Doanh nghiệp nhỏ sẽ được giảm thuế

05/04/2018 05:14 GMT+7

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS6) ngày 30.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi giảm xuống mức 20% từ năm 2016, sẽ tiếp tục giảm còn 15 - 17%.

Sẽ trình Quốc hội kỳ họp tới
Thông tin trên được cộng đồng doanh nghiệp (DN) hồ hởi đón nhận. Trao đổi với Thanh Niên ngày 3.4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 15 - 17% đã được Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất trước đó. “Tuy nhiên, mức thuế này không phải là thuế suất phổ thông dành cho tất cả các đối tượng mà chỉ tập trung vào các DN vừa và nhỏ”, bà Mai khẳng định.
Thuế suất thuế TNDN phổ thông hiện áp dụng 20%, để khuyến khích các DN vừa và nhỏ là đối tượng đang chiếm khoảng 95% số lượng DN của cả nước, việc giảm thuế suất 15 - 17% là cần thiết. Điều này sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng mới cho DN, nền kinh tế và gia tăng sức cạnh tranh với DN các nước trong khu vực và thế giới. Bà Mai cho biết thêm, theo lộ trình đề xuất giảm thuế 15 - 17% cho các DN vừa và nhỏ sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới.
Việc giảm thuế không dàn đều, sẽ tập trung ưu tiên một số đối tượng với tiêu chí cụ thể. Đặc biệt, tiêu chí lần này sẽ gọn gàng hơn, đơn giản hơn khi lãnh đạo một vụ chức năng của Bộ Tài chính cho biết sẽ chỉ đề xuất Quốc hội lựa chọn tiêu chí DN vừa và nhỏ được miễn thuế theo doanh thu. Cụ thể, DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỉ đồng áp dụng thuế suất 15%. DN có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 - 50 tỉ đồng áp dụng thuế suất 17%. Doanh thu làm căn cứ xác định DN thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% tại khoản này là tổng doanh thu của năm trước liền kề.
Các nước khu vực cắt giảm mạnh hơn
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc áp dụng giảm thuế suất có thể khiến ngân sách nhà nước giảm đi vài ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ cho rằng, với chủ trương phát triển các DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa hiện nay, giảm thuế suất sẽ tiếp thêm sức mạnh cho đối tượng này, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai. Số tiền giảm thu trên cũng quá nhỏ bé so với tổng thu ngân sách hiện nay nên không có gì phải lo ngại.
Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng Bộ Tài chính nên nghiên cứu đề xuất giảm thuế suất mạnh hơn nữa, có thể về mức 10 - 15%. Bởi hiện nay nhiều quốc gia đang cắt giảm thuế rất sâu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho DN nội. Đơn cử như Trung Quốc, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 25%, nhưng DN nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10 - 20%. Trong giai đoạn 2015 - 2017, các DN có thu nhập chịu thuế nhỏ hơn 200.000 nhân dân tệ (NDT) áp dụng thuế suất 10%.
Tương tự, ở Thái Lan, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% nhưng các DN nhỏ và vừa cũng được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức thấp hơn. Theo đó, DN có thu nhập chịu thuế từ 300.000 baht trở xuống được miễn thuế, từ 300.001 - 3.000.000 baht áp dụng thuế suất 15% và trên 3.000.000 baht áp dụng thuế suất 20%. Ở Indonesia, thuế suất thuế TNDN phổ thông là 25%, DN có doanh thu nhỏ hơn 4,8 tỉ rupiah được áp dụng mức thuế suất 1% tính trên doanh thu năm. DN có doanh thu từ 4,8 - 50 tỉ rupiah được áp dụng mức thuế suất 12,5% đối với phần thu nhập chịu thuế tương ứng với mức doanh thu 4,8 tỉ rupiah (giảm 50% so với mức thuế suất phổ thông 25%).
“Nếu đưa thuế suất xuống 10 - 15% thay vì 15 - 17% chưa chắc đã giảm mức thu thuế cho ngân sách nhà nước nhưng lại khuyến khích các DN, và điều này cần ổn định trong thời gian dài. Nếu giảm thuế đồng nghĩa việc giảm áp lực tài chính, DN sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh có lãi và nộp ngân sách”, một chuyên gia nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.