Đình ông Nguyễn...

23/10/2022 09:00 GMT+7

1. Độ chừng trước lễ giỗ diễn ra vài ngày, bà con trong xóm lại tất bật chuyện mùa màng, coi ngó trước sau trong nhà rồi chuẩn bị đến đình ông Nguyễn (*) phụ giúp chuyện bếp núc, bánh trái cúng đình.

Từ lâu việc đi đình ông Nguyễn trở nên thân thuộc, để những buổi sáng ngồi lại với nhau, người ta lại nhắc “tháng sau tới cúng đình”, “hình như còn nửa tháng nữa tới đình”. Cố Mười ngồi xếp bằng trên võng đưa vùn vụt “ngộ thiệt, lần nào gần tới giỗ là tao lật lịch ra trúng phóc”. Ngày lộ làng còn trắc trở, bà con ở miệt ruộng đồng rủ nhau “đổ dầu” cùng chủ ghe đi cúng đình ông Nguyễn. Không khí rộn rã cả một khúc sông, tiếng í ới gọi nhau cứ vang vọng từ bờ này sang bờ kia. Người lớn đứng trên bờ nói với theo bóng những đứa con, căn dặn đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Bà chủ đò dỡ nồi khoai luộc đem chia hết cho bà con, đến cuối cùng chỉ còn lại củ khoai sùng bẻ đôi với bà già teo tóp luôn miệng nhắc “coi chia cho tụi nhỏ trước đi”. Đám trẻ con được các vị cao niên trong xóm dạy cách biết yêu từng cọng lúa, củ khoai quê nhà, về những giai thoại của người dân anh hùng bất khuất không lùi bước trước họng súng quân thù. Cũng có khi cả ghe ôm bụng cười ngặt nghẽo trước những câu chuyện tiếu lâm mang máng chuyện bác Ba Phi ở rừng U Minh. Và mình cũng lớn lên từ những câu chuyện như thế, để biết yêu thêm mảnh đất nghĩa tình, hào sảng nơi đây...

Khách thập phương viếng đình ông Nguyễn

Nguyễn Chí Ngoan

2. Thời gian có thể làm thay đổi đi nhiều thứ nhưng tấm lòng người dân miền Tây dành cho ông Nguyễn thì vẫn vẹn nguyên, nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác như chưa từng có sự đứt đoạn nào. Tấm lòng thơm thảo của người miền Tây được gói trong đòn bánh tét, mớ gạo, chút cây nhà lá vườn của người nhà quê vượt hàng trăm cây số mang đến. Người góp của, người góp công cùng nhau tạo nên một lễ giỗ thấm đẫm tình làng nghĩa xóm. Điều mà chắc lâu rồi bạn chưa được nhìn thấy lại giữa biển người xuôi ngược. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy những trạm cơm miễn phí đặt quanh đình suốt 4 ngày đêm. Từ bác xe ôm, cô bán vé số, ông chủ nhà hàng hay cả lớp học rủ nhau đi ăn cơm đình trong tiếng nói cười rền vang. Chẳng phân biệt giàu sang thấp hèn, họ cùng nhau ngồi lại bên mâm cơm như những người thân trong gia đình. Bạn đừng ngại, cứ ghé vào ăn, ngồi giữa những người xa lạ, ở đó sẽ có những câu chuyện bâng quơ, chẳng ăn nhập vào đâu lại là thứ keo hồ bền chặt, gắn với nhau bằng thứ tình cảm hồn nhiên nhất.

Để có lần mình đứng bâng quơ ở thành phố chật ních người dưng, chú xe ôm đột ngột dừng lại nở nụ cười mất hết “hàng tiền đạo”: “Bữa tui gặp chú em ở đình, bữa ngồi ăn cơm chung với nhau đó, nhớ hôn?”. Những nụ cười lại được thắp lên giữa bụi đường đời xuôi ngược, chú giúi tiền lại vào tay mình “bây trả nữa là tao giận à nghen”. Lúc cho xe rời đi, chú cũng không quên làm nên cuộc “hẹn hò” cho lần ăn đình sắp tới. Cụm từ “ăn cơm đình” đã trở thành một nét đặc trưng của người dân đất miền Tây, để mỗi lần có dịp nhắc đến, người ta lại thấy ấm lòng đến lạ.

Trạm cơm miễn phí

3. Bạn đừng hoài nghi ly nước trên tay bạn được làm từ thuốc mê, bùa ngải như mấy lời đồn trôi nổi. Người ta đứng hàng dài giúi vào tay người đi đường ly nước, chỉ mong cho con đường của bạn bớt xa hơn. Những trạm nước miễn phí được đặt dọc bên đường, làm mình nhớ đến hàng lu dưới mái hiên nhà của những người nhà quê dành cho khách lỡ đường. Mình nhớ cái chén mẻ nội làm dấu, dặn đám con cháu trong nhà uống vào chỗ mẻ ở chén (vì khách thường không uống chỗ mẻ). Một hôm thằng cháu nội hốt hoảng chạy vào nhà gọi giật ngược: “Nội ơi, chú đó uống ngay cái lỗ của nội rồi” làm người khách ngẩn ngơ rồi bật cười lúc hiểu ra sự tình. Câu chuyện đó được người trong xóm đem ra ghẹo nội vào dịp đám tiệc, cùng tràng cười không ngớt. Bà nội cười mỉm chi, phát tay “mắc dịch tụi bây”. Và hình như những điều dễ thương ở xứ này đâu bị mất đi, cứ đi rồi sẽ thấy.

Trên đường diễu hành lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực

4. Mình từng tự hỏi sự bao dung bắt đầu từ đâu lúc đi qua trạm khám chữa bệnh cho người nghèo giữa cảnh nhộn nhịp quanh đình. Có người nán lại với chứng mất ngủ kinh niên, có người than thở về bộ xương kêu răng rắc, có người đứng chờ xin thêm mớ thuốc cho ông bạn già cặp vách. Thằng bé ngồi bẹp xuống đường nhìn mình cười hề hề: “Bà nội con nói, thuốc này uống vô thấy phẻ, lội bộ phây phây mà không hề hớn gì”. Nghĩ, những túi thuốc kia đã hoàn thành sứ mệnh thật lớn lao.

Bên trong đình, các bà các mẹ tất bật với những việc không tên. Bạn đừng cảm thấy lạ khi có tiếng ai đó gọi nhờ bạn xách cái này, rửa cái kia. Hãy xắn tay áo lên làm như công việc trong nhà. Và bạn cũng đừng bất ngờ khi thấy cánh đàn ông gói bánh tét thiệt tài tình, bà cụ ngoài tám mươi nhớ rõ khuôn mặt từng người, “khuyến mãi” thêm vài cơn liệu cười bung nóc. Mấy cô gái được người lớn truyền cho “bí kíp” nấu ăn, tỉa tót rau củ để đi mần dâu không bị “trả dìa”. Cúng đình cũng là dịp những bà mẹ kiếm dâu hiền rể thảo. Bạn đừng cười khi thấy cô gái mặt đỏ bừng lúc được ai đó chấm làm con dâu. Chàng trai ngồi bên kia bàn tủm tỉm cười, còn cô gái gãi “sạch bon da đầu”: “Con còn nhỏ thấy mồ”. Mình thương vẻ ngại ngùng đó, thương cái không khí rộn ràng, mỗi người một tay, thấy việc thì phóng vô làm không cần ai nhắc nhở. Chẳng phải đám tiệc ở xứ này vẫn luôn như vậy hay sao?

5. Nhìn những hàng người túi lớn, túi nhỏ giăng mùng ngủ trên vỉa hè, công viên (không phải họ không có tiền) chắc sẽ làm bạn xốn xang dài dài. Đêm phố biển, mọi người ngồi lại bên cút rượu đế cay nồng với vài con khô, con tép. Máu tài tử nổi lên, bạn có thể nghe đâu đó câu vọng cổ “ui da” trong lúc xuống xề. Tài tử cười hề hề “muỗi chích mấy huynh ơi”. Những gian hàng thức trắng đêm, người bán hàng nở nụ cười mặc kệ cơn buồn ngủ “mua tiếp chị đi mấy cưng”. Bạn sẽ chẳng thấy có sự chèo kéo hay lọc lừa ở nơi đây, người ta đến đình như tìm đến chốn linh thiêng, nơi cái nghĩa xóm làng được nuôi nấng từ những điều nhỏ nhoi như một dòng sông dành cả ngàn năm để chảy. Mình thường đứng trên cầu nhìn những ngọn hoa đăng mang theo ước nguyện của người dân xứ mình trôi về phía biển. Thứ ánh sáng lập lòe nhưng đủ sức soi rọi lòng người, cháy lên những ngọn lửa không bao giờ tắt.

Những chiếc chiếu Tà Niên ngày xưa được người dân dệt trải suốt dọc đường theo bước anh hùng ra pháp trường, giờ đã mục rữa theo thời gian nhưng nước mắt và lòng tôn kính đối với vị anh hùng dân tộc vẫn còn ở lại mãi với ngàn sau. Hàng ngàn khách từ khắp nơi về cúng giỗ, trong dòng người đó có những dáng người quen lắm mà năm nào mình cũng gặp. Thử một lần “ngủ bụi, ăn cơm đình” bạn sẽ thấy mình chẳng bao giờ bị bỏ lại phía sau. Rằng cái nghĩa đồng bào bao đời vẫn thắm chảy như bãi đước, rặng bần từ đó đơm xanh...

(*) Đình thần Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá, Kiên Giang)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.