Doanh nghiệp công nghệ cần làm gì khi ca mắc Covid-19 tăng lại?

Thành Luân
Thành Luân
11/11/2021 07:18 GMT+7

Tình hình dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây khiến các doanh nghiệp công nghệ lo lắng về cảnh phải “căng mình” chống dịch khi vừa quay trở lại kinh doanh .

Những ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận thêm nhiều ca mắc Covid-19 mới. Tại TP.HCM, số lượng các ca F0 tại nhà cũng trên đà tăng buộc Sở Y tế phải tăng cường các trạm y tế lưu động để nhanh chóng xử lý tình hình. Bối cảnh này dấy lên lo ngại một làn sóng Covid-19 mới quay trở lại.

Chia sẻ về những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, thiếu hụt lao động do dịch chuyển giữa các tỉnh còn hạn chế, trong khi lao động đang làm việc tại các khu sản xuất có nguy cơ mắc Covid-19 cao bởi số ca nhiễm trong cộng đồng có xu hướng tăng trở lại.

Cùng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp buôn bán trong ngành thiết bị điện tử công nghệ cho biết, việc buôn bán đang dần trở lại nhưng vẫn còn trong tình trạng "dè chừng", khi độ phủ vắc xin chưa cao trong khi tình hình ca nhiễm lại có dấu hiệu xuất hiện trở lại. Ngoài ra, sức mua hàng cũng chưa thể bằng thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Điểm sáng trong giai đoạn vừa qua là sức hút của iPhone 13 khiến cho thị trường di động khởi sắc hơn, một đại diện từ chuỗi bán lẻ ủy quyền của Apple cho biết.

Thị trường bán lẻ thiết bị công nghệ đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

C.T.V

Ngoài ra, theo chia sẻ của một doanh nghiệp dịch vụ logistics, mặc dù các doanh nghiệp trong ngành vẫn duy trì hoạt động đồng hành cùng chính quyền chống dịch trong suốt thời gian qua nhưng với chi phí vận hành tăng cao, khó khăn là điều dễ được dự báo. “Trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp logistics hiện tại chính là việc vừa phải đảm bảo thời gian giao hàng dự kiến vừa phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc an toàn 5K, điều này tạo áp lực về cả vật chất lẫn tinh thần cho cả đội ngũ", đại diện doanh nghiệp này nói.

Đáng chú ý, ngay cả những doanh nghiệp có lợi thế chuyển đổi số và hoạt động trên nền tảng công nghệ như thương mại điện tử (TMĐT) cũng không tránh khỏi các khó khăn này.

Đại diện doanh nghiệp bán lẻ trên một sàn TMĐT tại Việt Nam cho biết: “Trên thực tế, việc chuyển đổi số đã giúp các đơn vị bán lẻ như chúng tôi tìm được lối ra mới giữa đại dịch. Tuy nhiên, nếu kịch bản giãn cách xảy ra và các đơn vị sản xuất sản phẩm đầu vào ngưng trệ hoạt động thì chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến việc duy trì nguồn hàng ổn định”.

Đề cập đến vấn đề vận hành trong thời điểm dịch bùng phát vào cuối năm, đại diện một sàn TMĐT cũng cho biết: “Chúng tôi luôn sẵn sàng phương án hoạt động theo hướng tuân thủ các quy định phòng, chống dịch để đảm bảo cung ứng các hàng thiết yếu đến người dùng một cách liền mạch, nhất là vào dịp cao điểm mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, chúng tôi lo ngại việc giao nhận hàng hóa sẽ có độ trễ và ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng”.

Theo kết quả khảo sát nhanh đến ngày 27.10.2021 do Cục Thuế TP.Hà Nội thực hiện đối với 28.377 doanh nghiệp trên địa bàn TP, chỉ có 30,4% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang hoạt động bình thường, tốt; trên 25% số doanh nghiệp có khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; 30% có khó khăn do phát sinh chi phí chống dịch; trên 14% gặp khó khăn do thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch; trên 20% không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao…

Các phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay theo các chuyên gia kinh tế là hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách; nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.

Dịch vụ logistics cần được đảm bảo trong mùa dịch Covid-19

C.T.V

Riêng với TMĐT, các chuyên gia cho rằng, vì đây là xu hướng chung của thế giới và là hình thức mua sắm an toàn, hiện đại nên lĩnh vực này cần được đẩy mạnh hỗ trợ, ưu tiên phát triển về lâu dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.