Doanh nghiệp giúp nông dân làm giàu

17/11/2015 08:00 GMT+7

Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu (Mochaumilk) luôn thể hiện vai trò của một “bà đỡ”, giúp các trang trại bò sữa yên tâm làm giàu, đồng thời tạo cơ hội để người nông dân trồng ngô có thu nhập cao hơn từ cánh đồng.

Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu (Mochaumilk) luôn thể hiện vai trò của một “bà đỡ”, giúp các trang trại bò sữa yên tâm làm giàu, đồng thời tạo cơ hội để người nông dân trồng ngô có thu nhập cao hơn từ cánh đồng.

 
Ông Trần Công Chiến nhận Giải thưởng 'Bông lúa vàng Việt Nam' và danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” Ông Trần Công Chiến nhận Giải thưởng "Bông lúa vàng Việt Nam" và danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông”
Trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) hiện có 18.000 con bò sữa với những nguồn giống từ Hà Lan, Mỹ, Australia đang ngày ngày “đẻ” ra thứ “vàng trắng”, làm giàu cho gần 600 gia đình nông dân chăn nuôi bò sữa nơi đây. Cao nguyên có độ cao 1.050 m so với mực nước biển này đang “sở hữu” hàng chục tỉ phú nuôi bò, mỗi ngày bỏ túi vài triệu đồng; nhiều chủ trại bò có của ăn của để, được xếp vào hàng triệu phú.
“Bùa hộ mệnh” của người nuôi bò
Có được những thành tựu như ngày hôm này chính là nhờ những người lãnh đạo công ty đã mạnh dạn thực hiện mô hình “khoán hộ”, giao bò về cho các gia đình nuôi và thực tế đã chứng minh đây chính là bước đột phá để vực dậy công cuộc nuôi bò sữa ở Mộc Châu từ đầu những năm 90. “Ngay khi thực hiện chương trình khoán hộ, tôi được nhận nuôi 20 con bò sữa. Tiền mua bò được công ty tạo điều kiện cho trả dần từ nguồn tiền bán sữa. Những người nhận khoán bò sữa như tôi đã tận tâm tận lực với đàn vật nuôi, thậm chí khi bò ốm, hai vợ chồng mắc màn ra gần chuồng bò để chăm bẵm với hy vọng sẽ được đổi đời nhờ vào những dòng sữa trắng”, ông Lâm Thanh Trân, một tỉ phú nuôi bò sữa tại Mộc Châu, nhớ lại.
Mochaumilk vừa vinh dự được nhận cú đúp giải thưởng, gồm: Giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ 2 và danh hiệu "Doanh nghiệp vì nhà nông" lần thứ nhất. Đây là những phần thưởng cao quý do Bộ NN - PTNT trao tặng, nhằm biểu dương, tôn vinh những đóng góp tích cực của công ty trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Ông Trân cho biết, ông và những người nuôi bò sữa còn được công ty giúp sức thông qua một loạt các chương trình, mô hình hỗ trợ thiết thực như: bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm vật nuôi và giá sữa, hỗ trợ giá đối với thức ăn tinh bột và cỏ Alfalfa, cho vay 50 - 70% số vốn để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, hỗ trợ phần lớn các chi phí khuyến nông, tiêm phòng và thụ tinh nhân tạo cho bò…Họ còn được thưởng “nóng” 500 - 800 đồng/kg sữa nếu trang trại đạt sản lượng sữa cao và chất lượng tốt, nên yên tâm sản xuất và có điều kiện mở rộng chăn nuôi, lợi nhuận thu về ngày một tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Hải (thôn Vườn Đào) nói rằng, Quỹ bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm giá sữa đang “nắm trong tay” trên 10 tỉ đồng, chính là “bùa hộ mệnh” của người nuôi bò sữa ở Mộc Châu. “Hồi mới khởi nghiệp nuôi bò sữa, tôi có 4 con bò ốm chết, bị thải loại và đều đã được Quỹ bảo hiểm vật nuôi đền bù. Dịch vụ bảo hiểm rất tiện lợi, tiến hành chi trả nhanh chóng và chia sẻ được một phần không nhỏ đối với rủi ro của người dân”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, phí bảo hiểm vật nuôi tương đối “mềm”, chỉ ở mức 400.000 đồng/một con bò hậu bị/năm và 600.000 đồng/một con bò sữa/năm nhưng khi gặp rủi ro, người nuôi bò sẽ được đền bù với mức chi trả cao gấp hàng chục lần. Một con bò sữa bị chết và thải loại được quỹ “đền” lần lượt là 12 triệu đồng và 10 triệu đồng. Chủ nhân của bò hậu bị ốm chết được đền 7 triệu đồng và bị thải loại được đền 5 triệu đồng. Tiền bảo hiểm chi trả, cộng thêm tiền bán thịt bò cũng đủ để mua một con bê mới.
Những người nuôi bò sữa ở Mộc Châu cũng đều mua bảo hiểm giá sữa nên không lo lắng về giá sữa. Theo ông Phạm Văn Tế, một chủ trang trại bò sữa, khi bán sữa cho công ty, người nuôi bò trích nộp vào quỹ 50 đồng/kg sữa. Nếu giá sữa tụt giảm 30%, quỹ bảo hiểm sẽ hỗ trợ 60% số tiền sữa bị sụt giảm.
Bò sữa đang đem lại thu nhập khủng cho người chăn nuôi trên cao nguyên Mộc ChâuTrồng ngô làm thức ăn ủ ướp giúp nông dân thu lợi nhiều hơn từ đồng ruộng
Ngoài ra, Mochaumilk còn hỗ trợ tối đa cho các trang trại áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi bò sữa an toàn (VietGab). Hiện tất cả các trang trại chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu đều đạt tiêu chuẩn VietGap. “Nuôi bò sữa VietGap chúng tôi thu về toàn là sữa loại 1, loại tốt nhất nên được giá, lại được công ty thưởng cho trang trại cho sản lượng sữa cao, chất lượng tốt”, bà Phan Thị Lịch (Đơn vị 26/7), nói.
Thu nhập cao hơn từ đồng ruộng
Không chỉ là bà đỡ cho người nuôi bò sữa, việc Mochaumilk áp dụng thành công và sau đó nhân rộng kỹ thuật ủ ướp thức ăn thô xanh từ nguồn nguyên liệu là cây ngô đã giúp những người nông dân trồng ngô trong vùng và nhiều địa phương khác nâng cao thu nhập từ đồng ruộng.
Theo ông Trần Công Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Mochaumilk, hiện công ty đang cung cấp sữa tươi miễn phí cho 10 điểm trường, với trên 3000 cháu được uống sữa, trong đó có nhiều trẻ em dân tộc Mường, Mông, Thái, Dao...
Gia đình ông Đinh Văn Đặng (đơn vị Vườn Đào 1) trồng 2,5 ha ngô để ủ ướp thức ăn cho bò. Bình thường, nếu trồng ngô lấy hạt, ông Đặng và những người nông dân Mộc Châu chỉ có được một vụ thu hoạch duy nhất trong năm. Khi trồng ngô làm thức ăn ủ ướp, mỗi năm ông trồng được 2 vụ, thời gian trồng ngô làm thức ăn cho bò ngắn hơn, chỉ khoảng trên dưới 90 ngày, mật độ cây trồng dày hơn, chi phí đầu vào thấp nên nguồn lợi thu về từ đồng ruộng cũng tăng lên đáng kể. “Giá 1 kg thân, lá, bắp ngô tươi luôn ở mức trên 1.000 đồng. 1 ha ngô trồng làm thức ăn ủ ướp có thể thu về 50 - 70 tấn/vụ, đem lại cho người dân vài chục triệu đồng, cao hơn 2 - 3 lần so với trồng ngô lấy hạt”, ông Đặng nói.
Ông Hà Trung Chiến, Chủ tịch UBND H.Mộc Châu xác nhận, qua đánh giá thực tế, việc trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2 lần cho nông dân so với trông ngô lấy hạt truyền thống. Theo ông Chiến, chỉ sau một mùa vụ, người dân trên địa bàn đã thấy được hiệu quả rõ rệt nên yên tâm chuyển đổi, tham gia trồng ngô bán cho các trang trại nuôi bò. “Đây là một cách làm mới, đem lại lợi ích nhiều hơn cho bà con trồng ngô. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ngô làm thức ăn ủ ướp, tương ứng với sự phát triển của đàn bò sữa tại địa phương”, ông Chiến nói.
 Trồng ngô làm thức ăn ủ ướp giúp nông dân thu lợi nhiều hơn từ đồng ruộng   Bò sữa đang đem lại thu nhập khủng cho người chăn nuôi trên cao nguyên Mộc Châu
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 sẽ có trên 30.000 con bò sữa được nuôi trên cao nguyên Mộc Châu. Điều này đồng nghĩa với việc, diện tích trồng ngô làm thức ăn ủ ướp sẽ tăng lên gần gấp đôi hiện nay, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân. UBND huyện và Mochaumilk đã hỗ trợ nông dân trồng ngô bán cho các trang trại về giống, kỹ thuật canh tác. Mô hình trồng ngô làm thức ăn ủ ướp sẽ được áp dụng trên đồng đất các xã thuộc diện khó khăn trên địa bàn với kỳ vọng đem lại sự đổi đời cho bà con nông dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.