Doanh nghiệp - mắt xích quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

20/06/2020 08:00 GMT+7

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Đà Lạt (Lâm Đồng) khi trao đổi với chúng tôi xung quanh câu chuyện về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện nay của nhà trường.

Nhà trường - doanh nghiệp bắt tay

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, phát triển mối quan hệ nhà trường - doanh nghiệp (DN) để chủ động và tăng cường liên kết trong đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp (KNNN) là vấn đề thiết yếu trong GDNN, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay. Hiện nay, nguồn nhân lực kỹ thuật cao hầu hết xuất phát từ các trường đào tạo khối kỹ thuật, tuy nhiên, việc đào tạo tại nhiều cơ sở GDNN đã có sự chuyển biến giữa lý thuyết và thực hành, các cơ sở GDNN đã tăng cường thực hành cơ sở nhưng chưa thể đáp ứng việc đào tạo chuyên sâu về KNNN với các trang thiết bị hiện đại tương đồng với hoạt động thực tiễn tại DN.
Chính vì vậy, cần có sự hợp tác giữa nhà trường và DN trong đào tạo kỹ năng thực hành nghề nghiệp, để nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Gắn kết giữa nhà trường và DN có nhiều ưu điểm như người học nghề được học những nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của DN; các kiến thức và kỹ năng nghề mà người học được đào tạo đáp ứng được lợi ích của cả người học và người sử dụng lao động. “Việc gắn kết đào tạo làm tăng mối quan hệ hiểu biết giữa nhà trường và DN. Cơ sở GDNN không phải tăng đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị thực hành, người học có thể tiếp thu bài học nhanh hơn. Về phía DN có thể sử dụng được những học sinh học nghề để tạo ra những sản phẩm mới hoặc có cơ hội lựa chọn được những người lao động có ý thức, kỷ luật và kỹ năng tay nghề tốt cho mình, giảm hiện tượng phải đào tạo lại cho phù hợp với thực tiễn tại DN”, bà Hạnh nói.
Cũng theo bà Hạnh, để phát triển bền chặt mối quan hệ giữa nhà trường - DN thì về phía nhà trường cần chủ động xác định ngành nghề đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, quy mô đào tạo, xây dựng văn hóa chất lượng, xanh hóa môi trường đào tạo trên cơ sở năng lực của cơ sở và phù hợp nhu cầu của DN. Đồng thời đổi mới phương pháp, quy trình đào tạo, lấy người học nghề làm trung tâm và nhu cầu của DN làm định hướng đào tạo. Trong khi đó, về phía DN cũng cần chủ động phối hợp với các cơ sở GDNN trong đào tạo kỹ năng, hỗ trợ đầu tư, phát triển cơ sở GDNN tại DN; đẩy mạnh dạy nghề tại chỗ và bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động...

Hợp tác với 200 doanh nghiệp

Ông Trương Duy Việt, Trưởng phòng đào tạo Trường cao đẳng nghề Đà Lạt, cho biết, nhằm tạo sự khác biệt trong đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học và người tuyển dụng, hơn 10 năm qua, nhà trường đã bắt tay hợp tác với 200 DN trong và ngoài tỉnh để thực hiện chương trình đào tạo.
Cũng theo ông Việt, có nhiều hình thức hợp tác giữa nhà trường và DN, như tổ chức cho học sinh sinh viên (HSSV) thực tập, DN hỗ trợ đầu tư trang thiết bị thực tập nghề cho cơ sở GDNN; DN đặt hàng cơ sở GDNN đào tạo và các hoạt động hợp tác khác để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường và DN phối hợp để HSSV sau khi học lý thuyết tại trường được thực tập, thực hành tại DN và tổ chức cho giáo viên đi thực tế tại các công trình, trực tiếp hướng dẫn sinh viên ngay tại xưởng. Hình thức đào tạo theo hợp đồng đang trở thành xu hướng hiện nay trong hợp tác giữa nhà trường và DN thông qua việc thống nhất từ khâu tuyển sinh, nội dung, mục tiêu, chương trình đào tạo, đến mô hình dạy nghề. Ngoài sự hợp tác trong đào tạo, giữa nhà trường và DN còn có sự phối hợp tư vấn nghề nghiệp cho HSSV. Về phía DN, đó là tư vấn về những công việc, những yêu cầu mà một người lao động cần có, để từ đó HSSV có thể lựa chọn nghề học phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Về phía nhà trường, đó là tư vấn, giới thiệu về khả năng thu hút lao động của DN; tạo điều kiện cho HSSV tiếp cận các thông tin về DN để họ có thể đến làm việc trước và sau khi tốt nghiệp...
HSSV đang thực hành tại xưởng của Trường cao đẳng nghề Đà Lạt

HSSV đang thực hành tại xưởng của Trường cao đẳng nghề Đà Lạt

Ông Đặng Tấn Được, Phó giám đốc điều hành khách sạn nghỉ dưỡng Terracotta Dalat, chia sẻ: Khách sạn của chúng tôi được khách hàng đánh giá là một trong những khách sạn nghỉ dưỡng có chất lượng dịch vụ tốt nhất hiện nay tại Đà Lạt. Khách sạn có 300 phòng, năm 2019 công suất phòng bình quân đạt 70%, lượng khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ khá cao. Để đạt được kết quả trên thì yếu tố chất lượng nguồn nhân lực đã quyết định đến sự thành công. Để nguồn nhân lực có chất lượng như mong muốn mà chi phí tuyển dụng thấp và đặc biệt là luôn chủ động được nguồn nhân lực đó là sự hợp tác đào tạo giữa khách sạn với Trường cao đẳng nghề Đà Lạt trong những năm qua đã đạt đến mức hoàn thiện và bền vững.
“Chúng tôi cùng với nhà trường điều chỉnh, xây dựng nội dung chương trình đào tạo, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo chung, trao đổi các thông tin nhu cầu về nguồn nhân lực trong thời điểm hiện tại và tương lai. Đồng thời sắp xếp cán bộ quản lý về nghiệp vụ tham gia đào tạo tại trường, tạo cơ hội tiếp nhận sinh viên thực tập kết thúc môn, kết thúc khóa học. Trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp, chúng tôi phân công người phụ trách chịu trách nhiệm trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ thực tế đồng thời hỗ trợ cho sinh viên thực tập 2 triệu đồng/tháng. Sau thời gian thực tập, khách sạn cũng tiếp nhận luôn sinh viên vào làm việc. Từ những hợp tác này, khách sạn luôn yên tâm có một nguồn nhân lực vững chắc hỗ trợ khi mình có nhu cầu. Tham gia vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư, phát triển bước đầu, khách sạn được hưởng lợi khi chất lượng sản phẩm đào tạo của Trường cao đẳng nghề Đà Lạt được đảm bảo”, ông Được chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.