Doanh nghiệp ngành tiêu, điều sập bẫy vì khát đơn hàng

25/07/2023 06:29 GMT+7

5 lô hàng hồ tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi... của 4 doanh nghiệp VN xuất khẩu đến Dubai có dấu hiệu bị lừa đảo và nguy cơ mất trắng.

Năm trước, cũng các doanh nghiệp ngành này bị lừa đảo trị giá hàng trăm tỉ đồng. Vì sao mặt hàng tiêu, điều luôn là "tâm điểm" của những cú lừa?

Bị lừa gần nửa triệu USD

Ngày 24.7, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN (VPA) có văn bản chia sẻ thông tin về vụ việc 4 doanh nghiệp (DN) hội viên có nguy cơ mất hàng tại Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) khi giao dịch với cùng một đối tác. Trước đó, Hiệp hội Điều VN (Vinacas) đã có thông tin ban đầu về vụ việc do có 1 DN xuất khẩu là hội viên của cả hai hiệp hội nói trên.

Doanh nghiệp ngành tiêu, điều sập bẫy vì khát đơn hàng - Ảnh 1.

Ngành điều luôn là tâm điểm của các nhóm lừa đảo vì có giá trị cao

Q.T

Theo đó, có 5 container hàng gồm: hồ tiêu (2 lô), hạt điều, quế, hoa hồi trị giá 516.761 USD của 4 DN, xuất khẩu cho bên mua là Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (Dubai), ngân hàng thu hộ bên mua là Ajman Bank PJSC. Hiện tại, 4 lô hàng đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán tiền, trị giá khoảng 400.000 USD, còn lại 1 lô hàng hoa hồi dự kiến cập cảng ngày 26.7 trị giá 126.300 USD và bộ chứng từ gốc cũng bị mất. Do hình thức thanh toán là D/P (trả tiền để được nhận chứng từ) nên bộ chứng từ gốc bị mất khi chưa thanh toán tiền hàng dẫn đến nguy cơ lô hàng thứ 5 cũng có thể bị lấy mất như 4 lô trước.

Trong vụ việc trên, các ngân hàng VN của bên bán dùng dịch vụ DHL chuyển phát bộ chứng từ gốc tới Ngân hàng Ajman và nhân viên ngân hàng này đã xác nhận ký nhận thành công 5 bộ chứng từ. Tuy nhiên, sau đó không rõ vì lý do gì các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại Ngân hàng Ajman nên các ngân hàng VN đã liên tục yêu cầu Ngân hàng Ajman thanh toán. Nhận thấy sự trì hoãn từ phía cả ngân hàng và người mua nên các công ty xuất khẩu đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện cả 4 container hàng đều đã biến mất khỏi cảng.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA, thông tin: "Khi phát hiện vụ việc hàng đã được lấy ra khỏi cảng, người mua không liên hệ được và nay công ty cũng đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký. Vì vậy, các công ty xuất khẩu đã yêu cầu ngân hàng VN điện đòi Ngân hàng Ajman trả lại bộ chứng từ gốc và liên tục có điện truy vấn, kể cả qua các hình thức khác là email và điện thoại trực tiếp. Tuy nhiên, đến nay ngân hàng này vẫn chưa trả lời và chỉ thông báo là đã chuyển thông tin về trụ sở chính để giải quyết".

Cũng vào thời điểm này năm trước, ngành điều VN hoảng loạn vì vụ lừa đảo 100 container điều nhân xuất khẩu sang châu Âu, trị giá hàng trăm tỉ đồng. Cũng với hình thức nhờ ngân hàng thu hộ, các DN đã bị chiếm đoạt gần 40 bộ chứng từ gốc và lấy hàng ra khỏi cảng dù chưa chuyển trả tiền. Vụ việc này sau đó phải nhờ đến các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết và may mắn sau đó các lô hàng đã được thu hồi.

Doanh nghiệp ngành tiêu, điều nguy cơ mất trắng lô hàng xuất đi Dubai

Bị lừa nhưng giấu nên nhiều DN khác sập bẫy theo

Về nguyên nhân dẫn đến việc DN ngành hồ tiêu, hạt điều thường hay bị lừa đảo xuất khẩu, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Vinacas, cho biết: "Các DN hạt điều quá tin tưởng vào công ty môi giới và bỏ qua công đoạn kiểm tra thông tin đối tác. Trong vụ 100 container bị lừa xuất khẩu sang Ý, công ty môi giới hợp đồng cho 5 DN VN xuất khẩu điều là công ty đã có kinh nghiệm 15 năm hoạt động, trước đó đã nhiều lần môi giới xuất khẩu cho các DN trong nước và chưa từng xảy ra sự cố. Do không kiểm tra kỹ thông tin đối tác, nên sau đó khi có dấu hiệu lừa đảo, tìm hiểu thì được biết các thông tin, địa chỉ nêu trong hợp đồng là địa chỉ giả, hoặc không phải nơi đăng ký DN. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo đã "đánh" vào tâm lý của DN là thời điểm khó tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu lớn, nên khi có đối tác đặt vấn đề về số lượng hàng chục container, các DN đã rất phấn khởi và bỏ qua các khâu kiểm tra".

Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA: "Vụ việc 5 lô hàng của 4 DN trong nước bị mất trắng có tính chất lừa đảo rất tinh vi, nghiêm trọng, có sự liên đới trách nhiệm của cùng một người mua với cùng một ngân hàng xung quanh nghiệp vụ nhờ thu D/P. Do đó, VPA mong muốn các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ các DN lấy lại lô hàng đã bị cướp mất để hạn chế tổn thất. Quan trọng hơn là để ngăn chặn các vụ việc tương tự có thể tiếp tục xảy ra với các DN xuất khẩu giữa bối cảnh khó khăn như hiện nay".

"Có DN sau khi biết bị lừa mới kể lại, dịp Tết âm lịch họ nhận được đề nghị ký hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn hạt điều. Trong bối cảnh khan hiếm đơn hàng, họ mừng quá không ăn tết, mà huy động người làm tại địa phương vì công nhân đã nghỉ tết, trả công gấp nhiều lần để đóng gói hàng, kịp thời gian xuất", ông Bạch Khánh Nhựt cho biết thêm.

Đồng tình với nhận định này, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, nói: "Các DN ngành điều đang gặp khó khăn về vốn, thị trường hiện nay dù đã có tín hiệu hồi phục nhưng nếu so với thời điểm trước khi dịch bệnh thì vẫn chưa khả quan. Trong khi đó, vốn vay ngân hàng bị hạn chế, điều thô nhập khẩu ít hơn trước, biên độ lợi nhuận thu hẹp nên nhiều DN ngành điều cần bán được hàng trong thời điểm này".

Ông Trần Hữu Hậu, Phó tổng thư ký Vinacas, chia sẻ thêm: "Thật ra các DN ngành điều bị rơi vào bẫy không phải thiếu kinh nghiệm, mà vì tin tưởng vào các công ty môi giới, trong đó phương thức thanh toán D/P dù rủi ro nhưng lại thu hồi tiền nhanh, các DN phải liều một chút để bán được hàng. Mặt khác, một số DN có tâm lý "giấu bài", giấu thông tin, nên khi có dấu hiệu bị lừa vẫn không la lên, dẫn đến nhiều trường hợp DN khác bị lừa tiếp theo". Theo ông Hậu, trong các vụ lừa đảo đã xảy ra, có một số trường hợp bên mua thông đồng với ngân hàng bằng cách thế chấp tài sản để lấy được hàng ra, sau khi bán được thì mới trả tiền vào lại. Hành vi này trái với nguyên tắc bảo mật và trái với cam kết thanh toán hợp đồng, nhưng khi bên bán (tức là DN VN) nhận được tiền thì không kiện cáo nữa.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Công sứ tham tán thương mại tại Ý, người trực tiếp hỗ trợ DN đòi lại gần 100 container hạt điều vào năm trước, chia sẻ: "Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, DN cần chủ động tự xác minh đối tác, kiểm tra địa chỉ công ty đối tác qua các công cụ định vị, gọi video để kiểm tra nhà máy, xưởng của đối tác, nếu không tin cậy thì không xuất hàng". Ông Thanh cho hay hầu hết đối tác nhập khẩu trong vụ "lừa" 5 DN trong nước là những công ty đăng ký kinh doanh ở địa phương, rất nhỏ, không hoạt động, chỉ có 1 - 2 người làm việc. Có công ty ở giữa cánh đồng, không hoạt động sản xuất. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.