Doanh nghiệp Hà Nội giải thể, ngừng hoạt động tăng

Mai Hà
Mai Hà
05/07/2022 11:57 GMT+7

Số doanh nghiệp của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm thực hiện thủ tục giải thể tăng 13% và đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 51%.

Sáng 5.7, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Hà NộiĐinh Tiến Dũng cho biết, thành phố đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, trở lại trạng thái bình thường mới trong nhiều tháng trở lại đây.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng

M.h

Cụ thể, kinh tế phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP quý 2/2022 tăng 9,49% (cả nước tăng 7,72%), cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4 - 6,9%). Tính chung 6 tháng đầu năm GRDP tăng 7,79% (cả nước tăng 6,42%), gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%).

Theo ông Dũng, Thành uỷ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết tập trung đầu tư các lĩnh vực văn hóa - xã hội, dự kiến phân bổ kế hoạch vốn giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo cho ba lĩnh vực này là 49.203 tỉ đồng.

Về tồn tại hạn chế trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với kỳ vọng. Thành phố còn 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đó là số trường công lập đạt chuẩn quốc gia; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 10%, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%).

CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,25%- cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, thu hút đầu tư còn chậm. Bên cạnh sự cải thiện xếp hạng của Chỉ số PAPI và Chỉ số SIPAS, các chỉ số PCI giảm 1 bậc, PAR Index giảm 2 bậc so với năm 2020.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh nhiều tồn tại, hạn chế lâu nay chưa được khắc phục triệt để, như ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững, một số khu vực nông thôn còn chưa được thu gom và xử lý triệt để, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, cụm công nghiệp, làng nghề chậm tiến độ.

Tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng; việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử, công tác quản lý tài sản công trên địa bàn còn nhiều bất cập; việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do T.Ư và địa phương khác quản lý trên địa bàn Thủ đô vẫn còn chậm…

Ông Dũng đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, nhằm phát huy mọi nguồn lực của thành phố, khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của 6 tháng còn lại và cả năm 2022.

Về dự án Vành đai 4, theo Bí thư Hà Nội, tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với tỷ lệ thống nhất rất cao (95,18%).

Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và rất cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường.

Về tiến độ, hiện thành phố đã họp bàn về kế hoạch triển khai dự án, lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm cụ thể để đạt tiến độ, từ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường bảo đảm phù hợp quy hoạch và khai thác được quỹ đất, kết nối giao thông…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.