Doanh nghiệp cần tiếp sức

Chí Hiếu
Chí Hiếu
10/07/2021 06:44 GMT+7

Các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 cho rằng, họ cần nhất là dòng tiền để duy trì sản xuất, giao hàng đúng tiến độ.

“Lo nhất là đứt sản xuất”

Các doanh nghiệp (DN) dệt may đang bước vào thời điểm căng thẳng nhất trong việc hoàn thành hợp đồng và giao hàng cho đối tác. Cho nên, điều khiến nhiều lãnh đạo DN khối này lo lắng nhất hiện nay là sản xuất không bị đứt gãy.

Bên cạnh một số chính sách như giảm tiền thuê đất, giãn thuế, giảm tiền điện, lùi thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập DN... đã và đang phát huy hiệu quả thì Chính phủ cần tiếp tục các gói hỗ trợ phù hợp cho đặc thù ngành nghề, đặc biệt DN có số lượng lao động lớn trực tiếp bị thiệt hại của dịch bệnh do hợp đồng đã ký bị lùi, giãn và hủy đơn hàng.

Ông Cao Hữu Hiếu

“Nếu hỏi những DN như chúng tôi cần gì lúc này thì đó là có tiền trả lương, mua nguyên liệu, giữ lao động được mạnh khỏe bởi đang đến chu kỳ sản xuất khẩn trương nhất”, ông Cao Hữu Hiếu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dệt may (Vinatex), chia sẻ. Để giữ người lao động được an toàn, công tác phòng dịch luôn được Vinatex ưu tiên thực hiện ở mức cao nhất, không chỉ với người lao động trong DN mà còn cả với các đối tác, nhà thầu có nhiều giao dịch với DN từ cung cấp thực phẩm, nhà vận tải…
Ông Đặng Vũ Hùng, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết thêm là ngoài giải pháp 5K áp dụng cho công nhân, các đơn vị cũng được yêu cầu lưu ý đến các đối tượng như nhà thầu, người đưa thức ăn từ bên ngoài vào nhà máy thì không được phép để họ tiếp xúc trực tiếp với người lao động, đảm bảo công nhân không phải tiếp xúc với người lạ, không để mầm bệnh lọt vào khu vực nhà máy. Tương tự, với đội lái xe vận chuyển hàng ra vào khu vực nhà máy, các đối tượng này được kiểm soát chặt chẽ, khi có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính mới được vào nhà máy. Cùng với đó, các tuyến đường họ đi có qua các vùng dịch hay không, những nơi họ dừng lại ăn uống dọc đường cũng đều được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, với lợi thế có trong tay bệnh viện dệt may, tập đoàn cũng đã thành lập ban vắc xin nhằm nỗ lực có nguồn vắc xin phòng Covid-19 để tiêm sớm cho người lao động trong các DN thuộc tập đoàn.
Đại diện Tập đoàn Masan cũng thông tin do đặc thù sản xuất ngành hàng tiêu dùng thiết yếu nên ngược với nhiều khối ngành hàng thu hẹp sản xuất thì Masan lại tăng công suất nhiều nhà máy. “Như các nhà máy mì ăn liền chẳng hạn, nhu cầu tiêu thụ tăng nên doanh số đang tăng tốt. Giờ chúng tôi lo nhất là làm sao có đủ vắc xin tiêm cho công nhân, nhân viên bán hàng để không đứt gãy chuỗi sản xuất, phân phối. Đi đâu ai hỏi chúng tôi cần gì nhất lúc này thì câu trả lời là vắc xin, vắc xin và vắc xin trước đã”, vị này chia sẻ.
Dẫu vậy, ngoài các giải pháp tự thân trong phòng dịch để duy trì sản xuất an toàn, Vinatex cũng đang rất mong ngóng để có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, ông Hiếu thừa nhận, đây là chuyện không hề đơn giản. “Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ có ý nghĩa rất lớn đối với DN, giúp DN giảm áp lực về dòng tiền, tránh được phá sản, duy trì việc làm cho người lao động trong và sau dịch, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, để được hưởng gói hỗ trợ thiếu việc làm thì các DN thành viên tập đoàn hoàn toàn không tiếp cận được. Nếu đáp ứng được tiêu chí của các chính sách hỗ trợ sẽ đồng nghĩa với việc hàng loạt các đơn vị trong tập đoàn phải đóng cửa, với hàng chục nghìn lao động mất việc làm”, ông Hiếu nói.
Theo vị này, với các DN dệt may, quan trọng nhất là hoãn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp vì chi phí này lên tới 34% của quỹ lương (quỹ lương chiếm 60% tổng chi phí DN may) và tỷ trọng chi đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp lên tới 20% tổng chi phí toàn DN.

Tháo ách tắc dòng vốn cho DN

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), thừa nhận không chỉ may mặc, mà hầu hết DN cơ khí, nhất là khối vừa và nhỏ đang chịu áp lực lớn về dòng tiền.
“Nhiều công ty nói hàng không bán được nên làm gì có doanh thu để mà được miễn hay giãn thuế thu nhập DN. Cái họ cần nhất là vay được tiền để trả lương, để duy trì sản xuất nhưng tài sản thì đã thế chấp cả, giờ hàng không bán được thì ngân hàng cũng không thể cho vay vì an toàn của chính hệ thống nhà băng và ngân hàng cũng đi kinh doanh, nên chính sách giảm lãi thật ra ít DN với tới được”, ông nói.
Theo đại diện Bộ Công thương, cơ quan này cũng đã đề xuất với Chính phủ phải có một chính sách tín dụng mới, thiết thực hơn cho các DN, nhất là DN công nghiệp hỗ trợ. “Cụ thể, cần hình thành gói tín dụng ưu đãi khoảng 100.000 tỉ đồng, với cơ chế vay vốn thương mại được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất tương tự như gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên”, vị này thông tin.
Chuyên gia kinh tế Ngô Văn Tuyển đánh giá trong lúc này, chính sách tín dụng là rất quan trọng nhưng không thể nói chung chung mà cần thực tế, xác định rõ nguồn lực và cần hỗ trợ DN đang thoi thóp chứ không chỉ DN đã ngừng hoạt động. “Ví dụ, Chính phủ có thể yêu cầu 4 ngân hàng có vốn nhà nước xem xét miễn giảm lãi suất cho các DN vì trông vào tự thân họ thì rất khó”, ông gợi ý và cho biết thêm, hiện nay chỉ 4 nhà băng này mỗi năm phải mất tổng cộng hơn 40.000 tỉ đồng để giải quyết nợ xấu. Cho nên, nếu không cứu DN thì DN phá sản, khi đó ngân hàng cũng mất tiền. Ngoài ra, theo ông Tuyển, các DN bị tổn thương trước là các DN nhỏ, vì vậy, cần ưu tiên các đối tượng này trước theo kiểu “hà hơi thổi ngạt”. “Đơn cử như với các DN công nghiệp hỗ trợ, kinh doanh xuất nhập khẩu, hiện hàng không bán được thì Chính phủ có thể đề xuất thêm về việc giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu”, ông đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.