Doanh nghiệp cũng tranh thủ gửi tiền ngân hàng kiếm lãi

Thanh Xuân
Thanh Xuân
04/11/2023 07:09 GMT+7

Ngay trong mùa cao điểm, nhiều doanh nghiệp lại mang tiền gửi ngân hàng kiếm lời thay vì đưa số vốn này vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp gửi trên 6 triệu tỉ đồng

Có thể kể ra như Tổng công ty Khí VN (PV Gas) đang gửi ngân hàng (NH) gần 39.800 tỉ đồng vào thời điểm cuối tháng 9. Số tiền này chiếm 47% tổng tài sản của công ty và mang về cho PV Gas khoản tiền lãi 1.570 tỉ đồng, gấp gần 1,8 lần so với cùng kỳ. Trong khi lãi gửi NH tăng cao thì tình hình kinh doanh của công ty lại đang khó khăn. Doanh thu của PV Gas giảm hơn 14% so với cuối năm 2022, đạt 67.383 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 23%, đạt 9.017 tỉ đồng.

Doanh nghiệp cũng tranh thủ gửi tiền ngân hàng kiếm lãi - Ảnh 1.

Doanh nghiệp mang lượng tiền khủng gửi ngân hàng

NGỌC THẮNG

Tương tự, mặc dù giảm hơn 4.700 tỉ đồng số dư tiền gửi so với đầu năm nhưng số tiền mà Tập đoàn Hòa Phát (HPG) gửi vào NH lên hơn 29.650 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 9. Số lãi mà công ty này nhận về là hơn 1.550 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng, HPG đạt lợi nhuận sau thuế 3.381 tỉ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ.

Có số tiền gửi NH lớn đã giúp Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) thoát lỗ. Tại thời điểm cuối tháng 9.2023, MWG có khoản tiền gửi 20.250 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2022 và khoản đầu tư khác 650 tỉ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, MWG thu về 1.357 tỉ đồng tiền lãi. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, Thế Giới Di Động báo lãi sau thuế 38,8 tỉ đồng trong quý 3, giảm mạnh so với con số 906 tỉ đồng của quý 2/2022. Hay Tập đoàn Novaland sau 2 quý đầu năm thua lỗ, đã có lãi trở lại. Quý 3/2023, Novaland đạt doanh thu hợp nhất hơn 1.070 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 137 tỉ đồng. Tại thời điểm ngày 30.9, tiền và các khoản tương đương tiền của Novaland là 3.435 tỉ đồng, giảm 60% so với cuối năm ngoái. Đối với các khoản tương đương tiền, Novaland ghi nhận 2.162 tỉ đồng cuối quý, giảm 61,4% so với cuối năm 2022. Các khoản tương đương tiền là khoản gửi NH có kỳ hạn gốc từ 1 - 3 tháng và hưởng lãi suất từ 2,5 - 6%/năm.

Ngoài ra, một số công ty có lượng tiền gửi NH như Công ty CP Quốc Cường Gia Lai cùng có khoản tiền và tương đương tiền lại lên tới 47 tỉ đồng, gấp 15 lần đầu năm và hầu hết là khoản tiền gửi; Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt ghi nhận tiền trong quý 3/2023 gần 53 tỉ đồng, giảm tới 80% so với cuối năm ngoái… Đa số các doanh nghiệp (DN) gửi tiền tiết kiệm NH ở các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng là chính.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau nhiều tháng sụt giảm về mức âm so với cuối năm 2022, nay tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 1% và chính thức vượt con số 6 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong tháng 8 tăng nhanh hơn so với cá nhân, thêm 104.000 tỉ đồng so với tháng 7, lên 6,013 triệu tỉ đồng. Trong khi đó, khu vực dân cư tiếp tục tăng trưởng tiền gửi trong tháng 8 thêm 44.000 tỉ đồng. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi dân cư tăng 9,68%, trên 6,433 triệu tỉ đồng.

Dòng tiền tạm trú ẩn vào ngân hàng

Nguồn tiền gửi vào hệ thống NH vẫn gia tăng dù lãi suất tiết kiệm đã xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Hiện nay lãi suất huy động đối với khối DN kỳ hạn từ 1 - 3 tháng tầm 2,7 - 3%/năm, từ 6 - 12 tháng ở mức 4 - 4,6%/năm, trên 12 tháng ở mức 4,6%/năm. Lãi suất huy động giảm nhanh khi tăng trưởng tín dụng 9 tháng mới chỉ hoàn thành hơn 1/3 kế hoạch, chỉ tăng 6,92% vào cuối tháng 9.

Nhận xét về tình trạng DN chọn NH gửi tiền lĩnh lãi trong những tháng qua, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá điều này phản ánh DN vẫn còn khó khăn nên mới tạm thời gửi tiền ở NH có kỳ hạn 1 - 3 tháng. "Trong khi chưa có đơn hàng, dự án hay nhận thấy kênh đầu tư nào mang lại lợi nhuận trong thời điểm này, việc chủ DN chọn kênh gửi tiết kiệm NH không có gì khó hiểu", ông Thịnh nhận xét và phân tích trước bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn, trong khi vẫn phải duy trì vận hành công ty, phát sinh những chi phí như trả lương cho cán bộ công nhân viên, thuê nhà xưởng… Chọn tạm thời trú ẩn gửi vào NH nhận lãi cũng tạo thêm nguồn thu cho DN. Nhìn vào kỳ hạn mà DN chọn gửi (từ 1 - 3 tháng) cho thấy nếu có cơ hội đầu tư, có đơn hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì dòng tiền này sẵn sàng chảy ra thị trường.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, dự đoán cũng có thể DN không có nhiều đơn hàng nên buộc phải gửi tiền vào NH để chờ cơ hội mới. Thế nhưng cũng có khả năng các tổ chức kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, lượng tiền thanh toán từ đối tác về tài khoản trả cho những đơn hàng sản xuất trước đó nên có sự cải thiện hơn trước đây. Tiền mặt mà DN nhận về nhanh, trong khi chưa có thời gian lên kế hoạch sử dụng chúng sao cho có hiệu quả nhất nên tạm thời gửi NH.

Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm của khu vực dân cư hiện nay đang giảm xuống khá thấp. Các NH đang huy động từ 2,7 - 6,5%/năm ở các kỳ hạn, những kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng chỉ bằng một nửa so với thời điểm năm ngoái. Đây cũng là lúc các khoản tiền gửi kỳ hạn dài 1 năm trở lên với lãi suất cao của cá nhân đến kỳ đáo hạn. Với lãi suất thấp như hiện nay, khả năng dòng tiền này sẽ tìm kênh đầu tư để mức sinh lời cao hơn. Trong trường hợp tiền gửi dân cư chảy vào tài khoản của nhà đầu tư cá nhân mở tại các công ty chứng khoán thì lượng tiền này được tính là lượng tiền gửi cho DN. Gần đây, nhiều nhà đầu tư đã quay lại thị trường chứng khoán nên cũng có thể giúp cho dòng tiền gửi DN tăng lên.

Dù vì lý do gì nhưng việc lãi suất tiết kiệm giảm mà tiền gửi cư dân, DN đều tăng mạnh vẫn cho thấy cơ hội làm ăn ở thời điểm hiện tại chưa nhiều.

Tính đến ngày 30.9, tổng vốn huy động của các NH đạt khoảng 12,9 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022. Tổng phương tiện thanh toán tăng 4,04% so với cuối năm 2022, lên hơn 14,8 triệu tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.