Doanh nghiệp nhà nước phải tiên phong, đột phá

15/09/2023 06:48 GMT+7

Sáng 14.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.

Thủ tướng và các đại biểu đã mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội và 7 nạn nhân tử vong do lũ quét tại Lào Cai đêm 12.9, rạng sáng 13.9.

Chưa có các dự án đủ lớn để tạo động lực bứt phá

Báo cáo của Bộ KH-ĐT tại hội nghị cho biết gần 680 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nắm một lượng tài sản rất lớn, hơn 3,8 triệu tỉ đồng; trong đó vốn nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước là 689.534 tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch năm. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập DN là 67.403 tỉ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm.

Doanh nghiệp nhà nước phải tiên phong, đột phá - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị làm việc với các doanh nghiệp nhà nước sáng 14.9

Nhật Bắc

Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực DNNN trong 6 tháng đầu năm là 33.639 tỉ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các DN T.Ư như Tập đoàn Điện lực VN (EVN) lỗ phát sinh 32.055 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) lỗ phát sinh 1.317 tỉ đồng. Ước cả năm, tổng lỗ phát sinh khoảng 41.666 tỉ đồng, chủ yếu đến từ EVN với khoản lỗ khoảng 37.062 tỉ đồng, Vietnam Airlines lỗ khoảng 4.515 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN cơ bản được ổn định, tuy nhiên vẫn còn một số DN hoạt động thua lỗ, lợi nhuận âm. Trong đó có những DN có quy mô lớn, có vai trò quan trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận chung. Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai.

Đặc biệt, dù nắm giữ trên 60% nguồn lực của nền kinh tế nhưng hầu như các DNNN chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tinh thần là hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhân dân và DN, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho DN.

Thủ tướng nhấn mạnh 6 quan điểm chỉ đạo điều hành để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN. Trong đó, theo dõi sát tình hình trong và ngoài nước, những vấn đề tích tụ đã nhiều năm, kịp thời đưa ra chính sách, giải pháp sát tình hình, khả thi và hiệu quả cao.

DNNN phải đóng vai trò rất quan trọng trong dẫn dắt, tiên phong, mở đường, phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ để tập trung cho đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi…

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tái cơ cấu DNNN sát tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. DNNN phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Ngoài ra, cần tham gia các chương trình, dự án lớn đang triển khai như hệ thống cao tốc, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL...

Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp chính quyền thực hiện cơ chế định kỳ 3 tháng sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại để các DNNN kịp thời chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng, với tinh thần hết sức cầu thị, hết sức lắng nghe.

"Tinh thần là phải mạnh dạn hơn nữa để tạo ra đột phá mới, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không để trì trệ", Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các tổ chức tín dụng và DN có quan hệ cộng sinh, cần phát huy tinh thần linh hoạt, sáng tạo, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, nút thắt về tín dụng, nguồn vốn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp đến Trung Quốc, Mỹ và thăm chính thức Brazil

Ngày 14.9, trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết nhận lời mời của Chính phủ Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại TP.Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) từ ngày 16 - 17.9.

Dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự lễ khai mạc CAEXPO và CABIS lần thứ 20, thăm các gian hàng của VN, hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, tiếp Bí thư Khu ủy Quảng Tây Lưu Ninh và tham gia một số hoạt động đối ngoại khác.

Ngay sau đó, từ ngày 17 - 26.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ), kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.

Dự kiến Thủ tướng sẽ tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ LHQ, Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu, Hội nghị cấp cao về sẵn sàng ứng phó và phòng, chống đại dịch, hội kiến Tổng thư ký LHQ và Chủ tịch ĐHĐ LHQ, có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế.

Tại Mỹ, dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc gặp và hội kiến với lãnh đạo chính quyền, Quốc hội Mỹ, tham dự một số hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước và một số hoạt động đối ngoại khác.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến hội đàm với Tổng thống Brazil Lula da Silva; hội kiến lãnh đạo Quốc hội Brazil và một số các hoạt động quan trọng khác.

Đậu Tiến Đạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.