Doanh nghiệp mong giãn thủ tục

22/04/2021 00:00 GMT+7

Chính phủ tiếp tục gia hạn nộp thuế trong năm nay để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 . Nhưng vấn đề doanh nghiệp cần hơn là tháo gỡ thủ tục và tiếp cận vốn vay ưu đãi.

Doanh nghiệp “không quan tâm giãn thuế”

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tờ trình trước đó của Bộ Tài chính cho biết tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế đợt này ước khoảng 115.000 tỉ đồng.
Mặc dù cũng hoan nghênh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhưng theo bà Cecile Le Phạm, Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex, thực tế nhiều DN không quan tâm lắm đến việc giãn thuế. Vì nếu không có tiền để đầu tư sản xuất, đơn hàng không có để kinh doanh thì cũng không phải đóng thuế. Cụ thể năm 2020, công ty này ráng cầm cự, giữ chân công nhân để chờ những đơn hàng mới, vẫn đầu tư mở rộng và hiện tại đang có những đơn hàng may áo jacket cho khách châu Âu từ Myanmar trị giá 1 - 1,5 triệu USD. Dù vậy Dacotex không dám nhận vì không thể vay được tiền để mua trả trước nguyên vật liệu, trong khi giá nguyên vật liệu của ngành may đang tăng liên tục. “Đến nay các gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỉ đồng của Chính phủ nghe lớn vậy nhưng những DN sử dụng cả 2.000 lao động như chúng tôi vẫn không thể tiếp cận được vốn vay để xoay vòng vốn. Hiện tại, hạn mức tín dụng áp với tài sản thế chấp vay quá thấp, tài sản có 10 đồng, ngân hàng chỉ duyệt cho vay 5 đồng là tối đa, muốn vay thêm đủ trả tiền hàng là không thể”, bà Cecile Le Phạm nói.
Tương tự, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Liên Bang Travel, cũng cho rằng gói hỗ trợ giãn thuế chỉ dành cho các DN vẫn còn đang hoạt động, có doanh thu và lợi nhuận. Còn đối với những DN đặc biệt khó khăn như ngành lữ hành, lưu trú… thì hầu như đã “chết lâm sàng”, thu nhập không đủ bù chi phí thì không liên quan đến kéo dài thời hạn nộp thuế. Công ty chỉ mong thị trường sẽ sớm hồi phục, Chính phủ gia tăng các gói kích cầu để người dân tăng chi tiêu, đi du lịch, từ đó mới giúp các DN lữ hành, vận tải, nhà hàng… tăng doanh thu, tạo công ăn việc làm cho nhân viên.

Thủ tục vẫn gây khó

Bà Cecile Le Phạm chia sẻ trong năm khó khăn vừa qua do đại dịch, công ty vẫn cố gắng không để công nhân nào nghỉ việc. Tuy nhiên, DN vẫn không vay được tiền với lãi suất thấp mà Chính phủ đã công bố để trả lương cho người lao động do các quy định DN phải không còn tiền sau khi sử dụng hết các khoản dự trữ, mới được vay. “Giai đoạn này là giai đoạn tốt nhất để DN phục hồi, cơ hội lấy những đơn hàng từ các nước khi nhu cầu mua hàng của thế giới đang tăng trở lại. Theo tôi, sự hỗ trợ lớn nhất cho DN, đặc biệt với DN dệt may là nới hạn mức tín dụng cho vay đối với những hồ sơ DN tốt, có tài sản ổn định, vượt qua khó khăn được ghi nhận… hạn mức có thể lên 65 - 70% so với tài sản thế chấp. Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ cho vay lãi suất thấp nhất có thể để trả lương cho công nhân, bảo đảm mức sống cơ bản cho họ và phải cắt bỏ các thủ tục gây khó khăn”, bà Cecile Le Phạm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Vina CHG, bổ sung, có hai khó khăn mà DN không thể tiếp cận được gói hỗ trợ, nhất là việc được vay vốn lãi suất 0% để trả lương. Đó là quy định điều kiện hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc. Trong đó có quy định DN không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác do ảnh hưởng bởi Covid-19. Ông Hồng nói thẳng: “DN tồn tại được đến lúc này họ không thể “tay không bắt giặc”, họ vẫn có tài sản để tồn tại. Vậy quy định trên là làm khó khiến DN không thể vay trả lương cho nhân viên trong giai đoạn khó khăn”.
Năm nay, tình hình còn khốc liệt hơn do khó khăn kép: đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường và tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao. Đồng thời, chi phí logistics tăng mạnh, xuất khẩu gặp khó vì thiếu container rỗng trong khi giá mua nguyên vật liệu nhập làm trong các ngành giấy, in, may mặc... tăng đến 20%. Trong bối cảnh đó, DN lại khan hiếm nguồn tiền trầm trọng, đầu tư mở rộng sản xuất quá khó khăn trong khi cơ hội đang có. Thế nên, gói hỗ trợ Chính phủ đối với DN lúc này là giảm lãi suất, bỏ những rào cản quy định về hạn mức vay, về số công nhân lao động, về quy mô. Không phải cứ DN sử dụng nhiều lao động mới gọi là lớn, đặc biệt hướng đến số hóa thì vốn cần đầu tư chất xám, máy móc chứ không đơn giản chỉ là lương công nhân nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.