‘Dở khóc dở cười’ khi dùng nhiều mạng xã hội cùng lúc

Thảo Phương
Thảo Phương
07/07/2023 16:37 GMT+7

Hiện nay việc sử dụng nhiều mạng xã hội cùng lúc đang rất phổ biến. Có những người trẻ trên màn hình điện thoại là đủ các nền tảng mạng xã hội khác nhau, từ phổ biến cho tới những mạng xã hội mới nhất. Thế nhưng, điều này cũng không tránh khỏi những tình huống bi hài, "cười ra nước mắt"...

Vì sao cùng lúc xài nhiều mạng xã hội?

‏Một khảo sát nhỏ của người viết với 10 người trẻ thì 10/10 đều sử dụng từ 4 nền tảng mạng xã hội trở lên, phổ biến nhất là Zalo, Facebook, Instagram và TikTok. 

‘Dở khóc dở cười’ khi dùng nhiều mạng xã hội cùng lúc - Ảnh 1.

Vân Khánh đang sử dụng 7 nền tảng mạng xã hội cùng một lúc

THẢO PHƯƠNG

‏Hiện tại dùng 7 mạng xã hội cùng một lúc, Nguyễn Thị Vân Khánh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: "Mình đang dùng các nền tảng mạng xã hội: Zalo, Facebook, Telegram, Instagram, TikTok, Locket, Twitter. Mỗi một mạng xã hội mình sử dụng với những mục đích và dành cho những đối tượng khác nhau".‏

‏Cô nàng chia sẻ, Zalo dùng để nhắn tin công việc, học tập; Telegram được dùng riêng cho công việc; Instagram được dùng để trải lòng, đăng những trạng thái cảm xúc của bản thân; TikTok sử dụng để đăng clip; Locket dùng để cập nhật tình hình với bạn bè mọi lúc mọi nơi, còn Twitter là ứng dụng dành riêng cho thần tượng. Riêng Facebook, Khánh có tài khoản chính, nhiều tài khoản phụ và cả những blog cá nhân. Tài khoản chính được cô nàng sử dụng để xây dựng hình ảnh bản thân, tài khoản phụ và blog là để đăng tải và chia sẻ những điều mà Khánh thích. ‏

‏Khi được hỏi cùng một lúc sử dụng nhiều mạng xã hội như thế thì có khó quản lý?, Khánh nói: "Thời gian đầu có hơi khó một chút nhưng mình sử dụng quen rồi nên thấy bình thường. Vì muốn bảo mật tốt nên mỗi tài khoản mạng xã hội mình phải đặt 1 mật khẩu khác nhau, và phải ghi chú lại vì sợ quên". 

‘Dở khóc dở cười’ khi dùng nhiều mạng xã hội cùng lúc - Ảnh 2.

Mỗi mạng xã hội được người trẻ sử dụng với một mục đích khác nhau

THẢO PHƯƠNG

‏Không chỉ sử dụng nhiều mạng xã hội Khánh còn nhiều kiểu tương tác "độc lạ" với bạn bè như: nhắn tin, trò chuyện qua Momo, Google docs, Shopee… Những ứng dụng mà trước đây mọi người đều chỉ mặc định cho nó chức năng là chuyển tiền, gõ văn bản và mua sắm. ‏

‏Sử dụng 4 nền tảng mạng xã hội cùng lúc, Nguyễn Ngọc Hạnh (22 tuổi), ngụ ở hẻm 16, đường 100 Bình Thới, P.14, Q.11 (TP.HCM), cho biết: "Mình thấy việc sử dụng nhiều mạng xã hội cùng lúc rất bình thường và thời buổi này ai cũng vậy. Facebook và Zalo mình dùng để liên lạc, tương tác với bạn bè, người thân, đăng tải một số hoạt động, sự kiện nổi bật. Instagram thì dùng để đăng những cảm xúc, tâm trạng vì ở đây ít người theo dõi, chỉ có những người bạn thật sự thân. TikTok dùng để học tiếng Anh và giải trí".‏

"Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia"

‏Do sử dụng nhiều mạng xã hội cùng lúc nên khó tránh khỏi những câu chuyện "cười ra nước mắt". Không ít bạn trẻ vô tình bỏ lỡ những tin nhắn do trò chuyện trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau. 

Đặng Như Hoa, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, kể lại: "Lâu quá không thấy người ta phản hồi nên vào xem thử thì biết mình mới là người chưa trả lời tin nhắn của họ. Vậy mà trước đó lại giận ngược vì nghĩ người ta lơ mình. Chưa kể có những lúc ứng dụng bị lỗi không thông báo tin nhắn làm mình cất công chạy xe hơn 30 phút để tới trường thì hôm đó lớp lại được nghỉ".‏

‏Bên cạnh đó, nhiều người trẻ còn rơi vào tình huống "lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia" khi đang nhắn tin với nhiều người cùng lúc ở nhiều mạng xã hội khác nhau sẽ khó tránh khỏi việc trả lời nhầm tin nhắn giữa người này với người kia. "Mình từng rơi vào trường hợp đang nói chuyện với người này nhưng lại gửi nhầm tin nhắn cho người khác. Lúc đó chỉ nhanh tay thu hồi và cầu mong người bên kia chưa đọc được chứ chả biết làm gì khác. Nhiều khi xui người ta đọc rồi thì rất quê", Khánh chia sẻ.‏‏

‏Sử dụng nhiều mạng xã hội cùng lúc đôi khi sẽ dẫn đến việc người dùng dễ rơi vào trạng thái "đắm chìm" trong thế giới ảo. Từng có khoảng thời gian phụ thuộc vào mạng xã hội khi lướt từ trang này qua trang khác vẫn không chán, Khánh cho hay: "Cái lợi của việc xài nhiều mạng xã hội là mình được thể hiện nhiều bản ngã khác nhau, giúp mình cập nhật thông tin nhanh chóng và bắt trend (xu hướng) kịp thời. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được thời gian sử dụng sẽ rất dễ bị đắm chìm trong đó. Mỗi mạng xã hội mình dừng lại một chút để xem thông báo, tin nhắn rồi lướt lên lướt xuống có khi tới 1 - 2 giờ sáng". ‏

‏Trịnh Hoàng Huy (23 tuổi), trọ trên đường số 21, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ: "Mặc dù đang xài 5 mạng xã hội nhưng mỗi ngày mình chỉ sử dụng khoảng 2 tiếng đổ lại. Mình cập nhật thông tin của bạn bè, nhắn tin, tương tác với một vài người quen. Mạng xã hội cũng là kênh để mình tiếp thu kiến thức phục vụ cho công việc, học hỏi thêm nhiều điều hay. Tuy nhiên mình chỉ sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định rồi tắt máy đi ngủ sớm". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.