Doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy phải kiểm kê khí nhà kính

Lê Quân
Lê Quân
17/07/2023 19:06 GMT+7

Ngày 17.7, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo Kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp trong lĩnh vực giấy và bột giấy.

Tại hội thảo liên quan chủ đề kiểm kê khí nhà kính, ông Lưu Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải và Bảo vệ tầng ozone thuộc Cục biến đổi khí hậu, cho biết Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia sản xuất giấy và bột giấy hàng đầu Đông Nam Á. 

Năm 2022, ngành giấy Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất. Trong đó, hơn 20 doanh nghiệp có công suất lớn chiếm 65% sản lượng, hơn 480 doanh nghiệp công suất vừa và nhỏ chiếm khoảng 35% sản lượng. Năng lực sản xuất toàn ngành năm 2022 đạt khoảng 8,2 triệu tấn, sản lượng thực tế 5,7 triệu tấn, tiêu thụ 6,8 triệu tấn, nhập khẩu 1,8 triệu tấn, xuất khẩu 0,8 triệu tấn. Trong đó, giấy bao bì chiếm trên 80%.

Doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy phải kiểm kê khí nhà kính - Ảnh 1.

Ông Lưu Quang Huy cho biết, theo Quyết định 01, các doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy cần coi kiểm kê khí nhà kính là cơ hội chứ không phải gánh nặng

CTV

Ông Huy nhắc lại, Việt Nam đã cam kết đưa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thực hiện mục tiêu này, nhiều văn bản luật và dưới luật đã được ban hành. Trong đó, có Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê (Quyết định 01).

Đáng chú ý, theo Quyết định 01, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giấy và bột giấy sẽ cung cấp số liệu thông tin liên quan đến phục vụ kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính; xây dựng báo cáo kiểm kê định kỳ 2 năm 1 lần từ 2024 trở đi.

Đồng thời, xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn từ 2023 - 2025 phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Huy, quy trình sản xuất giấy có một số nguồn phát thải chính: trực tiếp là từ quá trình đốt nhiên liệu cho lò hơi, lò thu hồi hóa chất, máy phát điện dự phòng diesel, xe nâng, các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, phát thải từ xử lý nước, bổ sung hóa chất, rò rỉ từ các thiết bị làm lạnh…

Doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy phải kiểm kê khí nhà kính - Ảnh 2.

Đông đảo đại biểu, doanh nghiệp tham dự hội thảo

CTV

Ông Huy cho rằng, doanh nghiệp lĩnh vực giấy và bột giấy cần nhìn nhận đây là cơ hội chứ không phải là gánh nặng vì cần quan tâm đến cả vấn đề bảo vệ môi trường và năng lượng. Khi doanh nghiệp thực hiện các giải pháp quản lý ô nhiễm môi trường, quản lý quy trình sản xuất sẽ có đồng lợi ích về giảm phát thải khí nhà kính, đúng định hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, phát triển triển bền vững.

Ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng của dự án JICA SPI-NDC, cho rằng việc nắm vững những thông tin về kiểm kê khí nhà kính sẽ giúp tăng cường sự tham gia của khối tư nhân trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Từ đó, hoạt động của doanh nghiệp cũng dần tuân thủ các chỉ tiêu về môi trường - xã hội - quản trị (ESG), đáp ứng yêu cầu của các đối tác, cổ đông, nhà đầu tư trong bối cảnh thực hiện mục tiêu chung về trung hòa các bon.

Với bối cảnh kinh doanh hiện nay có nhiều biến động, việc làm tốt công tác kiểm kê khí nhà kính giúp doanh nghiệp có định hướng chiến lược kinh doanh tốt hơn, tăng sức cạnh tranh trên cơ sở thực hiện các nhiệm vụ về ứng phó biến đổi khí hậu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.