Doanh nghiệp khó vay vốn hay không dám vay?

22/06/2023 06:23 GMT+7

Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay quá thấp và được Ngân hàng Nhà nước lý giải do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan nhưng thực tế các doanh nghiệp vẫn than khó vay vốn.

Doanh nghiệp bị giảm hạn mức, khó vay

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho hay cuối tuần rồi ông có dự buổi tọa đàm thường kỳ giữa các doanh nghiệp (DN) của Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA). Tại đây, rất nhiều DN cho biết họ vẫn không thể tiếp cận được vốn. Vì vậy theo ông, số DN không có nhu cầu vay do sản xuất giảm, thu hẹp hoạt động… sẽ không thể nhiều. Đơn cử, về phía công ty du lịch Vietravel, các hợp đồng tín dụng trước đây đều bị cắt hạn mức tín dụng chỉ còn khoảng 30 - 50%. Thậm chí, một số hợp đồng không được gia hạn nên buộc DN phải trả hết nợ. Còn đối với Hãng hàng không Vietravel Airlines thì hoàn hoàn không thể vay được vốn từ ngân hàng (NH) do thua lỗ kể từ khi đại dịch Covid-19 đến nay. Cả hai lĩnh vực du lịch và hàng không đều bị các nhà băng đánh giá có tỷ lệ rủi ro cao nên chỗ không cho vay, chỗ giảm mạnh hạn mức cho vay. Trong khi đó, nhu cầu vốn để hoạt động của công ty là thường xuyên và khá lớn.

Doanh nghiệp khó vay vốn hay không dám vay? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp bị giảm hạn mức tín dụng, khó vay vốn

Ngọc Thắng

"Vấn đề lãi suất (LS) cao khiến nhiều DN không muốn vay vì lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi là có nhưng không phải là mấu chốt. Nhiều DN như chúng tôi vẫn chấp nhận trả lãi cao nhưng cũng không được NH cho vay. Vay tín chấp cũng không được? Vay theo hợp đồng đã ký với đối tác cũng không xong. Đại dịch Covid-19 là vô tiền khoáng hậu nên cần phải có những chính sách khác biệt, mang tính đột phá hơn so với lúc bình thường thì mới gọi là hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Còn các NH đều vẫn giữ nguyên mọi điều kiện cho vay thì sẽ có nhiều DN khó "vượt" rào cản này. Chỉ riêng TP.HCM nếu muốn kinh tế hồi phục, tăng trưởng trở lại thì phải giải tỏa được vấn đề tín dụng cho DN vì bây giờ các đơn vị như thiếu ô xy, không thể hoạt động được gì", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã có công văn số 59/CV-VASEP tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn có liên quan cho ngành thủy sản trong giai đoạn hiện nay. Công văn nêu rõ DN thủy sản chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu thường vay USD. Từ quý 3/2022, nhiều NH đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng LS vay USD từ 2,1 - 2,8% lên 3 - 3,3% và thậm chí đến 4,5%, và hiện tại thì đa phần đang ở mức cao 4,1 - 4,9%, có những DN cao hơn 5%. Bên cạnh đó, một vấn đề đáng quan ngại nữa là việc "siết tín dụng", hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó. Đồng thời, nếu tính thêm hàng loạt chi phí khác như phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD),… VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và NH Nhà nước (NHNN) quan tâm xem xét giảm LS vay USD xuống dưới 4% và LS vay tiền đồng xuống dưới 7% để hỗ trợ DN xuất khẩu. Đồng thời cho các DN thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng đối với các khoản vay đến lịch phải trả trong quý 2 - 3/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức để DN có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông - ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo.

Chia sẻ thêm, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho rằng những DN trước đây đã khó tiếp cận vốn vì nhiều lý do thì nay càng khó thêm. Trong khi đó, nhiều DN lại bị giảm hạn mức tín dụng khi doanh thu giảm, xuất khẩu gặp khó khăn. Tuy nhiên, DN ngành thủy sản lại đang rất cần lượng vốn lớn để mua nguyên liệu, tích trữ hàng chờ thị trường tăng trở lại. Nhiều NH nói là dư vốn nhưng khá chung chung, khi DN đến vay thì vẫn khó. "Chúng tôi cũng hiểu NH cũng là một DN nhưng trong giai đoạn khó khăn hiện nay cũng cần có động tác hỗ trợ nhiều hơn. Chẳng hạn nên lắng nghe, đánh giá sâu hơn về tình hình hoạt động của từng DN ở từng ngành nghề, địa phương chứ không phải đánh giá chung chung như trước. Nếu như chờ đến khi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trở lại mới bơm tiền, cho vay vốn thì đã muộn và không còn ý nghĩa gì với nhiều DN bởi khi đó chính bản thân họ đã có dòng tiền dồi dào. Vốn, tín dụng, LS vay đang là áp lực lớn và căng thẳng nhất hiện nay với ngành hàng", ông Hòe nói.

Kẹt vốn nhưng không dám vay

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty Hoàng Dũng (TP.HCM), nói thẳng: "DN thì lúc nào mà không có nhu cầu về vốn, không những cần mà quá cần". Nhưng sở dĩ DN không dám vay vì nguồn vốn mồi hiện nay không có, nhất là những công ty xuất khẩu đang bị kẹt tiền hoàn thuế như bên ông. Không có vốn thì làm sao DN lên phương án kinh doanh, hay nhận hợp đồng xuất khẩu từ nước ngoài. Thử nhìn vào con số thuế giá trị gia tăng vẫn chưa được hoàn trả cho các công ty hiện nay lên hàng nghìn tỉ đồng thì sẽ thấy được DN khó khăn như thế nào. Nếu gỡ được chỗ này sẽ là động lực khơi thông cho DN để tính đến các hoạt động làm ăn. "NHNN đã 4 lần giảm LS điều hành và NH thương mại sẽ cần thời gian giảm LS huy động, từ đó kéo giảm LS cho vay. DN hiện nay cũng kỳ vọng LS cho vay sẽ giảm. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cần tháo gỡ cho các DN có được nguồn vốn mồi, nhận lại tiền hoàn thuế sớm để nhanh chóng lên phương án hoạt động kinh doanh", ông Nguyễn Quang Vinh cho hay.

Còn theo ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, bản thân công ty ông đã tiếp cận được gói hỗ trợ LS 2%, nên lãi đang trả cho phía NH là 7%/năm. Đây là hợp đồng vay dài hạn xây dựng nhà xưởng, thiết bị máy móc nên mức LS này chấp nhận được. Tuy nhiên, sức tiêu thụ trên thị trường hiện nay giảm 20 - 30% nên những DN còn cầm cự lại cũng hết sức khó khăn. Đối với DN ngành cơ khí thì nếu không mở rộng nhà xưởng cũng sẽ tác động đến doanh thu, trong khi chi phí cố định thì không thể cắt giảm, dẫn đến một số đơn vị kinh doanh không có lợi nhuận. DN khó khăn như vậy nên nhu cầu vay vốn cũng sụt giảm hơn nhiều so với trước.

Tại buổi họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ hôm qua (21.6), ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, cho biết với thanh khoản hệ thống dồi dào, các NH sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Sở dĩ khả năng hấp thụ vốn yếu, bởi nhiều nguyên nhân, có từ NH, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong và ngoài nước. DN hiện nay khá khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số công ty phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hóa tăng. Sức mua cũng suy yếu dẫn tới nhu cầu vay vốn thấp. "Các NH sẽ tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận tín dụng trong thời gian tới nhưng đảm bảo không hạ chuẩn cho vay bởi nợ xấu trong NH đã bắt đầu tăng", ông Đào Minh Tú cho hay.

Theo NHNN, dư nợ tín dụng tăng trưởng đến ngày 15.6 đạt 12,32 triệu tỉ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Mức tăng trưởng tín dụng 3,36% vẫn chưa nhanh như kỳ vọng, mục tiêu tăng trưởng đề ra năm 2023 là 14 - 15%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.