Doanh nghiệp lại than trời vì hoàn thuế chậm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
02/03/2024 07:09 GMT+7

Câu chuyện doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng và rơi vào tình trạng khó khăn tài chính kéo dài vẫn chưa có hồi kết.

Doanh nghiệp nội, ngoại đều kêu

Ông Trương Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Cao su VN, chán nản khi nói về việc đi hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Là đơn vị chuyên kinh doanh xuất khẩu mặt hàng cao su tự nhiên, việc chậm trễ hoàn thuế hơn 60 tỉ đồng đã khiến công ty rơi vào tình trạng duy trì hoạt động nhưng không thể thực hiện xuất khẩu hàng vì càng xuất thì số thuế đóng càng tăng lên mà không biết khi nào mới được hoàn lại. Đến nay tình trạng đóng cửa công ty đã rất cận kề. Thời gian làm hồ sơ hoàn thuế của công ty ông Trương Văn Bắc kéo dài rất lâu.

Cụ thể, tháng 5.2023, công ty nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế của 2 kỳ hoàn thuế tháng 10.2021 (từ tháng 7 - 10.2021 và tháng 11.2021). Dù quy định chậm nhất là 40 ngày phải giải quyết nhưng đến nay, hồ sơ của công ty vẫn không được giải quyết. Chi cục Thuế Q.Phú Nhuận thì nói đã chuyển hồ sơ lên Cục Thuế TP.HCM. Liên lạc với Cục Thuế TP.HCM thì được trả lời là không trực tiếp quản lý hồ sơ công ty, mọi thắc mắc liên lạc với Chi cục Thuế Q.Phú Nhận để được giải đáp.

Doanh nghiệp lại than trời vì hoàn thuế chậm- Ảnh 1.

Làm thủ tục tại Chi cục Thuế Q.1 (TP.HCM)

NGỌC DƯƠNG

"Việc đùn đẩy và không giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT của cơ quan thuế cho kỳ hoàn từ năm 2021 kéo dài đã làm tồn đọng lũy kế số thuế GTGT rất lớn, đến nay đã hơn 60 tỉ đồng. Điều này đẩy doanh nghiệp (DN) nhỏ như chúng tôi đến mức kiệt quệ về tài chính, không còn khả năng duy trì hoạt động kinh doanh, mất khách hàng, mất thị trường sau bao nhiêu năm gầy dựng", ông Trương Văn Bắc bức xúc.

Theo ông Bắc, điều trớ trêu là tiền thuế GTGT không được hoàn, nhưng công ty ông vẫn phải vay mượn để trả tiền thuế thu nhập DN. Nếu không, cơ quan thuế sẽ tính lãi nộp chậm, quá hạn sẽ thu hồi, treo mã số thuế. "Thử hỏi tiền thuế GTGT bị ngâm hơn 2 năm qua thì cơ quan nào chịu trách nhiệm trả lãi phát sinh?", ông Bắc đặt câu hỏi.

Tương tự, hồ sơ hoàn thuế của Công ty CP Fococev VN (Công ty Fococev) cũng kéo dài thời gian khá lâu. Cuối tháng 1.2024, Hiệp hội Sắn VN có công văn gửi Tổng cục Thuế sau khi nhận được công văn gửi từ hội viên là Công ty Fococev kiến nghị có 29 hồ sơ cho các kỳ hoàn thuế từ tháng 6.2020 - 2.2023 với số tiền đề nghị hoàn là khoảng 355 tỉ đồng; có 2 hồ sơ cho kỳ hoàn thuế tháng 5.2023 và tháng 9.2023 với số tiền đề nghị hoàn là khoảng 11 tỉ đồng. Đến nay, với hồ sơ đề nghị hoàn 355 tỉ đồng, Cục Thuế TP.HCM đã kiểm tra xong, đủ điều kiện hoàn thuế nhưng vẫn chưa giải quyết hoàn thuế cho Công ty Fococev.

Để tạo điều kiện cho hội viên vượt qua tình hình kinh tế khó khăn, Hiệp hội Sắn VN đề nghị Tổng cục Thuế có ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM giải quyết hoàn thuế cho Công ty Fococev. Sau khi nhận công văn của Hiệp hội Sắn VN, Tổng cục Thuế mới đây chuyển công văn này cho Cục Thuế TP.HCM.

Trong buổi đối thoại với Bộ Tài chính mới đây về thuế và hải quan, đại diện các DN Hàn Quốc cũng phản ảnh việc chậm hoàn thuế GTGT là vướng mắc của các DN nước này trong thời gian qua.

Vẫn khổ vì "quýt làm cam chịu"

Từ cuối năm 2023, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) có công văn gửi Văn phòng Chính phủ nêu các vướng mắc, khó khăn, trong đó có khó khăn trong kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với hóa đơn của cơ sở kinh doanh bỏ trốn, ngừng hoạt động, bị đóng mã số thuế, cưỡng chế hóa đơn.

Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN thời gian qua gặp vô vàn khó khăn, trong đó nhiều DN buộc phải đóng cửa, rời bỏ thị trường, bị đóng mã số thuế hoặc nghiêm trọng hơn là chủ DN bỏ trốn dẫn đến các DN từng nhận hóa đơn của các DN này đều rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" và đứng trước nguy cơ bị cơ quan thuế ra quyết định xử phạt vì hành vi "khai sai".

Thực tế DN không thể biết trước được việc đối tác bán hàng đã bị đóng mã số thuế, ngừng hoạt động hoặc bỏ trốn. Trường hợp biết thì DN mua hàng buộc phải loại hóa đơn đó ra và dù có kê khai hay không kê khai thì DN mua hàng vẫn là bên chịu thiệt thòi trong khi rõ ràng lỗi không phải của mình (cá biệt có hóa đơn chỉ vài trăm ngàn nhưng mức phạt lên đến vài chục triệu đồng).

Với mỗi tờ hóa đơn GTGT không được hoàn thuế thì đồng nghĩa DN mất 10% thuế và có thể phát sinh thêm thuế thu nhập DN, chưa kể nếu nộp chậm sẽ bị phạt vi phạm. Từ đó, VASEP kiến nghị theo quy định hiện hành khi DN xuất hóa đơn thì cơ quan thuế tiến hành xác minh và cấp mã. Hóa đơn đó phải được coi là hợp lệ và DN phải được hoàn thuế. Cơ quan thuế cần có giải pháp phù hợp để phát hiện kịp thời những DN bỏ trốn, bị đóng mã số thuế. Đối với các DN kinh doanh có hợp đồng đầy đủ, thực tế có mua hàng, có thanh toán và hóa đơn đã được xuất hợp lệ thì không nên yêu cầu DN mua hàng phải giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn đó để được khấu trừ hoàn thuế GTGT.

Tại Công văn 1432 ngày 2.2.2024 trả lời những kiến nghị của VASEP, Bộ Tài chính cho rằng để kịp thời ngăn chặn hành vi gian lận trong hoàn thuế, cơ quan thuế phối hợp các cơ quan liên quan để kiểm tra xác minh các hồ sơ hoàn thuế có dấu hiệu rủi ro cao, đây là biện pháp cần thiết và là một trong các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan thuế. Khi DN đáp ứng đầy đủ điều kiện hoàn thuế thì được hoàn thuế GTGT theo quy định pháp luật. Cơ quan thuế đã áp dụng quản lý rủi ro trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình hoàn thuế.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế GTGT, quản lý thuế và hóa đơn điện tử cùng các pháp luật có liên quan để hạn chế, ngăn chặn được tình trạng thành lập DN ma để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử nhằm gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc xác minh hóa đơn là chuyện nội bộ ngành thuế nhưng vẫn phải đảm bảo quy định của pháp luật là giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho DN trong vòng 40 ngày. Ông đặt câu hỏi làm sao DN có thể biết được đối tác bỏ trốn hay không nộp thuế?

Những hóa đơn nào nghi ngờ chờ xác minh thì để qua một bên, giải quyết những hóa đơn còn lại trong hồ sơ hoàn thuế nhằm đảm bảo thời gian theo quy định pháp luật, đồng thời hỗ trợ DN nhận tiền hoàn thuế nhanh hơn, đáp ứng nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang

"Những hóa đơn nào nghi ngờ chờ xác minh thì để qua một bên, giải quyết những hóa đơn còn lại trong hồ sơ hoàn thuế nhằm đảm bảo thời gian theo quy định pháp luật, đồng thời hỗ trợ DN nhận tiền hoàn thuế nhanh hơn, đáp ứng nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, hiện nay cơ quan thuế đã có quy định phân nhóm DN rủi ro nhằm tránh gian lận hoàn thuế. Do đó, cần tuân thủ đúng quy định 40 ngày trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế đối với DN", ông Trần Xoa nhấn mạnh.

Tổng cục Thuế cho biết trong năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 17.751 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 135.875 tỉ đồng, bằng 84,9% ước thực hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, bằng 95% cùng kỳ năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.