Dở khóc dở cười vì những cú điện thoại quấy rối tổng đài 115 mùa dịch Covid-19

21/04/2020 14:27 GMT+7

Trong mùa dịch Covid-19 , Tổng đài 115 là nơi tiếp nhận sàng lọc, tư vấn, chuyển bệnh những trường hợp nghi ngờ hoặc có liên quan từ nhiều nguồn; dịch vụ taxi chỉ được cung cấp thông qua tổng đài 115 để hỗ trợ người dân, nhưng những cuộc gọi quấy rối vô ý thức vẫn diễn ra...

Sáng 21.4, Trung tâm cấp cứu 115 vẫn căng sức hoạt động trong thời gian cách ly xã hội. Những cuộc gọi liên hồi đổ về Tổng đài 115, những chuyến xe cấp cứu ra vào liên tục. Có trực tiếp chứng kiến cường độ làm việc của Trung tâm cấp cứu 115 thời gian này, mới thấy những cuộc gọi quấy phá, nhiều cuộc gọi “ma”, những yêu cầu không chính đáng nằng nặc đòi taxi miễn phí... thật đáng phẫn nộ. 

Gọi 251 cuộc điện thoại quấy phá Trung tâm cấp cứu 115 ngay đại dịch Covid-19

Gọi tổng đài cấp cứu 115 để... tán tỉnh

Anh Nguyễn Trọng Hiển, Phó phòng điều hành Trung tâm cấp cứu 115,  cho biết ngoài các cuộc gọi cấp cứu thông thường, trong mùa cách ly xã hội phòng dịch bệnh Covid-19, số cuộc gọi 115 tăng đột biến. Trước đây mỗi ngày tổng đài tiếp nhận 500 - 600 cuộc gọi, thì hiện nay, do tổng đài đảm trách thêm nhiệm vụ “lọc bệnh” để chuyển cho taxi Mai Linh vận chuyển miễn phí hỗ trợ người dân, nên số cuộc gọi tăng lên từ 900 - 1.000 cuộc gọi/ngày thậm chí có ngày nhận 1.200 cuộc gọi.

Tổng đài viên 115 đang nhận cuộc gọi cấp cứu.

Ảnh: Duy Tính

Cũng theo anh Hiển, người dân thường gọi thông báo về các ca nghi ngờ nhiễm Covid-19, đặc biệt là báo về các trường hợp người ngất xỉu ngoài đường, kèm dấu hiệu ho, sốt. Do khối lượng công việc quá nhiều,  trung tâm thường tư vấn, rồi nhanh chóng cung cấp số điện thoại của y tế địa phương gần nhất để kịp thời giám sát, xử lý.
Cũng có nhiều trường hợp người dân nửa đêm gọi vào tổng đài 115 báo là tình trạng bản thân bị mệt, ho, lo lắng mình nghi nhiễm Covid-19. Nhân viên Tổng đài 115 hướng dẫn, tư vấn bảo vệ sức khỏe tại nhà và sáng hôm sau Trung tâm kiểm soát bệnh tật, y tế địa phương có mặt ngay để xử lý.
Nhưng ngoài những cuộc gọi như vậy, vẫn có nhiều các cú điện thoại  quấy rối có chủ đích, cứ 10 - 15 phút gọi 1 lần, trình bày hết sức nghiêm túc, thậm chí nghiêm trọng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm khai thác dịch tễ, các nhân viên y tế trực tổng đài nhanh chóng phát hiện người gọi hoang báo, không phải là trường hợp cần cấp cứu thật sự…

Một cuộc gọi cấp cứu đang được nhân viên tổng đài 115 xác nhận.

Ảnh: Duy Tính

Ngoài ra, theo anh Hiển, cũng còn phải kể đến nhiều thanh niên thường xuyên gọi chỉ để... chọc phá các nữ nhân viên của Trung tâm. Các cuộc gọi tán tỉnh này khi bị nhắc nhở, không phải ai cũng dẹp. Một số người còn tỏ ra “thích thú”, thậm chí gọi nhiều hơn trước.

Khăng khăng đòi taxi miễn phí

Anh Hiển cho biết TP.HCM đã bố trí 200 xe taxi/ngày để phục vụ miễn phí cho những trường hợp đặc biệt cần thiết trong những ngày cách ly xã hội. 
Thế nhưng, có những trường hợp người dân gọi, đòi điều xe taxi, chỉ vì... đau mắt, đau tay. Khi tiếp nhận những trường hợp đó, mặc dù nhân viên tổng đài đã cố gắng tư vấn cho người dân di chuyển bằng xe máy đi khám chữa bệnh, nhưng nhiều người có những phản ứng rất khó chịu.
Theo chị Đoàn Thị Mỹ Danh, Trưởng nhóm điều phối ca trực, mới đây có trường hợp sảy thai, diễn biến nặng. Nhận được cuộc gọi, trung tâm quyết định điều xe cấp cứu cùng nhân viên y tế đến hỗ trợ, nhưng không hiểu sao người nhà vẫn nằng nặc đòi đi... xe taxi.

Trực tổng đài cấp cứu 115 đang xác định vị trí của người cần cấp cứu.

Ảnh: Duy Tính

Một trường hợp khác, giữa khuya, chồng chở vợ đi sinh,  được nửa đường thì xe bể bánh. Người chồng gọi đến trung tâm, nhân viên hỗ trợ tư vấn điều xe cấp cứu, nhưng người chồng vẫn khăng khăng đòi đi xe taxi, chứ... "không cần xe cấp cứu".
Thậm chí, có trường hợp gọi đến Trung tâm báo là thai phụ đang đau bụng, sau đó gọi báo "đã vỡ nước ối", rồi gọi tiếp báo "đầu em bé chui ra rồi".... Thế mà người nhà vẫn yêu cầu đi taxi miễn phí, không đồng ý để tổng đài đưa kíp xe cấp cứu xuống hỗ trợ..
“Đa số các trường hợp gọi taxi thì chủ yếu là muốn có xe đi miễn phí, mặc dù tình trạng khẩn cấp cần phải có xe cấp cứu, nhân viên y tế hộ trợ. Thậm chí khi đã có xe taxi cho bệnh nhân, lại gọi tiếp yêu cầu thêm nhiều chuyến taxi nữa để... chở người nhà. Do cuộc gọi yêu cầu taxi nhiều quá, trong những trường hợp gọi quá 2 lần, tổng đại sẽ chặn số”, chị Mỹ Danh cho biết.
Cũng theo thông tin từ Trung tâm cấp cứu 115, trong những ngày cách ly xã hội, trung bình tổng đài chuyển khoảng 150 chuyến/ngày cho công ty taxi, sau khi đã lọc bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết đã có văn bản gửi đến Công an và Sở TT-TT TP về việc đề nghị hỗ trợ xử lý số điện thoại gọi đến đầu số 115 để phá rối.
Theo bác sĩ Long, trong thời gian gần đây đã xuất hiện những cuộc gọi không rõ nội dung, gọi đến phá rối (chiếm khoảng 70% tổng số cuộc gọi) đến Trung tâm. Cao điểm là vào ngày 15.4, Trung tâm nhận được cuộc gọi từ một số thuê bao 096.881... gọi đến đầu số 115 liên tục, với 251 cuộc (thời lượng từ 1 - 23 giây), thời gian gọi từ 14 giờ 12 phút - 23 giờ 42 phút.
Tuy nhiên, khi tổng đài viên bắt máy thì không có nội dung, chỉ nghe tiếng ti vi. Việc này gây bức xúc đến toàn thể nhân viên trung tâm, ảnh hưởng đến việc xử lý các cuộc gọi thật sự cần thiết của người dân. Đặc biệt trong bối cảnh khối lượng công việc tăng nhiều như hiện nay, khi Trung tâm cấp cứu 115 còn hỗ trợ taxi Mai Linh phân loại bệnh nhân (không di chuyển được bằng xe máy khi đến bệnh viện hoặc từ bệnh viện về nhà) trong thời gian cách ly xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.