Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đầu tư tại Kazakhstan sẽ được hoàn trả 30% chi phí

Vũ Hân
Vũ Hân
04/09/2019 17:37 GMT+7

Tại cuộc gặp gỡ với phóng viên chiều 3.9, tân Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam cho biết, ông mong muốn doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ đầu tư tại Kazakhstan.

Theo tân Đại sứ Kazakhstan Yerlan Baizhanov, người đã đến Việt Nam nhậm chức từ tháng 6 năm nay, Kazakhstan rất chào đón các doanh nghiệp dệt may sang đầu tư và sẽ dành nhiều ưu đãi hấp dẫn.
“Chúng tôi có sẵn các nguyên liệu tốt như cotton, da, lông, nhưng chủ yếu là xuất khẩu chứ chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước. Các sản phẩm dệt may nội địa chỉ đáp ứng được 7% nhu cầu, 93% còn lại chúng tôi phải nhập khẩu. Chúng tôi biết Việt Nam được coi là “xưởng may của thế giới”, nên chúng tôi rất hy vọng doanh nghiệp Việt Nam sẽ quan tâm đến việc đầu tư sản xuất tai Kazakhstan”, Đại sứ Baizhanov nói trong cuộc gặp đầu tiên với báo chí, kể từ ngày ông nhậm chức. 
Ông Baizhanov cũng “khoe” với phóng viên chiếc cà vạt đang đeo được ông mua ở Hà Nội với giá chỉ 100.000 đồng, trong khi đó, nếu ở Kazakhstan, ông sẽ phải mua với giá 20 USD (khoảng 460.000 đồng). Đại sứ Baizhanov cho rằng, dệt may sẽ là một lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội so với dầu khí, luyện kim và xây dựng. 
Hiện Kazakhstan cũng có rất nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: miễn thuế đất; đầu tư hạ tầng (điện, nước) đến tận nhà máy; miễn thuế 5 năm và đến thời điểm chạy tối đa công suất, nhà đầu tư sẽ được Chính phủ Kazakhstan hoàn trả 30% tổng chi phí đầu tư.
“Chúng tôi có cơ chế thỏa thuận với từng dự án, từng chủ đầu tư, nên có thể có những dự án còn được ưu đãi nhiều hơn”, theo Đại sứ Baizhanov.
Tuy lương trung bình của Kazakhstan khá cao, khoảng 600 USD/tháng, nhưng ông Baizhanov cho biết, Chính phủ nước này sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư mang nhân công từ nước mình sang làm việc.
“Hiện nay, chúng tôi có khoảng 500.000 lao động nhập cư so với dân số 18 triệu người, là con số khá lớn. Chúng tôi là láng giềng của Trung Quốc và gần một quốc gia khác có tỷ lệ thất nghiệp cao là Ấn Độ, nên chúng tôi phải quản lý khá chặt đối với lao động nhập cư. Tuy nhiên, để thúc đẩy đầu tư, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho lao động nước khác sang làm việc”, Đại sứ nói.
Đối với mặt hàng may mặc, hiện Kazakhstan nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc. Tuy nhiên, không có nhà đầu tư Trung Quốc nào hiện đang đầu tư sản xuất tại Kazakhstan, dù Trung Quốc cũng là một cường quốc về may mặc. Lý giải điều này, ông Baizhanov cho rằng, một phần là doanh nghiệp Trung Quốc chỉ muốn xuất khẩu hàng vào Kazakhstan, phần khác có thể họ chưa biết đến các chính sách hỗ trợ của Kazakhstan.
Chính quyền mới của Tổng thống Kasym-Zhomart Tokaev đang có rất nhiều nỗ lực cải cách đất nước, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi với doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Trong thông điệp của Tổng thống phát đi vào ngày 2.9, ông Kasym-Zhomart Tokaev đã giao Chính phủ xây dựng khung pháp lý để miễn trừ cho các công ty kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ thuế thu nhập trong 3 năm.
Từ tháng 1.2020, Tổng thống Kasym-Zhomart Tokaev cũng “cấm 3 năm việc kiểm tra các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”. “Mọi mưu toan cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải được coi là tội chống nhà nước”, theo Tổng thống Tokaev.
Tân Đại sứ Baizhanov vốn cũng là một nhà báo. Ông tốt nghiệp đại học báo chí tại Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow (Nga) và có nhiều năm làm việc tại Nga. Ông cũng từng là thư ký báo chí của Tổng thống Kazakhstan.
Bố của ông Baizhanov từng là Tổng biên tập báo Đảng “Xã hội chủ nghĩa Kazakhstan”, Ủy viên T.Ư Đảng và đứng đầu tổ chức báo chí nước Cộng hòa Kazakhstan. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.