu cả tính cạnh tranh của thị trường, quyền lợi của người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, mở cửa bầu trời, khách hàng được hưởng lợi đầu tiên.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel 
 

Người dân có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm

Việc thêm nhiều hãng hàng không mới sẽ kéo theo nhiều tác động tốt cho thị trường, mà hưởng lợi lớn nhất là người tiêu dùng. Nhiều “tay đua” tham gia thị trường sẽ tạo ra sự đa dạng trong cạnh tranh, không chỉ giữa nhiều phân khúc giá mà còn cạnh tranh trong chính từng phân khúc với nhau thông qua yếu tố quan trọng nhất đó là chất lượng dịch vụ. Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế, đời sống người dân tương đối phát triển như hiện nay, hành khách lựa chọn phương tiện di chuyển là máy bay không chỉ chăm chăm nhìn vào giá vé mà còn đặc biệt quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Người ta sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho hãng bay thường xuyên đúng giờ, thái độ phục vụ của nhân viên mặt đất, tiếp viên tốt hay chỉ đơn giản là mạng lưới bán vé, thanh toán tiền trực tuyến đơn giản, dễ dàng... Tăng cạnh tranh, khái niệm chất lượng dịch vụ hàng không sẽ được mở rộng thêm nhiều và người dân có thêm cơ hội trải nghiệm, so sánh nhiều dịch vụ khác nhau.
TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính)

Thị trường hàng không sang trang

Tại Việt Nam, những năm gần đây, ngành hàng không tăng trưởng 14 - 15%, gấp đôi GDP. Sự hiện diện của các hãng hàng không tư nhân là yếu tố tạo nên sự năng động hơn của thị trường hàng không Việt Nam. Từ khi có các hãng hàng không tư nhân khai thác, thị trường sang trang. Không còn thế độc quyền trong kinh doanh hàng không, từ phương tiện chỉ dành cho giới thu nhập cao, nay trở thành công cụ đi lại rộng cửa hơn với mọi người dân.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.