Dinh dưỡng đầy đủ giúp F0 hạn chế biến chứng

Thanh Lương
Thanh Lương
14/09/2021 00:14 GMT+7

Bệnh nhân Covid-19 cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch, hạn chế biến chứng và nguy cơ diễn biến nặng.

Đó là khuyến cáo mới đây được Bộ Y tế ban hành trong Tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà kèm theo Quyết định 4156/QĐ-BYT, trong đó có hướng dẫn chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho nhóm bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng.
Cụ thể, thông tin từ Bộ Y tế cho biết khi mắc Covid-19, nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh tăng cao do tăng tiêu hao năng lượng. Nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đúng cách, họ sẽ dễ bị suy dinh dưỡng nặng, từ đó làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng...

Bộ Y tế khuyến cáo không phun chất khử khuẩn lên thực phẩm

Ăn đủ các nhóm chất

Bộ Y tế khuyến cáo người mắc Covid-19 mức độ nhẹ và không có triệu chứng cần duy trì chế độ ăn đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng. Cụ thể, người bệnh cần ăn đủ các nhóm thực phẩm bao gồm: Nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt...
Người mắc Covid-19 không nên bỏ bữa, cần ăn đủ 3 bữa chính và tăng cường bữa phụ (từ 1 - 2 bữa), nhất là khi họ không thể ăn nhiều vào bữa chính do mệt mỏi, ho hay sốt...
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần uống đủ nước (trung bình 2 lít/ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy; tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc, các loại đậu, hạt...) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng; ăn thêm trái cây tươi hoặc uống nước ép trái cây, bổ sung vào bữa ăn các loại rau xanh, gia vị như tỏi, gừng…

Quán bún Sài Gòn hiếm hoi mở bán online: Vài tiếng đã hết sạch hàng

Chế độ ăn giàu thực vật giúp giảm mức độ mắc Covid-19

Chuyên trang Science Daily vừa dẫn kết quả một nghiên cứu mới do nhóm nhà khoa học tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts (MGH, thuộc Trường Y Harvard, Mỹ) thực hiện và được công bố trên chuyên san Gut, cho hay những người có chế độ ăn lành mạnh, giàu thực vật sẽ giảm đáng kể nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc Covid-19.
Người đứng đầu nghiên cứu, tiến sĩ Jordi Merino, chuyên gia của MGH và là giảng viên y khoa thuộc Trường Y Harvard, cho biết nhiều báo cáo khoa học đã chỉ ra dinh dưỡng kém là một trong những nguyên nhân làm tăng mức độ nghiêm trọng khi mắc Covid-19. Nhóm của tiến sĩ Merino đã phân tích dữ liệu sức khỏe hơn 592.000 người sống tại Anh và Mỹ, trong đó có 31.831 người mắc Covid-19. Kết quả cho thấy so với nhóm có chế độ ăn uống nghèo nàn, ít thực phẩm có nguồn gốc thực vật thì nhóm có chế độ ăn lành mạnh sẽ có nguy cơ mắc Covid-19 thấp hơn 9% và nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc Covid-19 sẽ thấp hơn 41%. 
Kết quả nghiên cứu cũng đánh giá bên cạnh việc duy trì các chính sách giãn cách, mang khẩu trang hay đẩy mạnh tiêm phòng, việc cải thiện khả năng tiếp cận với các loại thực phẩm lành mạnh như rau củ quả… cho đại đa số người dân cũng sẽ giúp nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, từ đó giảm đáng kể khả năng bùng phát của Covid-19.
Trà Linh

Ưu tiên thực phẩm tự nhiên

Cũng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người mắc Covid-19 nên ưu tiên các loại thực phẩm tự nhiên như rau quả tươi, ngũ cốc (gạo, ngô, khoai, sắn…), các loại thịt, cá, tôm, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa bột, sữa tươi, sữa chua…). Bệnh nhân Covid-19 cũng cần hạn chế các thực phẩm như mỡ, phủ tạng động vật, thực phẩm chứa nhiều muối (đồ hộp, dưa, cà muối...), các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo và các sản phẩm chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
Người bệnh cũng cần hạn chế ăn nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <10% tổng năng lượng ăn vào), tuyệt đối tránh dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng.
Ngoài ra, cũng không cần kiêng khem thực phẩm nếu không có tiền sử dị ứng hay khuyến nghị cụ thể từ bác sĩ. Đồng thời, nếu có dùng thêm sản phẩm dinh dưỡng bổ sung thì cần tuân theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.