Đoàn võ sĩ sumo Nhật ăn sạch vẫn bị 'Tào Tháo rượt'

31/03/2016 09:21 GMT+7

Chuyện ăn của các võ sĩ sumo không phải đùa, họ có những kỷ luật nghiêm ngặt trong ăn uống, về chất lẫn về lượng. Ấy vậy mà ở Việt Nam, cả đoàn vẫn bị … đau bụng, 'tào tháo rượt' liên tục vì tiêu chảy.

Chuyện ăn của các võ sĩ sumo không phải đùa, họ có những kỷ luật nghiêm ngặt trong ăn uống, về chất lẫn về lượng. Ấy vậy mà ở Việt Nam, cả đoàn vẫn bị … đau bụng, 'tào tháo rượt' liên tục vì tiêu chảy.

Các võ sĩ sumo thi đấu giao hữu tại Bình Định - Ảnh: Văn LưuCác võ sĩ sumo thi đấu giao hữu tại Bình Định - Ảnh: Văn Lưu

Trong các dịp lễ hội lớn tại Bình Định, lãnh đạo tỉnh và các ban ngành phối hợp đều nỗ lực hết mức để đáp ứng các nhu cầu từ thấp đến cao của các khách mời, nhất là đối với khách VIP.

Việc ăn, nghỉ lại càng cần được quan tâm. Tuy nhiên, do khác biệt về văn hoá, môi trường sống nên cũng có nhiều câu chuyện ghi lại thuộc dạng “cười chảy nước mắt”.
Ăn uống nghiêm ngặt
Một lần nọ, đoàn sumo Nhật Bản được mời đến Bình Định để trình diễn môn võ thuật độc đáo này trong một lễ hội võ quy mô quốc tế. Họ hăm hở nhận lời.
Để công tác tiếp đón đoàn chu đáo nhất có thể, Bình Định cho họ ăn ở tại một khách sạn 4 sao thuộc hàng cao cấp nhất TP.Quy Nhơn. Chưa thật yên tâm, các lãnh đạo tỉnh lại dặn dò quản lí khách sạn chú ý bếp núc phục vụ các khẩu phần ăn đạt chuẩn, ngon miệng cho đoàn khách.
Chuyện ăn của các võ sĩ sumo không phải đùa, họ có những kỷ luật nghiêm ngặt trong ăn uống, về chất lẫn về lượng. Những người phục vụ ở khách sạn đều biết điều đó nên cố gồng hết sức để lo chu đáo. Cá ngừ đại dương loại 1, rau củ quả sạch loại 1, thịt thà các kiểu đều là loại được kiểm định và lựa chọn đến mức nói như một chị làm bếp ở đây: “Chúng tôi phải căng hết não ra”.
Ấy vậy mà cả đoàn vẫn bị … đau bụng tiêu chảy. Đến lúc này thì phía tỉnh lại gặp phải sự lúng túng khác: phải điều trị ra sao cho những ca đặc biệt này.
Thần dược
Tin các võ sĩ sumo bị tiêu chảy được cập nhật hàng ngày. Chưa biết phải làm sao thì lại nghe đã…hết hẳn một cách “kỳ diệu”. Hỏi ra thì các chàng sumo ấy khoe: “Chúng tôi nghe nói thuốc berberin của các bạn hay lắm nên uống thử, thật là tác dụng rất tốt. Mai mốt về nhất định chúng tôi sẽ mua thật nhiều về tặng bạn bè, người thân bên đó, nếu lỡ đi đâu bị đau bụng như chúng tôi”.
Nói là làm. Sau mấy ngày trình diễn thi đấu, các võ sĩ sumo Nhật Bản đã lùng sục khắp thành phố Quy Nhơn, gom hết loại “thần dược” này ở hầu hết các hiệu thuốc lớn và hồ hởi mang về nước.
Chuyện các võ sĩ Nhật tiêu chảy được chính một người Nhật có thâm niên qua lại Việt Nam nhiều lần giải thích: “Thật ra, không phải thức ăn ở đây bẩn hay có vấn đề gì vì đã ăn ở khách sạn 4 sao với những yêu cầu khắt khe ngay từ đầu mà có thể bên đó chúng tôi đã quen bụng với thức ăn quá sạch, nhất là các võ sĩ sumo. Như tôi, giờ qua Việt Nam nhiều, cái bụng cũng đã được “đề kháng” nhiều hơn nên thậm chí có thể ăn được thức ăn đường phố mà không dùng đến thuốc”.
Theo Thạc sĩ – bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115, việc cơ thể phản ứng với thực phẩm, có các triệu chứng giống như ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa khi người nước ngoài ăn thức ăn ở Việt Nam hay người Việt Năm ăn thức ăn khi ra nước ngoài, hay khi ăn thức ăn ở những nơi mới đến có hai trường hợp.

Một là ngộ độc thực phẩm. Với trường hợp ngộ độc thực phẩm thì do trong thực phẩm có chất gây hại, gây ngộ độc. Với người khỏe, hệ miễn dịch tốt thì có thể chỉ có những biểu hiện nhẹ (khó chịu, đau bụng) và tự khỏi. Với những người có miễn dịch yếu thì sẽ có những biểu hiệu ngộ độc nặng hơn như chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, đau bụng dữ dội,…

Trường hợp thứ hai là dị ứng thực phẩm. Đây là trường hợp nhiều người thường gặp phải khi đi du lịch, đến những địa phương khác, ăn thực phẩm lạ. Dị ứng thực phẩm do có hai nguyên nhân: do cơ thể không chấp nhận thực phẩm đó và do cơ thể tiết ra những chất kháng lại thực phẩm lạ để tự vệ.

“Vì mỗi người ở những địa phương, vùng miền, khu vực địa lý khác nhau thì hệ tiêu hóa cũng có những đặc điểm thích nghi khác nhau với thực phẩm, có những loại enzim, nội tiết khác nhau để phản ứng, hấp thụ thực phẩm. Khi ăn một thực phẩm lạ, cơ thể sẽ có sự đề phòng khi tiếp nhận, xem nó như một “mối nguy hại” xâm nhập vì thế sẽ tiết ra những chất phản ứng lại với loại thực phẩm mới. Dị ứng thực phẩm nhẹ có thể là dị ứng ngoài da, đau bụng, tiêu chảy. Nặng có thể bị sốc, tụt huyết áp”, bác sĩ Phượng giải thích.

Bác sĩ Phượng khuyên, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm thì quan trọng nhất là ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn đối với trường hợp dị ứng thực phẩm, đặc biệt khi đi du lịch, đến những vùng đất, địa phương mới, khi ăn thực phẩm lạ thì chỉ nên thử một ít để xem cơ thể có phản ứng gì không, ăn từ ít đến nhiều để cơ thể quen và thích nghi dần với loại thực phẩm mới (đặc biệt với những người có cơ địa dị ứng); với những thực phẩm mà lần trước ăn đã bị dị ứng thì tốt nhất nên tránh bớt, không ăn.

Bác sĩ Phượng thêm, việc một số người uống trước thuốc đau bụng để dự phòng trước khi ăn thực phẩm ở những nơi mới đến thật sự không có ý nghĩa gì. (Nguyên Mi)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.