Doanh nghiệp thua lỗ, ngân hàng lãi khủng

10/05/2022 06:44 GMT+7

Hầu hết các ngân hàng đều công bố số lãi của 3 tháng đầu năm nay tăng vọt so với cùng kỳ năm trước trong khi nhiều doanh nghiệp đang gồng mình với chi phí tài chính, nguyên vật liệu tăng cao.

Ngân hàng bỏ túi hàng ngàn tỉ đồng

Quý đầu tiên của năm nay, Ngân hàng (NH) TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) bỏ túi hơn 8.421 tỉ đồng, tăng 227% so với cùng kỳ năm trước. Lý do chính theo giải thích từ VPB là do thu nhập lãi cho vay trong 3 tháng đầu năm nay tăng hơn 1.504 tỉ đồng trong khi chi phí lãi chỉ tăng hơn 261,6 tỉ đồng. Song song đó, thu nhập từ hoạt động khác cũng tăng hơn 6.579 tỉ đồng, tương đương tăng 1.614,12%. Đây là khoản phí trả trước từ hợp đồng bán bảo hiểm độc quyền với AIA.

Các ngân hàng đồng loạt báo lãi khủng trong quý đầu năm nay

Ngọc Thắng

Vietcombank cũng là nhà băng có con số lãi gần 10.000 tỉ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Techcombank cũng ghi nhận lợi nhuận hợp nhất quý đầu năm nay hơn 5.614 tỉ đồng, tăng trên 25% so với quý 1/2021; lợi nhuận sau thuế của NH Bưu điện Liên Việt (LPB) đạt gần 1.421 tỉ đồng, tăng 40% so với quý 1/2021.

Còn nếu xét về tăng trưởng lợi nhuận, trong quý 1/2022, NH Eximbank có lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt hơn 647 tỉ đồng, gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lý giải về mức tăng trưởng lợi nhuận cao kể trên, lãnh đạo Eximbank cho biết sau giai đoạn giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế đang dần phục hồi và các khách hàng vay đã có nguồn thu nhập để trả nợ. Do đó, ngoài khoản lãi dự thu hằng ngày, NH đã thu hồi được nợ lãi của các khoản nợ quá hạn, lãi của các khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng dịch Covid-19, nợ gốc đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro. Tương tự, lợi nhuận trước thuế quý 1 của SHB đạt 3.226 tỉ đồng, tăng tới 94% so với cùng kỳ dù NH này cũng đã tăng mạnh trích lập dự phòng; hay BIDV ở mức 4.513 tỉ đồng, ACB có mức 4.114 tỉ đồng…

Chỉ mong lãi suất cho vay giữ được ổn định, không phập phồng, NH không gây khó khăn trong việc triển khai hồ sơ vay trong thời gian tới là doanh nghiệp đã mừng lắm rồi

Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Thiên Bút

Có thể nhận thấy thu nhập từ lãi thuần vẫn chiếm từ 60 - 75% trong tổng thu nhập của các nhà băng. Có thể lý giải việc chênh lệch lãi suất giữa huy động tiền gửi và cho vay khiến các NH lãi cao. Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động từ 3,3 - 4,5%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2 - 5,7%/năm đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 5,3 - 6,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng trong khi NH cho vay và thu về mức lãi từ 6 - 12%/năm. Trong đó, mức lãi suất cho vay thấp hầu như chỉ áp dụng cho thời gian vài tháng và sau đó thường tăng lên 9 - 12%/năm.

Còn theo báo cáo từ Công ty CP chứng khoán SSI, NIM (biên lợi nhuận) của một số NH tăng nhẹ so với quý trước, dao động từ 2,4 - 7,6%. Chẳng hạn, ngân hàng VPB theo ước tính của công ty này có biên lợi nhuận lên đến 7,6% hay tại MBB là 5,7%. Đồng thời, các NH đẩy mạnh cho vay đã nâng tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động lên 93% so với mức 90% vào cuối năm 2021. Một số NH quốc doanh còn được hưởng lợi từ sự gia tăng đáng kể của tiền gửi có kỳ hạn từ Kho bạc nhà nước (tăng 66.000 tỉ đồng so với đầu năm) và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện so với quý trước. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh và tỷ lệ NIM ổn định, thu nhập lãi thuần tính chung tăng 19% so với cùng kỳ…

DoaNh nghiệp lo từ nguyên vật liệu đến lãi suất gia tăng

Trong khi các nhà băng lãi khủng thì vẫn có nhiều doanh nghiệp (DN), kể cả các “ông lớn” đang đối mặt với tình trạng giảm lợi nhuận, thậm chí nguy cơ thua lỗ khi chi phí đầu vào tăng vọt. Chẳng hạn, Công ty sữa Vinamilk bị giảm sút lợi nhuận trên 12% so với cùng kỳ năm trước khi giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh, đồng thời chi phí tài chính cũng tăng lên đáng kể với 132 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ là 6 tỉ đồng. Cùng cảnh ngộ, “ông lớn” ngành chăn nuôi heo là Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DABACO) báo cáo tài chính quý đầu năm với lợi nhuận sau thuế gần 9 tỉ đồng, giảm gần 98% so với cùng kỳ năm trước và thấp nhất trong 10 quý gần đây.

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) riêng quý 1 này bị lỗ gần 113 tỉ đồng dù cùng kỳ năm trước vẫn có lãi gần 7 tỉ đồng. Theo ban giám đốc công ty, kết quả thấp bởi các lý do giá phân bón, vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng 130%, bao bì đóng gói trái cây tăng 15% so với đầu năm. Tiếp đến là thiếu hụt container lạnh để xuất khẩu trái cây, chi phí container lạnh tăng cao. Thời gian vận chuyển và thông quan từ 12 ngày lên đến 35 ngày làm ứ hàng, tăng chi phí kho bãi, giảm chất lượng trái cây. Chi phí vận chuyển tiếp tục tăng cao vào đầu năm nay, cụ thể là chi phí vận chuyển đường bộ tăng 26% (từ 19 lên 24 triệu đồng/container) và chi phí vận chuyển đường biển tăng 237% (từ 785 lên 2.650 USD/container) so với cùng kỳ năm ngoái…

Các nhà băng thường có tâm thế giữ lãi suất cho vay cao để phòng ngừa rủi ro. Thậm chí, hàng loạt DN vẫn đang chờ thông tin gói hỗ trợ lãi suất 2% từ Ngân hàng Nhà nước nhưng đã gần nửa năm mà vẫn chưa thấy triển khai. Điều này càng khiến DN gặp khó trong bối cảnh hàng loạt chi phí tăng phi mã.

TS Lê Đạt Chí

Những DN có quy mô lớn nhưng vẫn khó trăm bề. Còn với nhiều DN nhỏ ngoài hàng loạt chi phí khác thì khoản lãi phải trả cho NH cũng khiến họ đau đầu. Hiện lãi suất cho vay của các NH đã rục rịch tăng. Theo ông Trần Thanh Phong - Giám đốc Công ty Thiên Bút, vừa rồi DN này có một hợp đồng vay điều chỉnh lại lãi suất tăng thêm 0,5%/năm so với trước, lên 5,5%/năm. Không những vậy mà thủ tục vay cũng được yêu cầu bổ sung thêm chứng minh tài chính, định giá nên thời gian khá lâu. Phần lãi suất tăng thêm này làm gia tăng thêm chi phí tài chính cho phía DN.

“Chỉ mong lãi suất cho vay giữ được ổn định, không phập phồng, NH không gây khó khăn trong việc triển khai hồ sơ vay trong thời gian tới là DN đã mừng lắm rồi”, ông Phong cho hay.

Giám đốc một DN chế biến thực phẩm trong nước cho hay lãi vay của công ty dao động từ 8 - 9%/năm, cao hơn 2 năm trước. Cùng với hàng loạt chi phí đầu vào tăng mạnh từ đầu năm đến nay khiến công ty đang gồng mình để duy trì hoạt động. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cũng kiến nghị lãi suất cho vay trung dài hạn hiện còn cao nên không khuyến khích DN đầu tư, mở rộng sản xuất. Chưa kể, DN vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng với mức chênh lệch giữa thu từ lãi và chi phí trả lãi (NIM) cao thì lợi nhuận NH cũng ghi nhận mức tăng đáng kể sau mỗi năm khi tốc độ tăng trưởng tín dụng lên cao. Chẳng hạn, một NH có dư nợ tín dụng 150.000 tỉ đồng, tăng trưởng tín dụng 10% cho năm nay tương đương, NH này sẽ cho vay thêm 15.000 tỉ đồng. Thế nhưng, NIM giữ nguyên ở mức 5%, chỉ tính sơ lợi nhuận tăng thêm 5% của 15.000 tỉ đồng, tức khoảng 750 tỉ đồng. Trong khi đó, thị trường hiện đang kỳ vọng lãi suất tăng để kiểm soát lạm phát nên việc đặt vấn đề giảm lãi suất cho vay hiện nay sẽ khó được các NH giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.