Doanh nghiệp chờ ngày TP.HCM mở cửa

12/09/2021 07:10 GMT+7

TP.HCM công bố dự kiến 3 giai đoạn phục hồi kinh tế gắn liền mục tiêu kiểm soát dịch tễ an toàn (thẻ xanh/thẻ vàng Covid ) kể từ ngày 16.9 khiến các doanh nghiệp thở phào.

Chưa thể “nhẹ nhõm”

Tháo gỡ được nhiều băn khoăn sau khi tham dự Hội nghị tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp (DN), hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.HCM sau ngày 15.9 mà UBND TP.HCM vừa tổ chức ngày 10.9, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, đánh giá bản kế hoạch của thành phố xây dựng cơ bản đã đi đúng hướng, rất chi tiết, rõ ràng, mở ra hướng đi cụ thể để DN dựa vào đó xây dựng kế hoạch tái hoạt động.

 Chúng tôi không lo sợ thiếu nguyên liệu sản xuất, không sợ dịch tái lại trong nhà máy... nhưng chỉ e ngại nguồn nhân lực không có.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực TP.HCM
Tương tự, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Đông Hiệp, cũng là Chủ tịch Hội Lương thực TP.HCM (FFA), tỏ ra khá lạc quan trước thông tin thành phố sẽ mở cửa lại nền kinh tế theo từng giai đoạn. Những tín hiệu của thành phố đưa ra trong mấy ngày qua là rất đáng mừng, DN đặt nhiều kỳ vọng trong tâm thế phục hồi mới cho sản xuất. Với yêu cầu thẻ xanh Covid, do ngành hàng lương thực thuộc dạng ưu tiên nên nếu không có gì thay đổi, đến cuối tháng 9 này, các DN thành viên của FFA sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho các lao động làm việc trong nhà máy “3 tại chỗ” (3T) lâu nay.
Theo bà Chi, thẻ xanh là hướng đi đúng, bền vững cho tương lai. Thực tế, khi duy trì 3T, nhiều ngành hàng khác chỉ chạy 20 - 30% công suất, thì ngành lương thực đạt 50% đối với DN sản xuất phục vụ thị trường nội địa và duy trì khoảng 30% với DN sản xuất xuất khẩu. Dù kế hoạch mở cửa chỉ đang trong kịch bản, DN thuộc khu vực Q.7, H.Củ Chi, Khu công nghệ cao, Khu chế xuất Tân Thuận… sẽ ưu tiên mở sản xuất trước nhưng DN các quận huyện khác cũng trong tâm thế chuẩn bị.
“Nhiều DN hiện giữ được 50% sản xuất thì trong tương lai, sau khi có kế hoạch cụ thể và DN phủ được 2 mũi vắc xin cho lao động, nhu cầu nguyên vật liệu để sản xuất sẽ tăng mạnh. Chúng tôi không lo sợ thiếu nguyên liệu sản xuất, không sợ dịch tái lại trong nhà máy vì đã phủ vắc xin và đưa ra quy tắc sản xuất nghiêm ngặt trong phòng chống dịch... nhưng chỉ e ngại nguồn nhân lực không có. Ngành lương thực thực phẩm đến nay có đến 20% lao động có tay nghề đã đi về quê”, bà Chi chia sẻ thêm.

Người dân tại quận 7, Củ Chi sắp được đi chợ một tuần/lần

Tâm đắc với phát biểu ngắn gọn của Chủ tịch UBND TP.HCM tại cuộc họp chiều 10.9 rằng khó khăn của DN cũng là khó khăn của TP.HCM, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cho biết cảm nhận lớn nhất của cộng đồng DN với thành phố chính là sự cầu thị, lắng nghe và ghi nhận ý kiến đóng góp của cộng đồng DN. Kịch bản mở cửa lại kinh tế đưa ra đã ghi nhận những góp ý cụ thể từ DN. Thành phố có quan điểm rõ ràng là an toàn mới mở. “Đâu đó còn e ngại rằng cho mở cửa lúc này, rồi có ca F0 lại buộc đóng cửa nhà máy nữa... Thành phố dốc toàn lực để “kéo pháo vào trận” lúc này, sẽ không có chuyện giữa chừng kéo ra, mà phải chiến thắng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây

ĐÀO NGỌC THẠCH

4 câu hỏi lớn cho ngày trở lại

Háo hức chờ ngày tái xuất, song giám đốc các DN không khỏi lo lắng bởi sau 2 năm ngấm đòn Covid-19, hầu hết DN đều đang ở mốc đáy của sự khủng hoảng. Chưa kể, lực lượng lớn lao động đã về quê hoặc đổi ngành nghề, không dễ huy động trở lại... Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết thời gian qua, những quy định về đi lại đối với các tài xế, phương tiện gây rất nhiều khó khăn cho DN, tốn kém nhiều chi phí trong khi nguồn hàng bị đứt gãy, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Vì thế, các DN vận tải kiến nghị được ưu tiên tiêm đủ vắc xin 2 mũi cho lực lượng tài xế; miễn một số điều kiện như xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm 2 mũi hoặc tăng thời gian xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi lên 1 lần/tháng...
Cũng tham dự buổi họp mặt của lãnh đạo TP.HCM với các DN và hiệp hội ngành nghề chiều 10.9, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho rằng TP.HCM nói riêng và Chính phủ vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vắc xin để chích ngừa đủ cho phần lớn người dân, người lao động. Hơn nữa, cần sự đồng bộ, thống nhất trong các giải pháp thực hiện cũng như kiểm soát theo yêu cầu sử dụng thẻ xanh/thẻ vàng Covid để tránh mỗi địa phương áp dụng một kiểu gây khó khăn cho cả người dân lẫn DN. Đặc biệt phải tăng tốc ứng dụng công nghệ, kiểm tra không tiếp xúc để tránh tình trạng ùn ứ ở các chốt kiểm soát dễ gây ra nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ngoài ra, cần có phương án xử lý với những ca F0 tại các DN trong thời gian tới như thế nào vì không thể yêu cầu DN dừng sản xuất.
Ông Chu Tiến Dũng cũng bày tỏ nhiều DN còn băn khoăn, trăn trở vì vẫn có rất nhiều điều kiện để DN phải đáp ứng mới được mở lại sản xuất an toàn. Chẳng hạn như quy định “hộ chiếu vắc xin”. Đến nay, dữ liệu về hộ chiếu vắc xin rất ngổn ngang. Đa số người dân và DN phản ánh đã tiêm cả tháng rồi vẫn chưa được cập nhật, hoặc tiêm đủ 2 mũi quá 14 ngày, dữ liệu vẫn xác nhận mới 1 mũi… Như vậy, liệu các bộ phận phụ trách việc cập nhật thông tin của người dân có giải quyết kịp thời đến 15.9 xong hay không? Đó là câu hỏi mở lớn.
Thứ hai, hiện đang có hàng trăm ngàn F0 khỏi bệnh, tự điều trị tại nhà, trong đó lực lượng lao động của DN rất nhiều, nay muốn đi làm thì ai chứng thực cho người đó và chứng thực ở đâu? Nếu không có giấy chứng nhận thì DN lại thiếu hụt lao động.
Thứ ba, những người vì điều kiện thể trạng không thể tiêm vắc xin được, làm sao để họ hòa nhập cộng đồng trong bối cảnh này? Và câu hỏi thứ tư, môi trường làm việc kinh doanh mới của DN mang tính đồng bộ tầm khu vực, quốc gia, quốc tế với nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh đang tích cực cải thiện. Ví dụ, chuyên gia nước ngoài đến VN làm việc, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn phải cách ly 7 ngày có hợp lý không? Hoặc với người nước ngoài đang ở VN là chuyên gia, nhà tư vấn, doanh nghiệp... chưa được tiêm mũi nào, chúng ta giải quyết vấn đề đó thế nào? Tất cả còn khá ngổn ngang và phải giải quyết từ từ, nhưng phải có lớp lang và làm cho bằng được thì nền kinh tế mới thực sự “mở” như mong muốn, theo ông Dũng.

Covid-19 sáng 12.9: Cả nước 601.349 ca nhiễm, 363.462 ca khỏi | TP.HCM triển khai VNEID

Mở cửa là chuyện lớn nhưng không quên chuyện nhỏ

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, về vấn đề phân loại đối tượng, áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng Covid, TP.HCM cần nêu rõ hơn về ứng xử sau thời gian 6 tháng mở cửa kinh tế. Cụ thể, sau giai đoạn 3, những người thuộc thẻ xanh sẽ như thế nào, có phải tiêm thêm mũi vắc xin, phải xét nghiệm lại hay sẽ được tự động gia hạn? DN không thể triệu tập lại nguồn lực lao động trong phạm vi giới hạn 6 tháng và không có định hướng sau đó. Bên cạnh đó, phải tính đến việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý chính quyền và cả trong hoạt động DN. Cần ứng dụng triệt để công nghệ, không để thẻ xanh, thẻ vàng vô tình trở thành giấy phép con, kéo theo nhiều phiền toái cho người dân như câu chuyện giấy đi đường thời gian qua.
Về lĩnh vực ưu tiên mở cửa đầu tiên, ông Kỳ đề xuất cần thiết mở ngay hệ thống giao thông vận tải, từ đường dài cho tới đường ngắn là những shipper. Trước hết, phải mở đường bộ, sau đó là đường hàng không rồi đến đường thủy, đường sắt. Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, nếu tiếp tục giữ những quy định kiểm soát kiểu luồng xanh - không xanh như lâu nay, vô hình trung sẽ gây ách tắc, gãy đổ chuỗi cung ứng. Giao thông vận tải phải tập trung đi trước một bước để kinh tế theo sau, giải tỏa cho mạch máu đi khắp cơ thể. Song song, TP.HCM đang chủ trương tập trung vào chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm, thương mại, nhà hàng… mà quên mất rằng hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ xã hội rất quan trọng.
“TP bàn chuyện mở cửa cho các DN sản xuất, vậy ai trông con cho người lao động đi làm? Họ sẽ ăn ở đâu? Hệ thống hàng quán, ăn uống phục vụ họ như thế nào?... Mở cửa kinh tế là chuyện lớn nhưng phải tính đến từ những chi tiết rất nhỏ. Không phải cứ nói mở, cho hoạt động sản xuất trở lại là sẽ có công nhân. Nếu không đảm bảo những điều kiện tối thiểu để họ có thể quay trở lại thì sẽ không thể mở được”, ông Kỳ lưu ý thêm và cho rằng: Một khi DN đã ngưng hoạt động, đâu thể nói mở là mở ngay. Chính phủ cũng như lãnh đạo thành phố cần có những bước đi mồi kiến tạo để làm đòn bẩy cho DN hồi sức.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định: Tài chính hiện là yếu tố quyết định, là bình ô xy cứu DN trở lại. TP.HCM với cơ chế đặc thù cần thiết kế gói hỗ trợ đặc thù về tài chính, cao hơn một mức so với chính sách chung của trung ương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.