Doanh nghiệp dệt may hoạt động cầm chừng

16/03/2008 22:29 GMT+7

Một nghịch lý đang diễn ra với ngành dệt may Việt Nam. Đó là các đơn hàng xuất khẩu đang tăng nhanh nhưng doanh nghiệp trong nước không dám mở rộng sản xuất, thậm chí phải thu hẹp và chỉ hoạt động cầm chừng.

Sợ chi phí

Ngành dệt may Việt Nam chủ yếu đặt trọng tâm xuất khẩu và nguồn tiền thu về là USD. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,78 tỉ USD và kế hoạch năm 2008 phải đạt 9,5 tỉ USD. Tuy nhiên, tỷ giá đồng USD đang giảm mạnh so với tiền đồng khiến cho các doanh nghiệp bị thua lỗ. Công ty may Sài Gòn 3 mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu gần 1 triệu USD. Với tỷ giá USD đang giảm như hiện nay, công ty này đã mất gần 200 triệu đồng trong tháng qua. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng đã khiến cho chi phí vận chuyển tăng; nguyên liệu bông xơ cũng tăng 50% so với cuối năm 2007...

Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hội Dệt may Việt Nam, đặc biệt các thủ tục liên quan đến ngân hàng như vay tiền, mở L/C đều gặp khó khăn. "Đơn hàng không thiếu nhưng doanh nghiệp không dám nhận vì làm càng nhiều, số USD thu về càng nhiều thì càng bị lỗ. Do vậy họ chỉ hoạt động cầm chừng", ông Ân nói.

Ngoài chi phí các loại gia tăng, thiếu hụt nhân lực cũng đang là vấn đề nghiêm trọng của ngành may. Giám đốc một doanh nghiệp may tại TP.HCM cho biết, số lượng công nhân hiện nay chỉ đủ để thực hiện khoảng 70% năng lực sản xuất của công ty. Thậm chí, một vài doanh nghiệp may trên địa bàn TP.HCM cũng chưa thể hoạt động trở lại từ sau Tết Nguyên đán đến nay do không có công nhân. Trong tình hình cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực, những công ty có mức thu nhập khá và ổn định sẽ là nơi thu hút được lao động ngành may. Đó là chưa kể các doanh nghiệp nhỏ nếu hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng thì trong thời điểm hiện nay, chi phí  lãi suất cũng khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Tìm giải pháp

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, đơn hàng nhiều nhưng doanh nghiệp lại từ chối là chuyện hiếm thấy của ngành này. "Các doanh nghiệp phải chủ động thương lượng với khách hàng để chia sẻ khó khăn như tăng giá cho đơn hàng. Tuy nhiên không phải tất cả các khách hàng nước ngoài đều đồng ý tăng giá" - ông Hồng nói. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác để tiếp tục tồn tại và hỗ trợ cho hoạt động may mặc.

Một trong những giải pháp để tăng lợi nhuận của ngành may Việt Nam đang được nhắc đến là tăng cường sản xuất hàng FOB (mua đứt bán đoạn), giảm tỷ lệ hàng gia công, đặc biệt là không nhận những đơn hàng có giá quá thấp. Công ty cổ phần sản xuất thương mại may Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) từ đầu năm đến nay đã ký được hợp đồng may hàng FOB trị giá 20 triệu USD (trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng FOB cả năm 2007 là 15 triệu USD). Theo ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Garmex Sài Gòn - thị trường hàng FOB của Việt Nam còn rất rộng. Bên cạnh đó, xu hướng sản xuất hàng FOB đang dần trở nên tất yếu và điều đó bắt buộc các doanh nghiệp may Việt Nam cũng phải hướng đến giai đoạn này.

Thế nhưng, một giám đốc công ty may lại cho rằng thực chất làm hàng FOB cũng không mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Năm 2006, công ty ông đã làm hàng này. Tuy nhiên, từ mẫu mã, nguyên phụ liệu... đều do phía khách hàng chỉ định và nguồn tài chính mình phải bỏ ra nên lợi nhuận trên đồng vốn không cao. Ông Phạm Xuân Hồng thừa nhận việc sản xuất hàng FOB chỉ đang được thực hiện ở một số doanh nghiệp lớn và tỷ trọng cũng chưa cao. Để làm được loại hàng này, đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn tài chính lớn, đội ngũ nhân sự kinh nghiệm để tìm được nguồn nguyên phụ liệu phù hợp cho từng đơn hàng cũng như thương thảo về giá với khách hàng...

Thách thức cho ngành dệt  may Việt Nam trong năm 2008 đang trải ra trước mắt và việc liệu ngành này có cán đích xuất khẩu hay không chưa thể dự đoán được.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.