Độ pin cho xe máy điện: nỗi lo cháy nổ

Gia Linh
Gia Linh
21/05/2022 09:00 GMT+7

Nhiều người sử dụng xe điện đang tìm đến các dịch vụ "độ pin" để giúp chiếc xe đi được quãng đường xa hơn sau mỗi lần sạc.

Khái niệm “độ xe” thường được mặc định cho các dòng xe máy chạy xăng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần đây khái niệm “độ xe điện” cũng không còn quá xa lạ với người dùng, nhất là đối với những xe sử dụng ắc quy chì giá rẻ được nâng cấp để sử dụng pin Lithium cao cấp. Dù vậy, vấn đề an toàn kỹ thuật khi nâng cấp pin vẫn là câu hỏi khó có lời giải.

Hiện nay, độ pin xe điện có 2 phương thức chính là độ thêm pin dự phòng chạy song song với pin nguyên bản, hoặc độ xe phiên bản ắc quy thành xe sử dụng pin Lithium. Trong đó, phương thức thứ 2 hiện nay phổ biến hơn, do không chiếm không gian cốp xe cho pin dự phòng.

Một chiếc xe máy điện bốc cháy do độ pin tại Việt Nam

FB

Những mẫu xe hiện đang được các "lò độ" giới thiệu các phiên bản pin đã nâng cấp thường là của VinFast, và hầu hết các xe này đều là phiên bản sử dụng ắc quy chì. Hai mẫu xe phổ biến hiện nay được nhiều người độ pin là Feliz và Klara. Ngoài ra, một số mẫu xe của hãng Pega, Yadea hay các dòng xe từ Trung Quốc khác cũng được độ pin.

Ắc quy xe điện có phần yếu thế hơn pin Lithium về độ bền và hiệu suất làm việc. Tuy nhiên, xe sử dụng ắc quy lại có chi phí thấp hơn đáng kể, từ đó tăng khả năng tiếp cận với phần lớn người dùng Việt Nam. Với mong muốn tối ưu hóa về hiệu suất và khả năng vận hành của xe, không ít người đã tiến hành độ pin xe điện. Những chiếc xe sau khi "độ" được đánh giá là “nhanh hơn, dai hơn và hồi sức mau hơn”.

Sau khi độ pin xe điện thay thế cho ắc quy, tốc độ tối đa của xe sẽ cao hơn từ 5 - 8 km/giờ. Tuy nhiên khi vận hành với mức vận tốc cao trong thời gian dài thì sẽ gây hại cho pin. Trong khi đó, quãng đường di chuyển trong một lần sạc đầy có thể tăng gấp đôi thông số của bản ắc quy. Tức là bản ắc quy xe di chuyển khoảng 90 km sau mỗi lần sạc đầy thì sau khi độ pin, quãng đường xe đi được sẽ tăng lên khoảng 150 - 200 km/lần sạc đầy. Ngoài ra, pin lithium có thời gian sạc nhanh hơn ắc quy. Sau khi độ pin chỉ mất khoảng 6 - 8 giờ để sạc đầy thay vì 9 - 12 giờ như bản ắc quy.

VinFast Klara phiên bản sử dụng ắc quy là dòng xe thường được độ pin

gia linh

Tuy nhiên, giá thành của pin lithium không hề rẻ, dao động từ 10 - 13 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác liên quan tới lắp đặt. Vấn đề nằm nguồn gốc cụm pin độ có đạt yêu cầu về chất lượng và có tương thích với xe hay không. Trước đó đã từng xảy ra không ít các trường hợp cháy nổ do pin sử dụng không đúng thông số kỹ thuật của xe. Đồng thời nhà sản xuất xe điện cũng không khuyến khích việc độ pin và tất nhiên chiếc xe đã độ lại pin đó sẽ mất hoàn toàn chế độ bảo hành. Điều đó được thể hiện rõ ở các qui định bảo hành của hãng.

Như vậy, việc có nên độ pin xe điện hay không là phụ thuộc vào quyết định của chính người dùng. Cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi độ pin để quyết định xem có nên chi ra một khoản chi phí không nhỏ để nâng cấp hay không. Hiện tại, chi phí để độ pin có thể giúp người dùng nâng cấp từ một chiếc xe dùng ắc quy hướng lên các dòng xe cao cấp hơn, sử dụng pin LFP của VinFast vừa ra mắt cách đây không lâu.

5 dòng xe mới ra mắt dùng pin LFP hiện nay của VinFast hiện tại đã có thể di chuyển với quãng đường lên tới 200 km sau mỗi lần sạc đầy, đáp ứng nhu cầu di chuyển thông thường trong thành phố của hầu hết người dùng. Đây là những lựa chọn "an toàn" hơn cho người dùng, do đó phong trào độ pin xe điện hiện tại cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.