Đô thị sát biển vẫn ngập lụt: Dòng chảy 'nhường chỗ' cho dự án đô thị

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
09/12/2021 07:07 GMT+7

Vấn nạn cứ mưa là ngập trong những năm qua tại đô thị biển Nha Trang (Khánh Hòa) như Thanh Niên ngày 8.12 phản ánh, cũng là “thảm cảnh” đối với đô thị biển Quy Nhơn (Bình Định).

Là tỉnh lỵ của Bình Định, vấn nạn ngập lụt ở Quy Nhơn ngày càng nặng nề, nhiều người cho rằng đây là hậu quả của quá trình đô thị hóa ồ ạt.

Người dân trở tay không kịp

Nhiều người dân P.Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn) rất bức xúc vì sống sát mép biển nhưng mùa mưa năm nay “bỗng dưng” nước tràn vào nhà. Sáng 14.11, sau một đêm mưa lớn kéo dài, khu vực 4 (P.Ghềnh Ráng) bị ngập sâu khiến người dân trở tay không kịp. Đặc biệt, tuyến đường Hàn Mạc Tử, đoạn trước resort Hoàng Gia (thuộc Công ty CP du lịch Hoàng Anh Đất Xanh) ngập sâu hơn 0,5 m, khiến nhiều ô tô đậu trên đường chìm trong nước.

Khu vực P.Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn) bất ngờ bị ngập lụt vào sáng 15.11 khiến người dân không kịp trở tay

BẢO THOA

Người dân ở P.Ghềnh Ráng cho rằng trận lụt “lịch sử” này là do tác động của việc xây dựng resort Hoàng Gia. Trước kia, khu vực này có dòng suối thoát nước từ núi Vũng Chua ra biển. Trong quá trình xây dựng resort Hoàng Gia, suối thoát nước được thay bằng hệ thống mương hộp. Gần đây, doanh nghiệp tự ý thay đổi hệ thống mương hộp bên trong resort Hoàng Gia, càng làm thu hẹp dòng chảy nên nước thoát không kịp, gây ra ngập lụt.

Theo Công ty CP môi trường Bình Định, xảy ra ngập úng tại P.Ghềnh Ráng là do Công ty CP du lịch Hoàng Anh Đất Xanh đã thay thế một đoạn trong hệ thống mương hộp B8000 thành 5 ống cống D1200, đã làm giảm tiết diện dòng chảy, không đảm bảo thoát nước.

Nhiều người cũng cho rằng TP.Quy Nhơn nằm bên bờ biển nhưng bị ngập lụt ngày càng nặng là do các dòng chảy để thoát lũ ra sông Hà Thanh, và từ sông Hà Thanh ra cửa biển (thuộc các phường: Nhơn Bình, Nhơn Phú và Đống Đa) bị thu hẹp, liên tục phải “nhường chỗ” cho các dự án đô thị, khu dân cư, đường giao thông… Trước kia, mỗi khi có mưa lớn, nước thoát tự nhiên ra biển qua 5 nhánh sông Hà Thanh (sông Hà Thanh 1, 2, 3, 4, 5) và hệ thống rừng ngập mặn ở các cửa sông. Thế nhưng hiện khu vực hạ lưu 5 nhánh sông Hà Thanh liên tục “mọc” ra nhiều dự án như: Khu đô thị (KĐT) mới An Phú Thịnh, Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại, KĐT thương mại Bắc sông Hà Thanh, KĐT chợ Góc… Để thi công các dự án này, chủ đầu tư đã san lấp rất nhiều diện tích đồng ruộng, ao hồ, rừng ngập mặn… vốn là vùng trũng được mệnh danh là “túi lũ” với chức năng chứa nước và điều hòa lũ trên sông Hà Thanh chảy ra biển.

“Gia đình chúng tôi ở đây 2 - 3 thế hệ, trước đây mấy năm mới có một trận lụt có nước vào nhà, nhưng giờ thì năm nào cũng tràn vào. Lúc trước, lối thoát lũ qua P.Nhơn Bình có 3 cái tràn, nay chỉ còn 2 tràn thoát nước được, tràn còn lại chỗ cầu Dinh trên đường Điện Biên Phủ bị bồi lấp, nước không chảy được. Nếu không có giải pháp thoát lũ thì cứ năm sau sẽ ngập sâu hơn năm trước, và lũ lên nhanh nhưng rút rất chậm”, ông Lê Văn Chỉnh (56 tuổi, ở tổ 36, KV.5, P.Nhơn Bình) bức xúc.

“Cần phải chừa đường cho nước đi”

Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho rằng tình trạng ngập lụt ở hạ lưu, ngoài nguyên nhân mưa lớn kéo dài còn do dòng chảy trên sông bị tắc nghẽn vì ứ đọng rác thải, xà bần, đổ đất trái phép. Các trục thoát lũ tại TP.Quy Nhơn bị thu hẹp tại sông Dinh và một số vị trí khác. Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định kiến nghị các dự án thoát lũ, cắt lũ, thông thoáng dòng chảy cần được quan tâm đúng mức; không phát triển thềm sông, bãi sông làm các KĐT; phát triển hệ thống giao thông cần được xem xét kỹ càng về thoát lũ, không để làm gia tăng chiều sâu ngập và thời gian ngập sau khi có dự án.

Theo ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn, tình trạng ngập lụt tại Quy Nhơn không thể “đổ” hết cho phát triển đô thị mà còn lý do cửa sông bị bồi lấp, dòng chảy thu hẹp. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Bình Định đã lập dự án đầu tư nâng cấp hạ lưu sông Hà Thanh, đặc biệt là tuyến sông Dinh chảy qua địa bàn P.Nhơn Bình. Trong năm 2022, UBND TP.Quy Nhơn sẽ triển khai dự án mở rộng khẩu độ cầu Đôi (nối trục giao thông chính Trần Hưng Đạo - Hùng Vương, P.Nhơn Bình) thêm 23 m.

“Hiện áp lực tiêu thoát lũ lớn nhất của TP.Quy Nhơn là tại cầu Đôi và sông Dinh. Hy vọng dự án mở rộng khẩu độ cầu Đôi và dự án nâng cấp sông Dinh sẽ giảm được áp lực tiêu thoát lũ, hạn chế được tình trạng ngập lụt ở Quy Nhơn”, ông Nam nói.

Trong khi đó, theo KTS Đào Quý Tiêu, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Bình Định, tình trạng ngập lụt tại các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú… là khó tránh khỏi do nằm ở hạ lưu sông Hà Thanh. Muốn vừa phát triển đô thị vừa tránh được tình trạng ngập lụt do đô thị hóa, thì phải biết phát triển có chừng mực, cần xác định rõ vùng nào được hoặc không được phép phát triển.

“Cần phải chừa đường cho nước đi, chứ chỗ nào cũng làm hết thì nước không chảy được, gây ra xói lở, ngập lụt. Trong quy hoạch xây dựng TP.Quy Nhơn đã có vùng được xác định là không được phép xây dựng để làm hành lang thoát lũ và cũng đã có quy hoạch tiêu thoát lũ cho lưu vực sông Hà Thanh, nhưng do chưa có tiền để xây dựng hạ tầng chống ngập, chống lũ”, ông Tiêu nói.

Ông Tiêu cho rằng trong tình huống chưa chủ động được thì TP.Quy Nhơn phải thích nghi, nghĩa là trong quy hoạch xây dựng phải lựa chọn, cân nhắc những vùng phát triển đô thị nhưng không gây tác hại đến vùng khác, không tác hại đến việc thoát nước. Ngoài ra còn phải tổ chức một loạt giải pháp khác như: nạo vét lòng sông, dòng thoát lũ, tăng lưu lượng hồ chứa, nâng cấp công trình thoát lũ... (còn tiếp)

Hối thúc xử lý “điểm nóng” ngập úng

UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng, UBND TP.Quy Nhơn khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, có giải pháp xử lý ngay việc khơi thông dòng chảy, chống ngập úng cho khu dân cư khu vực 4, P.Ghềnh Ráng. Đồng thời xây dựng phương án giải quyết căn cơ, lâu dài để đảm bảo thoát nước, chống ngập úng cho khu vực trên.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định từng có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan giải quyết tình trạng ngập úng tại P.Ghềnh Ráng. Theo đó, phải khẩn trương tháo dỡ toàn bộ các ống cống bê tông có đường kính 1,2 m đã lắp đặt trong lòng mương, hoàn trả tiết diện thoát nước hiện hữu của tuyến cống hộp trong khuôn viên resort Hoàng Gia với tiết diện tối thiểu rộng 8 m, cao 2 m, nhằm đảm bảo kịp thời thoát nước, chống ngập úng, tránh ảnh hưởng đến các khu dân cư. Việc này phải hoàn thành trong tháng 11.2021, nhưng tiến độ xử lý hiện còn dở dang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.