Đô thị cần làm đẹp xứng tầm

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
30/12/2018 10:52 GMT+7

Lâu nay, trang trí ở các đô thị lớn mới chỉ dừng ở mức độ thắp sáng, trang hoàng khác ngày thường chứ chưa thành điểm ai cũng muốn đến. Các TP cần có cách vận động khác để tạo điểm nhấn đô thị.

Đèn rau muống, hoa rồng vàng

Treo đèn bám hai bên đường và đảo giao thông chính là biến tướng của băng rôn khẩu hiệu từ ngày xưa. Thay vì bằng vải thì họ dùng công nghệ 3D về ánh sáng, tức là cải biên theo thời đại. Bản chất là họ vẫn đang làm băng rôn khẩu hiệu thôi
Nghiên cứu sinh Phạm Thái Bình, Phó chủ nhiệm Khoa Mỹ thuật công nghiệp (ĐH Kiến trúc Hà Nội)
Con rồng vàng bằng hoa có biệt hiệu Pikalong (vừa giống rồng, vừa giống Pikachu) ở TP.Hải Phòng đã bị dỡ đi rất nhanh, chỉ sau 1 ngày khi hình ảnh về nó lan tràn trên mạng xã hội. Thậm chí, nó còn chưa được nghiệm thu để đưa vào chào đón tết 2017. Vào thời điểm đó, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, người nhiều năm theo đuổi các dự án nghệ thuật công cộng, cho rằng trang trí đô thị đang rất thiếu chiến lược. Chính vì thế, nó sẽ nảy sinh ra nhiều kiểu xấu khác nhau.
Nghiên cứu sinh Phạm Thái Bình, Phó chủ nhiệm Khoa Mỹ thuật công nghiệp (ĐH Kiến trúc Hà Nội), lại chia sẻ về việc trang hoàng TP nghèo nàn. Nó chỉ là những dàn đèn cứ đến hẹn lại lên sáng tưng bừng. Đặc điểm của những dàn đèn này là “bám hai bên mặt đường”, đảo giao thông. “Treo đèn bám hai bên đường và đảo giao thông chính là biến tướng của băng rôn khẩu hiệu từ ngày xưa. Thay vì bằng vải thì họ dùng công nghệ 3D về ánh sáng, tức là cải biên theo thời đại. Bản chất là họ vẫn đang làm băng rôn khẩu hiệu thôi”, ông Bình nói.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), nhận định nhiều cách trang trí không gian công cộng hiện tại phi khoa học về ánh sáng. “Nếu nó có những màu quá kích động, hoặc có tầm thấp quá rất dễ gây nhiễu cho người đi đường. Đó là một khoa học chứ hoàn toàn không phải treo lên để chơi. Trong khi chúng ta lại chưa tính toán đầy đủ được cần phải làm ra sao”, ông Thành nói.
Công nhân đang chỉnh trang lại hệ thống đèn trang trí trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) Ảnh: Ngọc Nương
Ông Bình cũng cho rằng “tay nghề” của nhiều người thiết kế, thi công dàn đèn có vấn đề. Theo ông, họ đã làm tốt nhất trong khả năng mình có thể, tuy nhiên, họ lại... không có khả năng. “Chúng ta còn thiếu nhiều người về mảng điêu khắc, trang trí đô thị. Do đó, việc này nhiều khi được phó mặc cho cán bộ văn hóa của Sở. Họ không phải nhà điêu khắc hay người chuyên làm ánh sáng cho không gian đô thị. Họ là những cán bộ của Sở, có thể qua đào tạo nhưng không làm được việc họ không chuyên. Chính vì thế, họ sẽ dựa trên những mẫu có sẵn hoặc chỉ sáng tạo được những mẫu cho là đẹp nhưng trong khả năng thẩm mỹ của họ thôi”, ông Bình nói.

Mời nghệ sĩ làm điêu khắc “thời vụ”

Về cách tổ chức thực hiện, ông Nguyễn Thế Sơn không cho rằng việc tổ chức thi chọn mẫu đại trà là tốt vì “nếu thi đại trà sẽ chỉ nhận được tác phẩm kiểu phong trào”. Ông tâm đắc với việc giao các không gian công cộng cho nghệ sĩ. Chẳng hạn, tại Flamingo Đại Lải ở Vĩnh Phúc, đơn vị này chủ động mời nghệ sĩ đến, sáng tác các tác phẩm điêu khắc để làm đẹp cho không gian. Kết quả, họ có những tác phẩm long lanh.
Ông Phạm Thái Bình cũng cho rằng: “Nhà dân làm các khu giải trí công cộng vệ tinh thay vì người dân chỉ đi xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Ở mỗi quận, người dân sẽ có niềm tự hào ở quận mình. Mà các quận với nhau cũng sẽ cùng nhau muốn có không gian đẹp, đẹp hơn”.
Theo ông Bình, cần bỏ tư duy trang trí khẩu hiệu trong việc trang hoàng TP. Việc trang hoàng này cần có tính chất của những tác phẩm điêu khắc bằng ánh sáng, bằng cây, bằng hoa... Chính vì thế, để trang hoàng riêng cho những dịp tết thì có thể làm những dạng “điêu khắc thời vụ”, “điêu khắc đường phố”. “Tôi rất thích một số đô thị nếu có cơ hội thì nên làm dạng điêu khắc đường phố. Nó chính là các tác phẩm tương tác với đời sống con người, “nhảy xổ” vào đời sống con người. Tính thời vụ không nhất thiết phải bền vững nhưng trong thời gian tồn tại, nó rất đẹp. Người dân có thể “check in”, chụp ảnh. Sau đó, những tác phẩm không nhất thiết phải tồn tại tiếp”, ông Bình nói. Đó là những tác phẩm có chủ đề nhất định, được làm và đặt ở những nơi dễ tiếp cận với người dân. Nó cũng nên có những câu chuyện riêng của địa phương.
Ông Vi Kiến Thành lại cho rằng nghệ sĩ luôn sẵn sàng kết nối để thiết kế mỹ thuật cho các không gian công cộng. “Tôi biết họa sĩ sẵn sàng làm giúp, không lấy tiền, để có thể làm đẹp TP. Vấn đề là tại sao không ai kết nối với họ. Hoàn toàn có thể kết nối qua các chi hội mỹ thuật ở địa phương”, ông Thành nói. Tuy nhiên, ông Thành cũng rất mong muốn, việc trang trí TP có một nguồn quỹ ổn định. Từ đó, có thể “đặt hàng” các nghệ sĩ để làm các tác phẩm ra tấm ra món.

Những “dấu ấn” trang trí đô thị ngày xuân

- Tháng 1.2015, Hải Phòng lắp dàn đèn LED trang trí với kinh phí gần 15 tỉ đồng trên đường Lê Hồng Phong. Sau đó 5 tháng, dàn đèn hỏng trước khi nghiệm thu, buộc phải tháo dỡ.
- Tháng 1.2016, dàn đèn gồm 20 bông hoa cuống xanh cánh tím, cao khoảng 4 m được lắp đặt tại đài phun nước ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Những đài hoa này lập tức bị chê xấu. Cụm đèn trang trí này cũng được gọi vui là đèn trang trí hình hoa rau muống dựa trên màu tím.
- Tháng 1.2017, một mô hình rồng bằng hoa giả màu vàng được dựng ở đường Lê Hồng Phong (Hải Phòng). Tuy mô hình chưa dựng xong hẳn, nhưng đã có nhiều bàn tán về hình thức của nó. Phần lớn cho rằng nó quá xấu, xấu như giun, như sâu... Chính vì thế, Hải Phòng đã cho gỡ mô hình này.
- Tháng 12.2017, trang trí đèn cổng chào ở TP.Cần Thơ được một tài khoản mạng xã hội đăng lên cho rằng mô hình này giống nội y và được cư dân mạng chia sẻ.

Xứng tầm lễ hội mùa xuân

“Về góc độ mỹ thuật, các mẫu trang trí đó đẹp hay không còn tùy thuộc vào góc độ nhìn của mỗi người. Ví dụ như công nhân thì thích to, trẻ em thích nhiều màu sắc, người nông thôn thích hoành tráng, trí thức thích trầm, nhà văn - thơ thì thích nhẹ nhàng...”, họa sĩ Văn Thạnh cho biết.
Tuy vậy, hầu hết các họa sĩ khi được hỏi đều cho rằng trang trí đường phố và đường hoa trong mỗi dịp lễ tết ở các đô thị, nhất là đô thị lớn cần có sự đổi mới và sáng tạo để tránh đi vào lối mòn. Nhưng trước khi có những sáng tạo thì điều cần chú ý trước hết là tính thẩm mỹ, tinh tế và kiểu làm kém sang như có những năm người dân TP liên tục kêu ca vì quá nhiều đèn màu kết họa tiết hoa xanh hoa đỏ lập lòe trên nhiều tuyến đường. Thậm chí những họa tiết có màu sắc không hài hòa vì còn phải “nương” theo màu chủ đạo của... logo nhà tài trợ.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi chia sẻ thêm, ở đại lộ Champs Élysées, Paris (Pháp) luôn chọn cách trang trí nhẹ nhàng vào những ngày lễ cuối năm nhằm làm tôn vẻ sang trọng của con đường mệnh danh đẹp nhất thế giới này. “Thông thường, mỗi TP tại Pháp đều chọn con đường chính nhiều sinh hoạt nhất để làm phố đi bộ trong dịp lễ hội. Họ khuyến khích các cửa hàng trang trí, giăng đèn kết hoa trước cửa vào những ngày lễ hội để thu hút du khách. Bên cạnh đó, họ còn sử dụng âm thanh nhẹ nhàng vào các khung giờ nhất định”, ông nêu như một gợi ý.
Diễm Thư
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.