Doanh nghiệp ngoại sẽ được phân phối xăng dầu tại VN

20/04/2016 05:24 GMT+7

Đại diện Bộ Công thương cho biết, theo hiệp định mà Chính phủ đã ký kết, một số doanh nghiệp (DN) nước ngoài sẽ được tham gia phân phối xăng dầu tại VN khi tham gia đầu tư vào nhà máy lọc dầu tại VN.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, theo hiệp định mà Chính phủ đã ký kết, một số doanh nghiệp (DN) nước ngoài sẽ được tham gia phân phối xăng dầu tại VN khi tham gia đầu tư vào nhà máy lọc dầu tại VN. 

Theo đó, Tập đoàn Idemitsu Kosan (DN xăng dầu Nhật Bản), tham gia đầu tư Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa cùng đối tác Tập đoàn dầu khí VN (PVN), dự kiến sẽ có quyền tham gia phân phối xăng dầu khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động vào năm 2017. Được biết, Idemitsu Kosan và Kuwait Petroleum International đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thành lập DN tại VN, trong đó liên doanh này được phép phân phối xăng dầu. Ngoài ra, Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) cũng đã ký văn bản ghi nhớ việc hợp tác chiến lược với Tập đoàn JX Nippon Oil and Energy (Nhật Bản). JX Nippon Oil and Energy dự kiến sẽ cùng Petrolimex liên doanh để triển khai dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong.
Về quy hoạch cụ thể, hiện chưa DN nước ngoài nào được cấp phép cho những địa điểm phân phối xăng dầu. Mặt khác, để được phép thiết lập hệ thống phân phối, các DN này phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Nghị định 83 như về kho bãi, số lượng đại lý… Khó khăn ở chỗ quy hoạch các vị trí đặt trạm xăng dầu hiện tại đã gần như hoàn tất, một số trạm trong khu vực đông dân cư thậm chí phải di dời do gây nguy hiểm. Đại diện Bộ Công thương cho biết, các DN nước ngoài muốn tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu sẽ phải dựa vào hệ thống phân phối sẵn có của DN trong nước, ở đây là PVN và Petrolimex.
Thị trường xăng dầu VN hiện đã có 23 thương nhân đầu mối và 69 thương nhân phân phối, tuy nhiên, thị phần lớn nhất vẫn thuộc về Petrolimex. Theo một chuyên gia trong ngành, dù muốn hay không thì theo các cam kết của VN tại các hiệp định thương mại đã ký kết, năm 2018 - 2019, thị trường bán lẻ xăng dầu VN sẽ phải mở cửa. Khi đó DN nước ngoài sẽ xuất hiện nhiều hơn, bằng cách đầu tư trực tiếp hoặc mua lại hệ thống cửa hàng xăng dầu sẵn có của DN trong nước.
GS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, nếu có sự tham gia của DN nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, thị trường này sẽ tăng sức cạnh tranh; những mặt trái như thiếu minh bạch ở thị trường xăng dầu sẽ dần được khắc phục. Theo ông Đào, cam kết mở cửa lĩnh vực xăng dầu chậm hơn các lĩnh vực khác, Nghị định 83 chưa đề cập đến việc mở cửa cho thương nhân nước ngoài phân phối, bán lẻ xăng dầu nhưng vấn đề này nên được xem xét, bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần có biện pháp quản lý tốt DN nước ngoài hoạt động kinh doanh tại VN, tránh các trường hợp gian lận, trốn thuế. 
Nhập khẩu xăng từ các thị trường ưu đãi thuế tăng mạnh
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng xăng, dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc trong 3 tháng đầu năm đạt 252.000 tấn, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do chính là do thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc hiện thấp hơn các nước khác đến 10%. Hiện nhập khẩu xăng dầu của VN chủ yếu tập trung ở những thị trường mà thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh theo các hiệp định thương mại VN ký kết. Cụ thể, trong 2,8 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu 3 tháng đầu năm, từ Singapore chiếm 1,39 triệu tấn (tăng 30,4% so cùng kỳ), từ Malaysia 451.000 tấn (tăng 3,4 lần), từ Thái Lan 274.000 tấn (chỉ tăng 6,2%)... Theo các cam kết, thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc thấp nhất 10%, thuế nhập dầu hỏa, diesel, nhiên liệu bay là 5%. Còn lại các thị trường khác trong khối ASEAN là 20% và 0% các loại dầu. Ngoài ra, lượng xăng nhập từ các nước không ưu đãi thuế như Trung Quốc giảm mạnh, đến 31% so cùng kỳ và được dự báo sẽ giảm hơn nữa trong quý 2.
Ng.Nga
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.